Ba phi hành gia Trung Quốc trong sứ mệnh Thần Châu 14 - Ảnh: REUTERS
Sáng 5-6, Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) thông báo tàu vũ trụ Thần Châu 14 đã đưa 3 phi hành gia nước này lên trạm Thiên Cung từ Trung tâm phóng vệ tinh ở Tửu Tuyền.
Vụ phóng diễn ra lúc 8h54 sáng và theo CMSA, sức khỏe của cả ba phi hành gia đều ở trạng thái ổn định sau khi tàu Thần Châu 14 đi vào quỹ đạo được chỉ định.
Tân Hoa xã cho hay, ba phi hành gia tham gia sứ mệnh lần này bao gồm chỉ huy Chen Dong (43 tuổi) và các đồng đội Liu Yang (43 tuổi), Cai Xuzhe (46 tuổi).
Nhiệm vụ của họ là xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung trong vòng 6 tháng, và sẽ trở về Trái đất vào tháng 12 bằng tàu vũ trụ Thần Châu 15.
Cũng theo Tân Hoa xã, bộ ba sẽ hợp tác với đội mặt đất để hoàn thành việc lắp ráp và phát triển trạm vũ trụ Thiên Cung thành một "phòng thí nghiệm vũ trụ" của Trung Quốc.
Tàu Thần Châu 14 rời bệ phóng - Ảnh: REUTERS
"Phòng thí nghiệm" Thiên Cung được xây dựng dựa trên 3 môđun, bao gồm 1 môđun trung tâm có tên Thiên Hòa, nơi 3 phi hành gia dừng chân và sinh hoạt tại đây. Trong khi đó, 2 môđun có tên là Vấn Thiên và Mộng Thiên sẽ được sử dụng làm phòng thí nghiệm.
Trước đó, môđun Thiên Hòa đã được phóng thành công vào tháng 4-2021, và dự kiến tạo thành một cấu trúc hình chữ T khi hai môđun còn lại được phóng thành công.
Hai môđun phòng thí nghiệm Vấn Thiên và Mộng Thiên sẽ lần lượt cập bến vào tháng 7 và tháng 10 năm nay, theo Tân Hoa xã.
Trạm vũ trụ Thiên Cung sẽ có tuổi thọ sử dụng ít nhất một thập kỷ. Trong thời gian này, trạm sẽ được sử dụng để nghiên cứu một loạt thí nghiệm khoa học.
"Sứ mệnh Thần Châu 14 là một 'trận đánh' then chốt trong giai đoạn xây dựng trạm vũ trụ của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiệm vụ có thể sẽ gặp nhiều vấn đề và khó khăn trong quá trình thực hiện", chỉ huy sứ mệnh Chen Dong chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận