18/05/2017 16:47 GMT+7

Trung Quốc, Philippines bàn riêng về Biển Đông vào ngày mai

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Quý Châu, nơi đang diễn ra cuộc đối thoại Trung Quốc - ASEAN về bộ khung COC, được chọn làm nơi Bắc Kinh và Manila bàn chuyện riêng về Biển Đông.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trên, bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trên, bên phải) chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước trong chuyến thăm của ông Duterte tới Bắc Kinh hồi năm ngoái - Ảnh: Reuters
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trên, bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trên, bên phải) chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước trong chuyến thăm của ông Duterte tới Bắc Kinh hồi năm ngoái - Ảnh: Reuters

Ngày mai (19-5), Trung Quốc và Philippines bắt đầu vòng đối thoại song phương đầu tiên về tranh chấp trên Biển Đông. 

Ông Jose Santa Romana, Đại sứ Philippines tại Trung Quốc đã xác nhận ông sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Philippines tham dự cuộc đối thoại; dẫn đầu đoàn Trung Quốc là Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân.

Cuộc đối thoại diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Trung Quốc và các nước ASEAN kết thúc vòng đối thoại và tham vấn mới nhất về khung cho Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC). Cuộc họp đang diễn ra ngày hôm nay (18-5) tại Quý Châu, Trung Quốc, theo Nikkei Asian Review.

"Chương mới" trong tranh chấp Philippines - Trung Quốc

Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tiếp trên sóng truyền hình ngày 17-5, Đại sứ Philippines tại Trung Quốc tỏ ra lạc quan, gọi cuộc đối thoại là "chương mới" trong việc giải quyết tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh trên Biển Đông.

"Hai bên sẽ tập trung vào những vấn đề mà hai nước cùng quan tâm, đồng thời cố gắng sử dụng cơ chế đối thoại này để tăng cường niềm tin lẫn nhau, tìm ra phương thức hợp tác khả dĩ. Chúng tôi sẽ trao đổi về những vấn đề còn khác biệt, cố gắng hiểu được quan điểm của mỗi bên và tìm cách dung hòa", ông Romana khẳng định.

Theo báo Philstar của Philippines, Manila và Bắc Kinh đã thống nhất sẽ tổ chức đối thoại song phương về Biển Đông ít nhất 2 lần mỗi năm. Mục đích nhằm "quản lý xung đột trên Biển Đông giữa hai nước, thảo luận vấn đề một cách thân thiện và thẳng thắn những diễn biến mới trên biển".

"Tầm quan trọng của cơ chế đối thoại song phương này là có thể trình bày những vấn đề quan ngại của đất nước đến phía còn lại một cách thẳng thắn và thân thiện, không cần phải thông qua các cơ chế ngoại giao", Đại sứ Romana nói tiếp.

Khi được hỏi Philippines sẽ trình bày những gì trong cuộc đối thoại với Trung Quốc vào ngày mai, ông Romana từ chối cho biết chi tiết, nhưng khẳng định sẽ hướng tới mục tiêu "ngăn chặn leo thang" căng thẳng và "đối đầu có thể xảy ra". Các cuộc thăm dò tài nguyên chung giữa Trung Quốc và Philippines sẽ được thảo luận trong các cuộc đối thoại sau.

"Các luận điểm chính đang dần hoàn tất. Không nên khoe khoang trước khi cuộc đối thoại diễn ra, đó không phải là một động thái khôn ngoan. Tất cả sẽ liên quan tới vấn đề Biển Đông", ông Romana thông tin vắn tắt.

Chú trọng kinh tế hơn chủ quyền lãnh thổ

Tờ Philstar dẫn lời ông Romana tiếp tục cho biết cuộc đối thoại ngày mai chỉ mang tính chất thăm dò, trao đổi quan điểm và thảo luận về các phương thức khả thi để quản lý tranh chấp, tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và Philippines trong lĩnh vực hàng hải.

Giới quan sát nhận định, dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã xích lại gần chưa từng có. Gác lại cả phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế về Biển Đông, vốn được xem là một chiến thắng của Manila và đập tan những tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh trên Biển Đông, Philippines dưới thời ông Duterte đang chú trọng về kinh tế hơn là chủ quyền lãnh thổ.

Những ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Philippines đã được thấy rõ hơn qua tuyên bố chủ tịch được Manila đưa ra sau Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 hồi cuối tháng rồi. Các cụm từ "quân sự hóa", "đảo nhân tạo" - vốn được dùng để ám chỉ các thực thể bất hợp pháp của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, đã biến mất khỏi bản tuyên bố.

Đúng như lời của một chuyên gia đã nhận định trước đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ lợi dụng việc năm nay Philippines là chủ tịch luân phiên của ASEAN để gây ảnh hưởng đến các vấn đề khu vực.

Riêng đối với COC, hiện các nước chỉ mới ở giai đoạn thảo luận khung chứ chưa ra chính thức. Việc Trung Quốc đồng ý ngồi lại bàn COC với ASEAN sau nhiều năm trì hoãn có thể là một tín hiệu tích cực, song nó cho thấy Trung Quốc đang tính đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới sau khi đã đạt được ý đồ trên thực địa là các thực thể nhân tạo mà nước này xây trái phép trên Biển Đông đã gần như hoàn tất.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên