Trung Quốc: Nền kinh tế hướng lên bầu trời

NGUYỄN THÀNH TRUNG 28/10/2024 09:07 GMT+7

TTCT - Nếu là người yêu thích bộ môn đi bộ đường dài, đồng thời muốn thử thách một chuyến đi bộ trên Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc, thì từ nay bạn không phải lo lắng nhét đầy đồ ăn trong ba lô nữa.

Trung Quốc: Nền kinh tế hướng lên bầu trời - Ảnh 1.

UAV giao thức ăn lên Vạn Lý Trường Thành. Ảnh: Getty

Lý do là du khách thưởng ngoạn di tích cổ dài vạn lý này giờ đã có thể nhận thức ăn giao hàng từ... trên trời.

Từ giữa tháng 8-2024, công ty giao nhận thực phẩm khổng lồ Meituan (Mỹ Đoàn) của Trung Quốc cho biết dịch vụ máy bay không người lái (UAV) mới của họ sẽ mang đồ ăn thức uống và các hàng hóa thiết yếu đến tận tay khách hàng đang dạo bước trên Trường Thành.

Điểm hạ cánh của UAV được bố trí ở khu vực tháp Phong Hỏa Đài của Bát Đạt Lĩnh, một đoạn Trường Thành ngay ngoại ô Bắc Kinh. 

Sau đó, nhân viên Meituan ở tháp canh sẽ đưa gói hàng cho người đặt trên ứng dụng. Trước khi có dịch vụ mới này, du khách sẽ phải đi bộ một đoạn rất xa để mua đồ ăn hoặc đồ uống.

Không còn là chuyện viễn tưởng

Dịch vụ này là một ví dụ điển hình cho "nền kinh tế tầm thấp" (LAE) đang phát triển với tốc độ chóng mặt ở Trung Quốc. 

Theo định nghĩa thông dụng hiện nay, LAE chỉ hoạt động kinh tế và dân sự trên vùng trời trong phạm vi 1.000m cách mặt đất, sử dụng phương tiện trên không tiên tiến như UAV, taxi bay và các phương tiện khác phục vụ hậu cần và vận tải, thậm chí tiến tới chở người trong một tương lai không xa.

LAE là một hệ sinh thái rộng lớn và phức tạp, không chỉ liên quan đến UAV hay máy bay điện cất hạ cánh thẳng đứng (eVTOL), mà còn cả công nghệ năng lượng mới liên quan đến pin và công nghệ trí tuệ nhân tạo của hệ thống lái tự hành. 

Các ứng dụng mới cho UAV và các phương tiện bay khác được cho là sẽ thúc đẩy sự phát triển của vật liệu mới, tài chính, công nghệ truyền thông, trí tuệ nhân tạo và hơn thế nữa. Những tiến bộ này được dự đoán sẽ liên tục tạo ra các ngành công nghiệp, nghề nghiệp mới và động lực cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện sinh kế.

Thủ đô Bắc Kinh thậm chí không phải là nơi đi đầu trong LAE. Các thành phố khác ở Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động dịch vụ khác nhau với không gian này được một thời gian rồi. 

Tháng 5 vừa rồi, Phoenix Wings, công ty con của công ty giao hàng khổng lồ SF Express (Thuận Phong tốc vận), đã bắt đầu sử dụng máy bay không người lái Fengzhou-90 giao trái cây tươi từ đảo Hải Nam đến miền nam Quảng Đông.

Ở Thượng Hải và Giang Tô, người dân đã có thể đi lại bằng eVTOL, thường được gọi là taxi bay, ở mức độ thử nghiệm. eVTOL hiện thu hút sự chú ý đặc biệt từ các nhà đầu tư và doanh nhân do tiềm năng vận chuyển hành khách và hàng hóa với chi phí được cho là thấp hơn so với trực thăng. 

Giao hàng bằng UAV và taxi bay, từng một thời chỉ là chuyện khoa học viễn tưởng, giờ đã trở thành hiện thực ở Trung Quốc. 

Những phương tiện bay này cũng được sử dụng rộng rãi khắp cả nước cho các hoạt động khẩn cấp như cứu hộ y tế, vận chuyển máu, chữa cháy và tuần tra giao thông, và thay đổi mạnh mẽ cách người dân xứ tỉ dân đi lại, làm việc và sinh sống.

Ông La Quân, giám đốc điều hành Liên minh kinh tế tầm thấp Trung Quốc, nói với hãng tin Reuters rằng lĩnh vực này sẽ là động lực quan trọng cho một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý những ý tưởng cụ thể về cách xây dựng nền kinh tế vùng thấp vẫn chưa đủ rõ ràng khi "không có mô hình kinh doanh đã trưởng thành nào để nền kinh tế tầm thấp Trung Quốc có thể học hỏi từ nước ngoài".

Trung Quốc: Nền kinh tế hướng lên bầu trời - Ảnh 2.

Ảnh: Getty

Được nhà nước hậu thuẫn mạnh mẽ

Tuy nhiên về mặt thể chế, LAE đã nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ giới chức chính trị. Ngược dòng lịch sử, chính sách phát triển LAE được coi bắt nguồn từ năm 2010. Lúc đó, khái niệm này được đề cập lần đầu tiên trong các lĩnh vực như trinh sát và tấn công quân sự. 

Tới tháng 2-2021, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội đồng Nhà nước ban hành "Đề cương quy hoạch mạng lưới giao thông ba chiều toàn diện quốc gia", lần đầu tiên đưa khái niệm "nền kinh tế tầm thấp" vào quy hoạch quốc gia, đánh dấu chính thức nâng tầm LAE lên thành chiến lược quốc gia.

Tháng 3-2024, trong cuộc họp lưỡng hội, Chính phủ Trung Quốc đưa ra kế hoạch "thúc đẩy các động cơ tăng trưởng mới" trong các lĩnh vực như sản xuất sinh học, du hành vũ trụ thương mại và LAE.

Từ đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống đảm bảo dịch vụ cho LAE được đẩy nhanh, thúc đẩy đầu tư và sinh ra các mô hình kinh doanh mới như kho vận tầm thấp, vận tải tầm thấp và du lịch tầm thấp. 

Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, các công ty khởi nghiệp Trung Quốc như Ehang, AutoFlight, XPeng Aeroht và TCab Tech đã nhanh chóng vươn lên trở thành những công ty chính trong ngành. 

Theo công ty tài chính Mỹ Morgan Stanley, đến năm 2040, quy mô thị trường di chuyển hàng không đô thị (UAM), bộ phận then chốt của LAE, có thể lên tới 1.000 tỉ USD. UAM sẽ trở thành cực tăng trưởng kinh tế mới của thế giới, đặc biệt với vai trò dẫn dắt của Trung Quốc.

Sự phát triển của LAE thể hiện mong muốn của chính phủ Bắc Kinh trong thúc đẩy tăng trưởng bằng các ngành công nghiệp mới. 

Khi mô hình phát triển dựa trên sản xuất công nghiệp kiểu cũ, đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản truyền thống không còn hiệu quả để duy trì tăng trưởng chất lượng cao, chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc bắt đầu chuyển tầm nhìn từ mặt đất lên bầu trời. 

Giới lãnh đạo cũng tin rằng thúc đẩy các ngành công nghiệp mới nổi gắn với LAE là cần thiết để duy trì năng lực đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò then chốt trong mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của đất nước.

Trung Quốc: Nền kinh tế hướng lên bầu trời - Ảnh 3.

Một trạm nhận giao hàng UAV ở thành phố Thâm Quyến. Ảnh: szdaily

Lĩnh vực giao thoa

Giáo sư Ngô Khởi Huy, phó hiệu trưởng Đại học Hàng không vũ trụ Nam Kinh, cho biết trên tờ Nhân Dân Nhật báo: "Nền kinh tế tầm thấp đang thúc đẩy sự hội nhập sâu sắc nền kinh tế thực với nền kinh tế kỹ thuật số, phục vụ ngành nông nghiệp và lĩnh vực dịch vụ".

LAE quả thật đang mang lại lợi ích thiết thực cho người dân Trung Quốc, cải thiện công tác kho vận, nông nghiệp, vẽ bản đồ và rất nhiều ngành nghề khác. 

Theo ước tính của Cục Hàng không dân dụng nước này, quy mô LAE của Trung Quốc đã vượt mốc 500 tỉ nhân dân tệ (70 tỉ USD) vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng gấp bốn lần, lên hơn 2.000 tỉ nhân dân tệ vào năm 2030.

Trở ngại lớn nhất cho sự phát triển của LAE là quy định kiểm soát chặt chẽ không phận Trung Quốc. Tuy nhiên, quy định này đã thay đổi nhiều trong năm qua. 

Theo trang Sixthtone, cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc năm ngoái đã đưa ra hướng dẫn xác định "không hạn chế" với không phận dưới 300m, nơi UAV thường hoạt động. Điều này có nghĩa UAV nhỏ sẽ được phép bay với ít hạn chế hơn, ngoại trừ ở các khu vực gần sân bay.

Theo thống kê của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc, quy định "thông thoáng không phận" đã giúp các loại UAV phát triển bùng nổ, với gần 608.000 chiếc được đăng ký mới chỉ trong nửa đầu năm nay, tăng 48% so với nửa cuối năm ngoái.

Số giờ bay tích lũy của UAV đã là 9,816 triệu giờ, tăng 134.000 giờ so với cùng kỳ năm ngoái, và gần 200.000 giấy phép điều khiển UAV đã được cấp ở Trung Quốc tính đến cuối năm 2023.

Không chỉ chính phủ trung ương chủ động trong việc thúc đẩy nền kinh tế mới, các tỉnh thành địa phương cũng mạnh dạn khám phá các chính sách liên quan đến LAE, trong đó đặc biệt chú trọng bố trí và mở rộng chuỗi công nghiệp UAV. 

Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) trở thành thành phố đầu tiên ở Trung Quốc ban hành luật kinh tế tầm thấp toàn diện vào đầu năm nay, trở thành khung pháp lý nền tảng cho sự phát triển của ngành.

Đến cuối năm 2023, Thâm Quyến đã tập hợp hơn 1.700 công ty sản xuất UAV thuộc toàn bộ chuỗi giá trị, từ sản xuất, R&D đến phát triển phần mềm. 

Theo dữ liệu từ chính quyền thành phố, vào năm 2023, quy mô LAE ở Thâm Quyến đã vượt 90 tỉ nhân dân tệ, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Thâm Quyến, "thủ đô của UAV", còn đứng đầu cả nước về quy mô chuyến bay, với 126 tuyến bay tầm thấp và 89 địa điểm cất - hạ cánh UAV, tính tới cuối năm 2023.

Thượng Hải thì tự hào với cơ sở công nghiệp vững mạnh cho công nghệ eVTOL và đang có tham vọng trở thành "thành phố trên bầu trời" quy mô quốc tế. Đô thị 25 triệu dân này vừa công bố "Kế hoạch hành động phát triển chất lượng cao ngành kinh tế tầm thấp Thượng Hải (2024-2027)", với mục tiêu tăng giá trị ngành này lên mức 50 tỉ nhân dân tệ vào năm 2027. Tỉnh An Huy nằm kề bên cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp eVTOL chuyên vận tải thương mại khoảng cách ngắn.

Đó chỉ là vài ví dụ minh họa cho thấy chính quyền các cấp ở Trung Quốc đang tìm cách tận dụng khả năng hiện có của ngành UAV ra sao. Giống như thành công với xe điện suốt từ chuỗi cung ứng đến cơ sở hạ tầng, người Trung Quốc hiện đang nhắm đến chuyển đổi cạnh tranh toàn cầu từ mặt đất lên không trung. ■

Khi chính phủ nới lỏng hạn chế về không phận và khuyến khích phát triển lĩnh vực này, nhiều doanh nghiệp ở quốc gia sản xuất UAV hàng đầu thế giới đang thử nghiệm máy bay trọng tải ngày càng lớn.

Còn các công ty vận tải lên kế hoạch cho dịch vụ taxi hàng không cả người lái và không người lái. Vào giữa tháng 8, công ty Tứ Xuyên Tengden (Tứ Xuyên Đằng Thuẫn) đã thử nghiệm UAV do họ tự chế tạo mang theo tải trọng 2 tấn cho chuyến đi khoảng 20 phút.

UAV hai động cơ này có sải cánh 16,1m và cao 4,6m, lớn hơn một chút so với máy bay hạng nhẹ phổ biến trên thế giới, chiếc Cessna 172 bốn chỗ ngồi.

Trước đó hai tháng, Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC), doanh nghiệp hàng không vũ trụ hàng đầu thuộc sở hữu nhà nước, đã cho bay thử nghiệm UAV HH-100 có tải trọng 700kg và bán kính bay 520km.

Năm tới, AVIC có kế hoạch thử nghiệm UAV chở hàng lớn nhất của họ, TP2000, có thể chở tới 2 tấn hàng hóa và bay xa hơn bốn lần so với HH-100.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận