Ngày 3-2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận một khinh khí cầu lơ lửng trên bầu trời Mỹ suốt nhiều ngày qua là của nước này.
Khinh khí cầu "đi lạc"?
Bắc Kinh khẳng định đây là một khinh khí cầu dân sự phục vụ nghiên cứu và việc nó đi vào không phận Mỹ là "sự cố đi lạc".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh nước này "lấy làm tiếc" vì sự việc, không muốn xâm phạm quốc gia có chủ quyền nào và sẽ phối hợp với Mỹ để "xử lý thích hợp".
Mặc dù vậy, lời giải thích này dường như không xoa dịu những phẫn nộ và lo ngại ở Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoãn chuyến thăm Trung Quốc dự kiến vào cuối tuần này sau sự việc, theo ABC News tối 3-2 (giờ Việt Nam).
Trích dẫn các nguồn thạo tin, ABC News cho biết việc hoãn chuyến đi nhằm để tránh vụ việc phủ bóng ảm đạm chuyến đi vốn được đặt nhiều kỳ vọng sẽ cải thiện quan hệ Mỹ - Trung.
Hãng tin Bloomberg cùng ngày 3-2 cũng trích các nguồn am hiểu vấn đề khi đưa tin chuyến đi của ông Blinken sẽ bị hoãn lại.
Không lâu sau khi truyền thông Mỹ loan tin, ngay trong tối 3-2, một quan chức Mỹ xác nhận Ngoại trưởng Blinken đã quyết định hoãn chuyến thăm Bắc Kinh.
Vị này nhấn mạnh đây không phải là thời điểm thích hợp để ngoại trưởng Mỹ đến Trung Quốc. Quyết định hoãn chuyến thăm cũng đã được ông Blinken chuyển đến các quan chức Trung Quốc và ông sẽ đến Bắc Kinh "vào thời điểm thích hợp sớm nhất".
"Mỹ cam kết tiếp tục duy trì các kênh liên lạc mở với Trung Quốc, ngay cả trong thời điểm hiện tại. Chúng tôi ghi nhận phát ngôn lấy làm tiếc của Bắc Kinh về vụ việc này", quan chức Mỹ khẳng định.
Canada cũng phẫn nộ vì khinh khí cầu Trung Quốc
Hiện Trung Quốc chưa bình luận về việc ông Blinken hoãn chuyến thăm nước này. Chưa có thông tin về việc làm thế nào Mỹ có nghi ngờ ban đầu đây là khinh khí cầu của Trung Quốc và liên lạc giữa hai nước.
Quân đội Mỹ đã cân nhắc việc bắn hạ khinh khí cầu ở Montana hôm 1-2 bằng tiêm kích tàng hình F-22. Song, cuối cùng Tổng thống Joe Biden đã quyết định từ chối vì rủi ro an toàn từ các mảnh vỡ.
Một quan chức Mỹ cho biết đường bay của khinh khí cầu sẽ bay qua một số địa điểm nhạy cảm nhưng không cho biết chi tiết. Căn cứ không quân Malmstrom ở Montana là nơi đặt 150 hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Quân đội Mỹ đã triển khai máy bay không người lái để giám sát chiếc khinh khí cầu của Trung Quốc. Một quan chức Mỹ khác đánh giá thiết bị này không có ý nghĩa lớn về mặt thu thập tin tức tình báo.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của nó đã làm rúng động dư luận và dấy lên sự phẫn nộ của các chính trị gia Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ đã liên lạc với Trung Quốc để thông báo về sự việc và bày tỏ thái độ không hài lòng.
Vụ việc cũng gây căng thẳng quan hệ Trung Quốc - Canada khi Ottawa triệu tập đại sứ Trung Quốc để nêu quan điểm vào ngày 3-2, theo Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận