Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, Mỹ Harry Harris trưng hình ảnh Trung Quốc xây dựng ở bãi đá Chữ Thập - Ảnh: AP |
Theo AP, hình ảnh vệ tinh cho thấy không chỉ xây dựng đường băng dài khoảng 2,4km trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép), Trung Quốc còn đang xây dựng một đường băng dài khoảng 3km trên bãi đá Chữ Thập và một đường băng khác ở bãi Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Tương tự, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã triển khai nhân sự và phương tiện để xây dựng đường băng sân bay ở bãi Vành Khăn gần đó.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy nước này đang xây dựng thêm hai hoặc có thể là ba đường băng trên các đảo ở phía đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn “đánh lận con đen” về kế hoạch xây dựng đường băng ở Biển Đông. Gần đây, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã từ chối nói rõ Trung Quốc đã có kế hoạch xây dựng bao nhiêu đường băng hoặc mục đích xây dựng là gì.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ nói chung chung rằng “tất cả những cơ sở hạ tầng quân sự “đơn thuần chỉ để phục vụ việc phòng vệ”.
Hãng tin AP dẫn lời một số chuyên gia nhận định Bắc Kinh thực hiện kế hoạch trên nhằm đẩy mạnh hoạt động quân đội Trung Quốc trong các vùng tranh chấp, để giành lợi thế về sức mạnh. Động thái này đang làm dấy lên mối quan ngại và gây thêm căng thẳng trong khu vực.
Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại việc Lowy của Úc Euan Graham nhận định những đường băng này “có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến việc cân bằng sức mạnh trong khu vực”. Chúng có tác dụng hỗ trợ tăng cường sự hiện diện của lực lượng tuần duyên Trung Quốc cũng như các lực lượng khác thuộc hải quân nước này ở Biển Đông.
Giới chuyên gia quốc tế cảnh báo Trung Quốc có thể đang thực hiện thêm việc quân sự hóa trong khu vực. Bằng chứng, Bắc Kinh đã triển khai một số máy bay chiến đấu J-11BH/BHS đến đảo Phú Lâm hồi tháng 10 vừa qua.
Hiệp hội Những nhà khoa học Mỹ cảnh báo những đường băng này sẽ cho phép máy bay của Trung Quốc tiếp nhiên liệu, sửa chữa nếu cần thiết và thay đổi vũ khí mà không cần quay về căn cứ ở đảo Hải Nam cách xa hơn 1.000km.
“Nếu chúng ta bắt đầu nhìn thấy bằng chứng vệ tinh về kho lưu trữ nhiên liệu được xây dựng trên các đảo nhân tạo thì đó là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc đang lên kế hoạch phát triển những hòn đảo này thành những căn cứ không quân thật sự” - chuyên gia Graham nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận