10/06/2011 07:30 GMT+7

Trung Quốc phải chấm dứt ngay việc vi phạm chủ quyền VN

V.V.THÀNH ghi
V.V.THÀNH ghi

TT - Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Các bên tuyệt đối không được sử dụng bạo lực * Trang web của Trung tâm biên phiên dịch và trang thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao Việt Nam bị một số hacker tấn công.

Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao chiều 9-6, sau khi thông báo về sự kiện tàu Trung Quốc lại cố tình phá cáp tàu Viking 2 của Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga - người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam - đã trả lời các câu hỏi của báo chí trong và ngoài nước.

M7dDEr78.jpgPhóng to
Tàu ngư chính 311 của Trung Quốc đã có mặt trong vùng biển chủ quyền Việt Nam để giải vây cho tàu cá 62226 sau khi phá rối cáp khảo sát của tàu Viking 2 - Ảnh: Xinhua
Xem video tàu ngư chính Trung Quốc phá cáp tàu Việt Nam - Nguồn Petrotimes.vn
4MKFvJWl.jpgPhóng to
Sơ đồ màn hình rađa tàu Viking 2 khi phát hiện các tàu Trung Quốc vào lúc 6g sáng 9-6-2011 - Nguồn: PetroTimes - Đồ họa: vĩ cường
rJdJFpdh.jpgPhóng to

Tàu khảo sát địa chấn Viking 2 - Nguồn: PetroTimes - Đồ họa: vĩ cường

* Trước việc tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc cố tình có hành động phá cáp của tàu Viking 2, mới đây tàu hải giám Trung Quốc đã cắt cáp tàu Bình Minh 02, có bình luận cho rằng có thể Trung Quốc sẽ còn lặp lại hành động tương tự trong thời gian tới. Vậy xin cho biết Việt Nam sẽ có những biện pháp như thế nào?

- Lập trường của Việt Nam về hai sự kiện, vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 và sự kiện sáng nay (9-6) đối với tàu Viking 2 đã được chúng tôi nói rất rõ.

Việt Nam mong rằng phía Trung Quốc sẽ xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ Việt - Trung, chấm dứt ngay và không để tái diễn mọi hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Chúng tôi mong Trung Quốc sẽ thực hiện những cam kết mà Trung Quốc đã tuyên bố trên các diễn đàn quốc tế là: duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông.

Về phía Việt Nam, các cơ quan chức năng của Việt Nam, các lực lượng của Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ để bảo đảm các hoạt động kinh tế của Việt Nam trong các khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam diễn ra bình thường.

* Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, có phát biểu trên báo chí là sau khi xảy ra sự kiện 26-5 thì tàu Bình Minh 02 ra khơi hoạt động trở lại với tám tàu bảo vệ. Xin cho biết tàu Viking 2 có tàu hộ tống hay không?

- Hai địa điểm và hai sự việc (liên quan đến tàu Bình Minh 02 và tàu Viking 2 - PV) là hoàn toàn khác nhau trong thềm lục địa của Việt Nam.

Như trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nói mà báo chí có trích dẫn là hiện nay tàu Bình Minh 02 có tám tàu bảo vệ. Nhiệm vụ của các tàu bảo vệ này là để bảo đảm cho các hoạt động khảo sát, thăm dò của tàu (Bình Minh 02) được diễn ra suôn sẻ, để cho các tàu khác đi lại ở trên khu vực vùng biển đó không có va chạm hay tránh xa các thiết bị khảo sát, thăm dò để không ảnh hưởng đến các thiết bị này của tàu (Bình Minh 02).

Trong trường hợp của tàu Viking 2 thì cũng có một số tàu có nhiệm vụ hỗ trợ như vậy.

* Được biết, tàu Viking 2 có liên quan đến nhiều quốc gia, hiện tại các bên liên quan có phản ứng gì chưa?

- Sự kiện vừa mới diễn ra, cho nên hiện nay chúng tôi chưa có thông tin về phản ứng của các quốc gia có liên quan đến sự việc này.

* Hoạt động của tàu hải giám Trung Quốc và tàu ngư chính Trung Quốc chịu trách nhiệm trước cơ quan nào của Trung Quốc?

- Có rất nhiều lực lượng của Trung Quốc hoạt động trên biển. Chúng tôi đã nêu lập trường của Việt Nam đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, là cơ quan đại diện của Trung Quốc tại Việt Nam. Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội sẽ phản ánh về lập trường của Việt Nam. Còn việc giải quyết thế nào đó là vấn đề của phía Trung Quốc.

* Xin cho biết cụ thể vấn đề đàm phán song phương hay đa phương liên quan đến khu vực biển Đông?

- Trước hết Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở hiến chương của Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông đã được ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, thông qua đàm phán song phương và đa phương nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của các bên liên quan.

Trong vấn đề biển Đông có rất nhiều loại vấn đề. Đối với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước thì có thể giải quyết song phương giữa các nước liên quan trực tiếp, trong trường hợp ví dụ như giữa Việt Nam và Trung Quốc thì những vấn đề song phương là vấn đề cửa vịnh Bắc bộ hay là vấn đề quần đảo Hoàng Sa.

Đối với những vấn đề liên quan đến nhiều nước và nhiều bên khác như vấn đề quần đảo Trường Sa thì giải quyết giữa các bên có liên quan. Đối với những vấn đề không chỉ liên quan đến các nước ven biển Đông mà còn liên quan đến cả các nước ngoài khu vực như vấn đề an ninh, an toàn hàng hải thì phải được giải quyết với sự tham gia của các bên liên quan.

* Có tin website của Bộ Ngoại giao VN bị hacker tấn công?

- Theo thông tin tôi có được, trong một vài ngày gần đây có một số trang mạng của Việt Nam đã bị hacker tấn công. Trang web của Trung tâm biên phiên dịch thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng bị hacker tấn công và để lại trên trang mạng đó một số thông tin bằng tiếng Trung, có hình ảnh và cờ của Trung Quốc.

Trang thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều qua cũng bị một số hacker tấn công theo dạng từ chối dịch vụ, làm việc truy cập vào trang mạng bị khó khăn.

Các cơ quan an ninh mạng của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng như các cơ quan an ninh mạng của Việt Nam đã và đang áp dụng các biện pháp ngăn chặn để bảo đảm an ninh, an toàn cho các trang mạng của Việt Nam. Hiện nay trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn hoạt động bình thường.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh:

Các bên tuyệt đối không được sử dụng bạo lực

Tại hội nghị chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN lần 8 diễn ra ngày 8-6 tại Indonesia, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tiếp tục khẳng định lập trường của Việt Nam về biển Đông và sông Mekong, coi đây là những vấn đề hết sức hệ trọng, có thể gây hệ lụy lâu dài nếu không được giải quyết và ngày càng chứng tỏ những thách thức này không phải của riêng những nước trực tiếp có biển hay sông Mekong hoặc những nước có lợi ích trực tiếp gắn liền, mà là của tất cả các nước trong khu vực.

Vấn đề biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình đa phương, trên cơ sở tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật biển (UNCLOS 1982), thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và cố gắng tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trong thời gian sớm nhất.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng khẳng định trong khi chưa tiến tới được COC hoặc chưa thực hiện một cách đầy đủ UNCLOS 1982, tất cả tranh chấp, bất đồng trong vấn đề này phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tránh những hành động đơn phương, đặc biệt tuyệt đối không được sử dụng bạo lực, sử dụng các biện pháp mạnh để hành xử với nhau.

Dấu mốc 13 ngày

* Ngày 26-5, ba tàu hải giám của Trung Quốc đã đe dọa và cắt đứt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 02 trong vùng biển chủ quyền của VN, cách bờ biển Việt Nam chỉ 116 hải lý.

* Ngày 27-5, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho Trung Quốc yêu cầu chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đồng thời bồi thường thiệt hại cho Việt Nam.

* Tối 28-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du ngang nhiên cho rằng vùng biển chủ quyền Việt Nam mà tàu Bình Minh 02 đang thả cáp thăm dò dầu khí là vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc.

* Ngày 31-5, tàu Viking 2 đang thăm dò dầu khí trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam lại bị tàu Trung Quốc phá rối. Chiều cùng ngày, một ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ và tịch thu tài sản trên vùng biển Việt Nam ở Hoàng Sa.

* Ngày 2-6, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tuyên bố sẽ đệ trình thư lên Liên Hiệp Quốc phản đối việc hàng loạt tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển nước mình.

* Chiều 3-6, gặp gỡ đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh bên lề Đối thoại Shangri-La, thượng tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cam kết “duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông,thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)”.

* Ngày 4-6, Bộ Ngoại giao Philippines ra thông báo khẳng định ”Hành vi của tàu Trung Quốc xâm phạm hòa bình và ổn định khu vực, vi phạm nghiêm trọng DOC”.

* Ngày 9-6, tàu cá Trung Quốc có sự hỗ trợ của tàu ngư chính đã phá cáp của tàu Viking 2.

V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên