Người dân Nicaragua biểu tình chặn đường cao tốc Panamerican để phản đối dự án kênh đào ở Managua với Trung Quốc - Ảnh: Reuters |
Chính phủ Trung Quốc lẫn các nước đã và đang có các dự án kênh đào lớn đều tuyên bố nhằm mục tiêu phát triển kinh tế.
Nhưng giới chuyên gia lại cho rằng những dự án có Trung Quốc tham gia cho thấy Bắc Kinh đang muốn gây ảnh hưởng về địa - chính trị ở một số khu vực trên thế giới.
Thuyết phục Thái Lan đào kênh Kra
Từ đầu năm 2015, các doanh nghiệp cũng như tổ chức được chính quyền Bắc Kinh chống lưng tìm cách mở lại dự án kênh đào Kra nối liền Ấn Độ Dương với biển Đông.
Con kênh, nếu được đào, sẽ đi xuyên bán đảo phía nam của Thái Lan. Nó sẽ giúp tàu thương mại từ Ấn Độ Dương muốn lên vùng Đông Bắc Á không phải đi vòng qua eo biển Malacca ngoài khơi bờ biển phía nam của Malaysia.
Nhật Báo Phương Đông của Hong Kong ngày 18-5 quả quyết Trung Quốc và Thái Lan đã ký kết bản ghi nhớ về thỏa thuận sơ bộ liên quan đến dự án kênh đào Kra.
Giới chuyên gia Trung Quốc cho biết dự án này sẽ sớm được xây dựng, hoàn thành trong 10 năm với chi phí đầu tư khoảng 28 tỉ USD.
Ông Lương Vân Tường, giáo sư Trường Nghiên cứu quốc tế của ĐH Bắc Kinh, tiết lộ: bản ghi nhớ nhất trí Trung Quốc sẽ là nhà đầu tư chính trong dự án, vốn mang tính chiến lược và chính trị rất quan trọng đối với Trung Quốc.
Bắc Kinh muốn nhanh chân nhảy vào dự án này do quan ngại khả năng Mỹ có thể kiểm soát eo biển Malacca, con đường vận chuyển dầu khí chính của Trung Quốc hiện nay. Thêm vào đó, Bắc Kinh cũng lo nếu như nước khác nhảy vào dự án trên thì xem như Trung Quốc trắng tay trong bối cảnh Mỹ và Thái Lan vẫn còn quan hệ mặn nồng.
Còn ông Lý Chấn Phúc, giáo sư ĐH Hải dương Đại Liên, tự tin cho rằng các công ty Trung Quốc sẽ tham gia dự án. Khi đó Bắc Kinh sẽ được hưởng đặc quyền đặc lợi từ con kênh này.
“Thậm chí Trung Quốc có thể đàm phán với Thái Lan từ chối cho một số tàu chiến từ một số nước đi qua kênh đào này, tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á” - giáo sư Lý nhận định.
Truyền thông Thái Lan cũng đưa tin Trung Quốc quan tâm hỗ trợ Thái Lan làm kênh đào Kra vì Bắc Kinh cho rằng qua cách này có thể cải thiện các mối liên quan giữa Thái Lan đến một phần miền nam Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc muốn hàng hóa thương mại từ thành phố Côn Minh có thể đi qua cảng Laem Chabang để đến Ấn Độ Dương qua ngả kênh đào Kra.
Tuy nhiên, dự án này khó thực hiện vì người Thái chưa sẵn sàng với ý tưởng “đục khoét đất nước” và Chính phủ Thái Lan cũng đang quan ngại dự án này sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Cách đây 10 năm, các công ty Trung Quốc từng nghiên cứu kỹ vấn đề này nhưng không đưa ra được một kết quả cụ thể nào.
Dân Nicaragua không muốn Trung Quốc đào kênh
Trong những ngày tháng 5-2015, truyền thông đưa tin người dân Nicaragua tiếp tục phản đối dự án kênh đào Nicaragua do Công ty TNHH Đầu tư phát triển kênh đào Nicaragua (HKND) của Hong Kong (Trung Quốc) khởi công từ tháng 12-2014.
Báo Costa Rica News dẫn lời người dân địa phương chỉ trích dự án này đang phá hủy môi trường sống của họ và gây đảo lộn sinh hoạt thường nhật vì mất nhà cửa, đất đai và thất nghiệp.
Nhiều người còn giận dữ kêu gọi tổng thống từ chức vì đã để hàng ngàn người Nicaragua thất nghiệp do dự án kênh đào sử dụng phần lớn lao động từ Trung Quốc.
Báo South China Morning Post cho biết hồi đầu tháng 7-2014, chính quyền Nicaragua đã ký thỏa thuận giao dự án cho Công ty HKND do tỉ phú Vương Tịnh đứng đầu. Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 40 tỉ USD quả là hấp dẫn với đất nước Trung Mỹ này.
Kênh đào - đi xuyên qua Nicaragua, nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương - một khi hoàn thành được đánh giá sẽ là đối trọng với kênh đào Panama do Mỹ điều hành. Công ty HKND sẽ được quyền khai thác kênh đào trong 50 năm và mỗi năm chia cho Chính phủ Nicaragua 10 triệu USD.
Ông Benjamin Lanzas, người đứng đầu nhóm công nghiệp xây dựng của Nicaragua, cho rằng chính quyền Bắc Kinh đã chống lưng cho HKND bởi một doanh nghiệp tư nhân không thể đơn độc thực hiện dự án quá lớn như kênh đào Nicaragua. “Đối với một nhà đầu tư đơn lẻ, đó là một khoản tiền rất lớn” - Hãng tin Reuters dẫn lời ông Lanzas.
Ông Đổng Tuấn Tùng, kỹ sư trưởng của HKND, cho biết đây được xem là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới, dự kiến hoàn thành trong năm năm.
Đại diện HKND ước tính mỗi năm có khoảng 5.100 lượt tàu của quốc tế đi qua kênh đào này. Tuyến đường thủy này nằm gần biên giới Costa Rica, dài 278km, rộng 520m và sâu đến 30m.
“Dự án này là dự án xây dựng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nó có ích cho người dân Nicaragua và cả thế giới vì ngành thương mại thế giới cần nó” - tỉ phú Vương Tịnh tuyên bố.
Trong khi đó, giới chuyên gia quốc tế cho rằng nếu dự án này thành hiện thực thì ngoài việc hút bớt lượng tàu quốc tế đi qua kênh đào Panama, Trung Quốc cũng sẽ gây được sức ảnh hưởng lớn về địa - chính trị ở Nicaragua, điều Mỹ không hề muốn.
“Kênh đào Panama là kênh đào của Mỹ trong thế kỷ 20, nhưng kênh đào xuyên Nicaragua dần dần sẽ trở thành kênh đào của Trung Quốc trong thế kỷ 21” - Juan Gabriel Tokatlian, chuyên gia ở ĐH Di Tella của Argentina, nhận định.
Gắn kênh đào Kra vào con đường tơ lụa mới Báo The Nation dẫn lời ông Pakdee Tanapura, thành viên Ủy ban nghiên cứu về dự án kênh đào Kra, cho biết con kênh này có thể là một phần của “Con đường tơ lụa trên biển” đi qua phía nam Thái Lan. Đây là sáng kiến do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng và đang tìm cách đẩy mạnh từ vành đai Nam Á xuống Đông Nam Á. Giới doanh nghiệp và các tổ chức thuộc Chính phủ Trung Quốc và Thái Lan đã tổ chức hội thảo khoa học đưa ra “luận chứng về tính khả thi” của dự án này hồi tháng 2-2015. Kết quả cho biết con kênh sâu 26m, dài khoảng 100km này sẽ tốn ít nhất 20 tỉ USD chi phí đầu tư. Con kênh này cũng sẽ giúp các tàu thương mại rút ngắn thời gian đi từ biển Đông đến Ấn Độ Dương ít nhất 48 giờ so với lộ trình đi qua eo biển Malacca hiện nay, tiết kiệm chi phí khoảng 50 tỉ USD hằng năm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận