17/02/2019 20:31 GMT+7

Trung Quốc nói tên lửa của mình 'chỉ để phòng thủ'

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Bắc Kinh nhấn mạnh các tên lửa của mình là để phòng thủ, không phải tấn công nên sẽ không tạo ra mối đe dọa, nên chuyện hiệp ước về tên lửa giữa Mỹ - Nga lại kéo Trung Quốc vào là "không công bằng".

Trung Quốc nói tên lửa của mình chỉ để phòng thủ - Ảnh 1.

Ủy viên quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hội nghị an ninh Munich ngày 16-2 - Ảnh: REUTERS

Tuyên bố được ông Dương Khiết Trì - ủy viên quốc vụ Trung Quốc - đưa ra tại Hội nghị an ninh Munich ở Đức ngày 16-2, ngay sau bài phát biểu mở màn của Thủ tướng chủ nhà Angela Merkel.

"Giải trừ vũ khí là điều mà tất cả các nước đều quan tâm và chúng ta sẽ cảm thấy thật vui mừng nếu các cuộc đàm phán được tổ chức không chỉ giữa Mỹ và Nga, châu Âu và Nga mà còn có cả sự tham gia của Trung Quốc" - bà Merkel nhắc lại đề xuất mở rộng Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa Nga và Mỹ.

Tuy nhiên, ông Dương Khiết Trì đã ngay lập tức bác bỏ ý tưởng của bà Merkel, cho rằng ép Trung Quốc tham gia một hiệp ước song phương đang bên bờ đổ vỡ giữa Nga và Mỹ là sự áp đặt thiếu công bằng đối với quân đội Trung Quốc.

Ủy viên quốc vụ Trung Quốc nhấn mạnh đến quan điểm của Bắc Kinh là phản đối việc mở rộng INF trở thành một hiệp ước đa phương.

"Trung Quốc phát triển các năng lực quân sự của mình sát với nhu cầu phòng thủ và không tạo ra mối đe dọa cho bất kỳ ai" - ông Dương Khiết Trì tuyên bố giữa hội nghị Munich.

Trung Quốc nói tên lửa của mình chỉ để phòng thủ - Ảnh 2.

Tên lửa đạn đạo Đông Phong 26 của quân đội Trung Quốc - Ảnh: AFP

Trung Quốc hiện là một bên tham gia hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1967. Còn INF là một hiệp ước song phương có từ năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô (cũ), trong đó cấm tất cả các tên lửa đất đối đất có khả năng mang vũ khí hạt nhân tầm bắn từ 500 - 5.500km.

Mỹ và Nga hiện vẫn chưa thôi tranh cãi về hiệp ước INF khi Washington cáo buộc Matxcơva đã vi phạm hiệp ước bằng cách phát triển và triển khai các tên lửa thế hệ mới tại châu Âu.

Bất chấp sự phủ nhận của Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu tiến trình rút khỏi INF kéo dài 6 tháng, theo Hãng tin Reuters.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc ông Trump rút khỏi INF không chỉ "cởi trói" cho Mỹ mà còn nhắm vào Trung Quốc. Theo ý của các chuyên gia, nhà lãnh đạo Mỹ có lẽ đã cảm thấy bất công khi phải ngồi yên bất động trong lúc các nước như Trung Quốc đổ tiền cho các tên lửa thế hệ mới.

Tất cả 5 nước thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đều từ chối yêu cầu cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân từ Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Chính quyền Bắc Kinh nhấn mạnh vũ khí hạt nhân có vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định thế giới.

Chiến lược hạt nhân chính thức của Trung Quốc là "răn đe tối thiểu", theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, với số đầu đạn hạt nhân ước tính vào khoảng 270 đơn vị, tính đến tháng 12-2017.

"Nếu chúng ta không thể giảm vai trò của vũ khí hạt nhân trong các chiến lược an ninh quốc gia, chúng ta sẽ không thể có một thế giới phi hạt nhân" - tướng về hưu Yao Yunzhu của Trung Quốc từng bình luận.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0