25/10/2021 13:39 GMT+7

Trung Quốc muốn gì khi đưa tàu tuần tra 10.000 tấn xuống Biển Đông?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông đã tiếp nhận tàu Hải tuần 09 có lượng choán nước hơn 10.000 tấn hôm 23-10. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, con tàu sẽ được dùng để "bảo vệ các tuyên bố chủ quyền trên biển".

Trung Quốc muốn gì khi đưa tàu tuần tra 10.000 tấn xuống Biển Đông? - Ảnh 1.

Tàu Hải tuần 09 có lượng choán nước đầy tải hơn 13.000 tấn, tầm hoạt động trên 10.000 hải lý với vận tốc di chuyển từ 16 - 25 hải lý/giờ - Ảnh: VCG

Hải tuần 09 (Haixun 09) là tàu tuần tra dân sự lớn nhất hiện có của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA), cơ quan thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc.

Trước đó, Trung Quốc đã có các tàu hải cảnh trên 10.000 tấn nhưng lực lượng này trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Việc biên chế tàu Hải tuần 09 cho Cục Hải sự Quảng Đông là một động thái đáng chú ý vì cơ quan này được giao nhiệm vụ tuần tra và quản lý các vấn đề hàng hải trên Biển Đông, theo báo South China Morning Post (SCMP).

Trong khi đó, theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, tàu Hải tuần 09 sẽ đóng vai trò như một lực lượng thực thi pháp luật di động cho các cuộc tuần tra trên biển, điều phối và chỉ huy ngăn ngừa ô nhiễm trên biển.

Bắc Kinh đã đưa ra các yêu sách hàng hải vô lý trên Biển Đông và liên tục có các động thái củng cố bất chấp sự phản đối của quốc tế.

Mới đây nhất, Luật an toàn hàng hải sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-9 vừa qua đã yêu cầu tàu bè nước ngoài khai báo vị trí và thông tin khi đi vào "vùng lãnh hải" mơ hồ của Trung Quốc.

Trao đổi với SCMP, nhà nghiên cứu Colin Koh (Singapore) nhận định MSA dường như đang tăng cường nâng cấp đội tàu tuần tra nhằm cạnh tranh với lực lượng hải cảnh.

Trung Quốc muốn gì khi đưa tàu tuần tra 10.000 tấn xuống Biển Đông? - Ảnh 2.

Tàu Hải tuần 09 có thể hoạt động 90 ngày không cần tiếp liệu và được trang bị vòi rồng, hệ thống theo dõi trên không và sàn đáp trực thăng - Ảnh: WEIBO

Theo ông Koh, MSA đã từng điều một số tàu đến quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam - PV) nên có khả năng tàu Hải tuần 09 cũng sẽ đến khu vực này.

Chuyên gia người Singapore suy đoán Bắc Kinh sẽ tiếp tục lấy cớ là các động thái này vì mục đích nhân đạo, đem lại lợi ích chung cho các nước khi có sự cố cần tìm kiếm và cứu nạn.

"Nhìn chung việc biên chế tàu Hải tuần 09 sẽ giúp Trung Quốc củng cố quyền kiểm soát của họ trong khu vực, bao gồm cả việc thực thi các quy định hàng hải với các tàu nước ngoài", ông Koh cảnh báo.

Trong khi đó, ông Yue Gang, cựu đại tá quân đội Trung Quốc, tỏ ra lo ngại về hoạt động của tàu Hải tuần 09 trên Biển Đông.

Theo ông này, nếu Trung Quốc đưa tàu đến khu vực mà không có "hành động thực thi luật" với tàu bè trong khu vực nước này tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, hành động này sẽ làm giảm "uy quyền" của Bắc Kinh.

Tuy nhiên nếu hành động, tàu Hải tuần 09 có thể dẫn tới đối đầu quốc tế, điều mà theo ông Yue, Trung Quốc không mong muốn.

Cựu đại tá Yue suy đoán tàu Hải tuần 09 sẽ được điều động di chuyển qua Biển Đông để "phô diễn sức mạnh và năng lực hàng hải của Trung Quốc" với các nước láng giềng, thay vì đồn trú lâu dài, theo SCMP.

Trung Quốc thông qua luật tăng cường an ninh biên giới Trung Quốc thông qua luật tăng cường an ninh biên giới

TTO - Trung Quốc vừa thông qua luật tăng cường bảo vệ biên giới, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Theo Tân Hoa xã, nước này sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ và biên giới trên đất liền.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên