Nhóm InvisDefense đã sử dụng một thuật toán có thể "đánh lừa" camera an ninh, khiến nó không xác định được người mặc áo - Ảnh: WEI HUI
Theo nhóm nghiên cứu, chiếc áo khoác tên InvisDefense không giúp người mặc biến mất như áo của Harry Potter, nhưng được bao phủ lớp hoa văn làm "mù" camera ban ngày và phát ra các tín hiệu nhiệt bất thường vào ban đêm.
"Ngày nay, các thiết bị giám sát có thể xác định được cơ thể con người. Camera giao thông tích hợp chức năng nhận diện người đi bộ, xe hơi thông minh cũng có thể xác định được đâu là người đi bộ, đường đi và các vật cản.
Camera tuy có thể ghi nhận hình ảnh người mặc áo khoác InvisDefense nhưng không thể xác định được liệu hình ảnh đó có phải là con người hay không", tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời giáo sư Wang, người giám sát dự án nghiên cứu, cho biết.
Vào ban ngày, camera giám sát thường phát hiện vật thể là con người thông qua nhận diện chuyển động và hình dáng. Áo khoác InvisDefense có hoa văn ngụy trang trên bề mặt, giúp can thiệp vào các thuật toán nhận diện, khiến camera không thể phát hiện đối tượng là người hay không.
Vào ban đêm, camera xác định cơ thể con người nhờ công nghệ nhiệt hồng ngoại. Các module kiểm soát nhiệt độ gắn trên bề mặt áo khoác InvisDefense sẽ phát ra tín hiệu nhiệt độ khiến camera hồng ngoại nhầm lẫn.
"Phần khó nhất là làm sao để cân bằng các đặc điểm của lớp ngụy trang. Thông thường, các nhà phát triển sẽ làm hình ảnh vật cần ngụy trang trở nên sáng hơn nhằm che mắt máy móc, và cách làm này đã đạt được hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, cách này cũng khiến hình ảnh nổi bật trong mắt người, khiến vật thể trở nên đáng nghi ngờ" - anh Wei Hui, nghiên cứu sinh tiến sĩ chịu trách nhiệm cho phần thuật toán lõi của dự án InvisDefense, cho biết.
Nhóm phát triển đã tiến hành hàng trăm thử nghiệm trong ba tháng nhằm tìm ra phương cách ngụy trang tối ưu.
"Chúng tôi sử dụng thuật toán để thiết kế các đặc điểm ngụy trang có thể vô hiệu hóa tầm nhìn của máy móc một cách ít gây nghi ngờ nhất", anh Wei nói thêm.
Một trong những ưu điểm của InvisDefense là chi phí thấp. Chỉ cần bốn module kiểm soát nhiệt để qua mắt camera hồng ngoại, việc in các họa tiết ngụy trang lên mặt áo khoác cũng không tốn kém nhiều.
"Chi phí cho một bộ InvisDefense hoàn thiện chưa tới 500 nhân dân tệ (khoảng 1.750.000 đồng)", giáo sư Wang nói.
Giao sư Wang cho biết nghiên cứu của nhóm đã chứng minh vẫn còn những lỗ hổng trong công nghệ AI và công nghệ nhận diện. Các nhà nghiên cứu khác có thể sử dụng thuật toán từ InvisDefense để cải thiện công nghệ này.
Chiếc áo khoác tàng hình đã giành giải nhất trong cuộc thi sáng tạo dành cho sinh viên sau đại học ở Trung Quốc do Tập đoàn Huawei tài trợ ngày 27-11.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận