Quốc kỳ Trung Quốc tung bay bên ngoài một đền thờ Hồi giáo ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Trong cuộc họp báo sáng 26-9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân gọi báo cáo của ASPI "không gì hơn là các tin đồn mang tính phỉ báng". Ông Uông nói rằng ASPI đã nhận các nguồn quỹ nước ngoài để "hỗ trợ cho việc dựng lên những lời nói dối chống lại Trung Quốc".
"Nếu chúng ta nhìn vào con số, có hơn 24.000 ngôi đền tại Tân Cương, gấp hơn 10 lần tại Mỹ. Điều này có nghĩa là có một đền thờ cho mỗi 530 người Hồi giáo tại Tân Cương, và là nhiều đền thờ tính trên đầu người hơn so với nhiều quốc gia Hồi giáo" - phát ngôn viên Uông nói thêm.
Trước đó, ngày 25-9, ASPI đã công bố dữ liệu cho thấy hàng ngàn ngôi đền bị phá hoại ở Tân Cương trong vài năm trở lại đây, theo hãng tin Reuters. Các dữ liệu này, dựa trên hình ảnh vệ tinh và báo cáo, đã thống kê việc xây dựng các khu giam giữ người và phá hoại các khu vực văn hóa, tôn giáo.
Trung Quốc từng cam kết bảo vệ các tín ngưỡng ở khu vực này.
Hình ảnh vệ tinh của đền Jafari Sadiq tại Tân Cương vào ngày 10-12-2013 (trái) và ngày 20-4-2019 - Ảnh: Google Earth
Tuy nhiên, dữ liệu của ASPI cho thấy kể từ năm 2017, khoảng 16.000 ngôi đền tại Tân Cương đã bị xóa sổ hoặc bị phá hoại, và đây là kết quả của các chính sách của Bắc Kinh.
"Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch có chủ đích và hệ thống để viết lại di sản văn hóa của khu vực người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương" - báo cáo của ASPI cáo buộc.
Nhiều nước đã lên tiếng liên quan đến cách đối xử của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương. Liên Hiệp Quốc cũng đã trích dẫn các báo cáo đáng tin cậy nói rằng 1 triệu người Hồi giáo đã bị giam trong các trại cải tạo của Trung Quốc ở Tân Cương.
Trung Quốc đã bác bỏ việc đối xử ngược đãi với người Duy Ngô Nhĩ, nói rằng các trại này là các trung tâm dạy nghề cho người bản địa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận