Trung Quốc muốn làm "IMF khác"?

D.KIM THOA 18/09/2022 08:06 GMT+7

TTCT - Giữa tháng 8 vừa rồi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khiến dư luận bất ngờ khi cam kết xóa một số khoản nợ lớn cho những nước nghèo nhất thế giới.


Trung Quốc muốn làm IMF khác? - Ảnh 1.

Ảnh: China Dialogue

Quyết định này được Bắc Kinh công bố tại hội nghị cấp bộ trưởng của Diễn đàn Hợp tác châu Phi - Trung Quốc. Ngoài việc tăng cường hỗ trợ lương thực cho châu lục này, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cam kết không yêu cầu 17 nước châu Phi phải thanh toán các khoản vay ưu đãi đã đáo hạn mà họ không thể trả. 

Thông tin chi tiết về các bên hưởng lợi cũng như hạn mức tín dụng sẽ được công bố thời gian tới, nhưng từ góc nhìn của các con nợ, cứ vui cái đã.

Không có gì miễn phí

Thông báo của ông Vương được cho là "đúng thời điểm" khi một cuộc khủng hoảng nợ đang manh nha tại nhiều nước, nhất là các nước nghèo, bao gồm không ít nước ở châu Phi.

Tổng nợ nước ngoài (gồm cả nợ công và nợ tư nhân) ở các nước châu Phi đã tăng hơn gấp 5 lần trong 20 năm 2000 - 2020, lên mức 696 tỉ USD vào năm 2020. Trong khi đó, các chủ nợ (cũng gồm cả nhà nước và tư nhân) Trung Quốc chiếm khoảng 12%, Hãng tin Reuters trích dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 7-2022. 5 nước đang là "con nợ" lớn nhất của Trung Quốc ở châu Phi là Angola, Ethiopia, Kenya, Nigeria và Zambia.

Trước đại dịch COVID-19, tỉ lệ trung bình nợ trên GDP của châu Phi đã vượt 50%. Theo báo cáo "Tầm nhìn kinh tế châu Phi" mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Phi, tỉ lệ này được dự báo sẽ tăng lên 70% trong năm nay. Tới tháng 2-2022, đã có 23 nước châu Phi rơi vào tình trạng có nguy cơ vỡ nợ.

Thực tế, thông báo xóa nợ của Trung Quốc không quá bất ngờ với các nước nghèo châu Phi. Nhiều ngân hàng trung ương ở lục địa đen thậm chí đã tính trước chuyện này trong chiến lược của họ. Các khoản vay không lãi suất của Trung Quốc vẫn thường được xóa, và từ lâu các ngân hàng trung ương châu Phi hiểu rằng khi Trung Quốc nới thêm hạn mức tín dụng, thì những khoản vay cũ sẽ hiếm khi phải hoàn trả đầy đủ.

Lần gần đây nhất Bắc Kinh cũng xóa nợ cho châu Phi là vào cuối năm 2020, với tổng số nợ được xóa là 113 triệu USD. Trung Quốc không mong những nước như Burundi, Congo hay Mozambique trả lại tiền vay. Họ cũng thường xuyên ân hạn các khoản vay nhiều tỉ USD cho các nước châu Phi trong 20 năm qua.

Dễ hiểu là ít ra trong ngắn hạn, các khoản nợ được xóa này mang lại hiệu ứng tích cực cho nhiều nước châu Phi còn nghèo. Nói ví dụ, với những nước nghèo nhất như Madagascar hay Niger, một khoản nợ được xóa dù chỉ 50 triệu USD cũng giúp chính phủ có thêm khả năng chi trả cho những dịch vụ cơ bản.

Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, tác động về địa chính trị với khu vực từ tuyên bố xóa nợ vẫn lớn hơn nhiều tác động về tài chính. Trong nhiều quan điểm về thực tế này, chính quyền Mỹ thời tổng thống Donald Trump từng cáo buộc Trung Quốc tìm cách kiểm soát các nước đang phát triển bằng cách nới rộng hạn mức tín dụng cho các con nợ mà họ hiểu rõ không có khả năng trả.

Một cáo buộc kiểu này vào năm 2018 của cựu phó tổng thống Mike Pence hiện còn lưu trong hồ sơ trên trang web Nhà Trắng: "Trung Quốc sử dụng "ngoại giao vay nợ" để mở rộng ảnh hưởng... cung cấp hàng trăm tỉ USD thông qua các gói vay phát triển hạ tầng cho các chính phủ từ châu Á tới châu Phi, châu Âu và thậm chí cả châu Mỹ Latin".

Cụ thể hơn, các khoản nợ được xóa có thể quy đổi thành những lá phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong các vấn đề gây tranh cãi như Đài Loan, hoặc có thể giúp Bắc Kinh thâu tóm những bất động sản có giá trị, có vị trí thiết yếu tại châu Phi hay thậm chí là mở các căn cứ quân sự mới. Đây là thực tế đã diễn ra ở một số nước thời gian qua.

Một IMF khác?

Trung Quốc cũng không làm việc đó một mình. Bắc Kinh gần đây đã thay đổi rõ trong hợp tác đa phương nhằm xử lý nợ xấu, đáng kể là cách hành xử mềm mại hơn với tổ chức Câu lạc bộ Paris (Paris Club) - nhóm các nước chủ nợ hàng đầu thế giới, được lập ra nhằm phối hợp giải pháp "hỗ trợ" các nước vay nợ.

Những biện pháp hỗ trợ này xét về đại thể sẽ là các nước vay nợ phải tiến hành cải cách nhằm để khôi phục ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô (thường là tư nhân hóa, cắt giảm chi tiêu công, bán tài sản nhà nước...), còn Câu lạc bộ Paris sẽ giúp họ "tái cơ cấu" nợ (thường là đảo nợ, nới hạn mức tín dụng để cho vay tiếp...). Ra đời từ năm 1956, Câu lạc bộ Paris tới nay đã ký 433 thỏa thuận với 99 nước để xử lý các khoản nợ tổng giá trị hơn 583 tỉ USD.

Trước nay Trung Quốc từ chối tham gia Câu lạc bộ Paris dù đã được mời, mà lý do chính là vì 22 thành viên hiện tại của nhóm này đều có quan hệ thân thiết với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) - những tổ chức mà Mỹ nắm quyền chi phối chính. 

Báo Anh The Economist cũng cho rằng Bắc Kinh không muốn tuân thủ một số nguyên tắc của Câu lạc bộ Paris như đồng thuận, chia sẻ thông tin (Trung Quốc vốn luôn giữ bí mật những điều khoản trong các gói vay của họ), và nguyên tắc "xóa nợ tương đương" với mọi chủ nợ (có nghĩa trong một thỏa thuận tái cấu trúc nợ với Câu lạc bộ Paris, bên vay sẽ phải nhận được ít nhất cam kết xóa nợ tương đương từ các chủ nợ khác).

Trung Quốc muốn được hưởng những quyền ưu tiên và thường ưa thích hơn những cuộc đàm phán xóa nợ song phương. Rất nhiều hợp đồng cho vay của Bắc Kinh vốn đã bao hàm các điều khoản như vậy. 

Chưa kể, việc tuân thủ các tiêu chuẩn chung của Câu lạc bộ Paris có thể làm giảm sút vị thế mà Bắc Kinh đang hướng tới: trở thành lựa chọn tài chính tốt hơn so với phương Tây và các tổ chức của họ trong những khoản vay đầu tư phát triển.

Dù vậy, đang có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc từ từ, dù còn miễn cưỡng, điều chỉnh lập trường. Điều này được giới quan sát cắt nghĩa có thể vì ảnh hưởng của COVID-19, lạm phát và cuộc chiến tại Ukraine khiến cuộc khủng hoảng nợ vốn đã căng thẳng từ trước năm 2020 ở nhiều nước nghèo nay lại càng thêm bế tắc.

Tháng 5-2020, tại Hội nghị G20 mà Trung Quốc có tham gia, các bên đã nhất trí thành lập Sáng kiến Hoãn thanh toán nợ (Debt Service Suspension Initiative - DSSI) với nội dung chính là các chủ nợ sẽ tạm hoãn yêu cầu thanh toán tiền gốc và lãi trong các khoản vay cho mọi quốc gia trong 73 nước nghèo nhất thế giới nếu nước đó yêu cầu. Cuối năm 2020, Trung Quốc công bố đã giãn nợ cho ít nhất 2,1 tỉ USD với các nước tham gia DSSI.

Tháng 11-2020, Trung Quốc cũng ủng hộ thỏa thuận khung giữa G20 và Câu lạc bộ Paris để hợp tác trong xử lý nợ cho các nước nghèo. Trường hợp đầu tiên được giải quyết theo thỏa thuận này là Zambia. Tháng 7-2022, sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, các chủ nợ đã nhất trí xóa nợ cho quốc gia châu Phi này, mở đường để họ tiếp cận gói cứu trợ 1,4 tỉ USD của IMF.

Thoạt đầu Trung Quốc - chủ nợ lớn nhất của Zambia - không muốn hợp tác với các chủ nợ khác. Nhưng tới tháng 5-2022, họ đã đồng ý làm đồng chủ tịch (cùng Pháp) một ủy ban các chủ nợ giải quyết vấn đề của Zambia. Hiện Pháp và Trung Quốc cũng đang là đồng chủ tịch một ủy ban tương tự để bàn thảo về trường hợp Ethiopia.

Sự thay đổi lập trường của Trung Quốc một phần có lẽ vì quy mô của các khoản nợ ở các nước nghèo giờ đã quá lớn, vượt quá năng lực giải quyết của bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào. Một lý do nữa là sự giám sát quốc tế ngày càng tăng với hoạt động cho vay của Bắc Kinh. 

Dù dữ liệu thực của Trung Quốc không dễ tiếp cận, WB đã cung cấp được số liệu thống kê nợ của 68 nước đủ điều kiện nhận hỗ trợ trong DSSI. Khoảng 60% trong số đó có nguy cơ cao, hoặc đã rơi vào trạng thái cùng quẫn vì nợ. 

Năm 2020, tổng nợ gộp của các nước đó với Trung Quốc là 110 tỉ USD, nhiều hơn tổng nợ với tất cả các nước chủ nợ còn lại, theo nghiên cứu của Đại học Phúc Đán (Thượng Hải).

"Trung Quốc đã thử nghiệm ý tưởng trở thành lựa chọn khác thay cho IMF. Những gì chúng tôi đang quan sát lúc này là khoảng thời gian học hỏi và thích ứng thực tế, giai đoạn mà tôi nghĩ là họ đang có những thay đổi trong cách tư duy", chuyên gia Bradley Parks thuộc phòng nghiên cứu AidData, Đại học ĐH William & Mary (Mỹ), bình luận.■

Nhiều khoản cho vay của Trung Quốc chưa được công bố

Nhiều thông tin liên quan tới các chương trình cho vay và tái cấu trúc nợ của Trung Quốc còn rất mập mờ.

Các chuyên gia kinh tế học tại WB, Đại học Harvard và Viện Kiel (Đức) ước tính một nửa số khoản vay ở nước ngoài của Trung Quốc vẫn chưa được công bố, và giai đoạn 2008-2021, Bắc Kinh đã lặng lẽ thu xếp nhiều khoản nợ nần với các con nợ của họ, có thể còn nhiều hơn cả những gì Câu lạc bộ Paris đã làm, và đã công khai.

Việc tái cấu trúc nợ của Trung Quốc cũng thường là ân hạn hay đảo nợ, chứ không giảm nợ gốc. Một số nước, như Venezuela và Zimbabwe, đã tái cấu trúc những khoản nợ Trung Quốc tới 5 lần hoặc nhiều hơn trong giai đoạn 2000-2022, theo The Economist.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận