Trung Quốc nghĩ gì về bầu cử Mỹ?

NGUYỄN THÀNH TRUNG 05/11/2024 07:18 GMT+7

TTCT - Trong khi chính quyền giữ thái độ chính thức là "không bình luận", những bình luận về cuộc bầu cử Mỹ trong dư luận Trung Quốc lại tỏ ra khá đa chiều.

"Không bình luận", hay "bầu cử Mỹ là vấn đề nội bộ của nước Mỹ" là những câu trả lời định sẵn của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh trước các câu hỏi về quan điểm của Chính phủ Trung Quốc với các sự kiện quay xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Trung Quốc nghĩ gì về bầu cử Mỹ? - Ảnh 1.

Ảnh: Foreign Affairs

Nội dung câu hỏi có thể là chuyện ông Joe Biden rút khỏi cuộc chạy đua vào tháng 7, hay Trung Quốc nghĩ sao về bà Kamala Harris; cho đến tranh luận chuyện đánh thuế hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ giữa hai phe. Bà Mao Ninh trước sau như một, luôn giữ thái độ "Trung Quốc không có ý kiến" bởi đây không phải "chuyện nhà tôi".

Ai thắng cũng vậy?

Dù nói vậy, một sự kiện có tính toàn cầu như bầu cử tổng thống Mỹ tất nhiên vẫn nhận được rất nhiều quan tâm ở Trung Quốc. Trong giới học giả nghiên cứu quốc tế nước này, quan điểm phổ biến hiện nay là ông Trump và bà Harris chẳng khác nhau là mấy trong chính sách với Trung Quốc, nên ai thắng cũng vậy thôi.

Phạm Hồng Đạt, giáo sư Đại học Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, trả lời hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ tháng 10 vừa rồi: "Về cơ bản không có sự khác biệt giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ trong thái độ đối với Trung Quốc". 

Ông Phạm cũng bày tỏ tâm lý bi quan về triển vọng với bất kỳ sự tan băng nào trong tương lai gần giữa hai cường quốc, khi "nhận thức hiện tại của Mỹ về Trung Quốc là rất tiêu cực, dù chính thức hay không công khai".

Chính phủ Trung Quốc tất nhiên hiểu rằng kết quả bầu cử Mỹ không chỉ định hình các vấn đề đối nội của Mỹ, mà còn cả các động lực quốc tế, đặc biệt là về thương mại, an ninh và ngoại giao với Trung Quốc. 

Trong bài báo lớn tựa đề "Trung Quốc muốn Harris hay Trump trở thành tổng thống Mỹ?" trên tờ Foreign Affairs 1-8 (tờ tạp chí nổi tiếng trong giới học thuật quan hệ quốc tế và ngoại giao), ba nhà bình luận đối ngoại hàng đầu Trung Quốc Vương Tập Tư (trưởng khoa quan hệ quốc tế Đại học Bắc Kinh), Hồ Nhiên và Triệu Kiến Vĩ viết:

"Các chiến lược gia Trung Quốc ít ảo tưởng rằng chính sách của Mỹ với Trung Quốc có thể thay đổi trong thập kỷ tới… Họ cho rằng dù ai đắc cử vào tháng 11-2024 thì ưu tiên vẫn sẽ là tiếp tục cạnh tranh chiến lược và thậm chí là kềm chế Bắc Kinh, trong khi hợp tác và trao đổi sẽ bị gác lại". 

Các tác giả dự đoán mặc dù việc hoạch định chính sách của bà Harris có thể "có tổ chức và dễ đoán" hơn ông Trump, nhưng cả hai đều sẽ "nhất quán về mặt chiến lược".

Vương Nghĩa Ngôi, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, trả lời phỏng vấn báo Anh Guardian cách đây hai tuần cho biết: "Harris sẽ tiếp tục các chính sách của Biden" đối với Trung Quốc. 

Mà chính sách của Biden là gì? Theo giáo sư Vương, đó là "theo chủ nghĩa Trump mà không có Trump". 

Tương tự, Josef Gregory Mahoney, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, Thượng Hải, bình luận: "Sự liên tục về mặt chiến lược đã được thiết lập rõ ràng đòi hỏi thúc đẩy vị thế của nước Mỹ, tới cấp độ mà dù là Biden hay Trump hay Harris, khác biệt thực sự chỉ là phong cách".

Trung Quốc nghĩ gì về bầu cử Mỹ? - Ảnh 2.

Ảnh: AFP

Về phản ứng chính sách, Trung Quốc đang ở thế không lấy gì làm thoải mái về kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. 

Bất kể bà Harris hay ông Trump chiến thắng, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt nhiều thách thức do tâm lý chống Trung Quốc hiện đang phổ biến ở Mỹ, tạo ra áp lực lớn với giới chính trị gia Washington. 

Thái độ "phải cứng rắn với Trung Quốc" là một trong rất hiếm hoi những vấn đề mà nền chính trị đầy chia rẽ của Mỹ hiện giờ có sự đồng thuận lưỡng đảng. Chính vì vậy, cả ở Bắc Kinh lẫn Washington, không có mấy người tin rằng quan hệ song phương sẽ sớm tốt hơn đáng kể.

Trên đài Đức DW, giáo sư Điêu Đại Minh, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, dự báo quỹ đạo cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung vẫn sẽ tiếp tục sau cuộc bầu cử.

Ông giải thích cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ phải đối mặt với áp lực tiếp tục các chính sách cứng rắn với Trung Quốc, và duy trì cách tiếp cận đối đầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Quan điểm đa chiều

Không như thái độ "miễn bình luận" của chính quyền hay "ai cũng vậy" của học giới, người dân Trung Quốc theo dõi cuộc bầu cử Mỹ đa sắc thái hơn hẳn. Quan điểm khá đa dạng này thể hiện rằng Trung Quốc không nhất thiết là một khối thống nhất về mặt tư tưởng, và vẫn tồn tại những quan điểm trái ngược nhau.

Giữa tháng 10-2024, tờ South China Morning Post (SCMP) đăng bài: "Tại sao các cuộc bầu cử ở Mỹ đang mất đi sự hấp dẫn với giới trí thức Trung Quốc, vốn từng bị thu hút bởi tiến trình dân chủ?". 

Tờ SCMP giải thích rằng sự trỗi dậy của ông Trump, số người chết vì đại dịch ở Mỹ và căng thẳng Trung - Mỹ là những yếu tố góp phần thay đổi thái độ của giới trí thức Trung Quốc. Họ thấy nước Mỹ không còn sức hút như họ từng tưởng. 

Nếu trước kia có những người Trung Quốc ngầm ngưỡng mộ nền dân chủ Mỹ (tuy có thể không nói ra) thì hiện giờ, ngày càng nhiều người thấy rằng hệ thống bầu cử kiểu Mỹ quá chia rẽ, phức tạp và ồn ào.

Cư dân mạng Trung Quốc, do đó, chuyển sang những trò đùa cợt. Ông Trump được đặt biệt danh "Trump Kiến quốc" trên mạng xã hội Wechat. 

Nhưng "kiến quốc" ở đây không phải là "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", mà là "kiến Trung Quốc", tức góp phần giúp Trung Quốc trỗi dậy và thúc đẩy quá trình suy thoái của nước Mỹ do ông tìm cách tách Mỹ khỏi các quốc gia đồng minh. Họ ngụ ý trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã phạm nhiều sai lầm mang lại lợi ích cho Trung Quốc.

Trung Quốc nghĩ gì về bầu cử Mỹ? - Ảnh 3.

Ảnh: Foreign Analysis

Đây tất nhiên chỉ là quan điểm trà dư tửu hậu, dù nhân vật hàng đầu của cách suy nghĩ này chính là ông Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập quốc gia chủ nghĩa khá nổi tiếng của tờ Hoàn Cầu Thời báo. 

Từ bốn năm trước, ông Hồ đã viết trên Twitter: "Tôi kêu gọi người dân Mỹ bầu lại ông Trump vì đội ngũ của ông ấy có nhiều người điên rồ như [ngoại trưởng Mỹ thời Trump, Mike] Pompeo. Họ giúp Trung Quốc tăng cường đoàn kết... Với tư cách đảng viên [Đảng Cộng sản Trung Quốc], tôi phải cảm ơn họ".

Quan điểm này giống với ông Ngô Cường, cựu giảng viên Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, nói trên đài DW mới đây: 

"Việc Trump trở lại Nhà Trắng sẽ là lợi thế lớn cho Trung Quốc, vì điều đó sẽ đào sâu chia rẽ trong nền dân chủ Mỹ. Trong bối cảnh chia rẽ với các đồng minh toàn cầu, Mỹ sẽ quay trở lại một hình thức chủ nghĩa biệt lập mới, điều đã thể hiện rõ trong nhiệm kỳ trước của Trump".

Dù nói như vậy, một trong những lo lắng lớn nhất của Trung Quốc khi nhắc đến ông Trump là kế hoạch của ông muốn áp thuế 60% với tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ. Giới doanh nghiệp Trung Quốc đang thừa sản lượng và xoay xở rất vất vả chắc chắn không muốn điều đó.

Tóm lại, khi bỏ qua những chi tiết bên lề, giới làm chính sách ở Bắc Kinh hiểu rõ rằng cả Trump lẫn Harris đều sẽ phải mang trên vai gánh nặng về duy trì vai trò độc tôn của Mỹ, và như vậy, cả hai đều khó có thể tốt cho Trung Quốc. ■

So với ông Trump, bà Harris được cư dân mạng xã hội Trung Quốc đặt biệt danh dễ thương hơn, "Chị Ha ha", do tiếng cười sảng khoái của bà khi xuất hiện trước công chúng. Cư dân mạng nước này cũng phát sốt với phó tướng của bà Harris là Tim Walz, do ông này từng giảng dạy tiếng Anh một năm ở tỉnh Quảng Đông vào năm 1989. Chưa hết, ông Walz và vợ còn hưởng tuần trăng mật ở Trung Quốc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận