16/09/2019 21:02 GMT+7

Trung Quốc muốn các hãng bay dùng máy bay trong nước sản xuất

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Bắc Kinh muốn các hãng hàng không Trung Quốc xài hàng Trung Quốc trong bối cảnh các nhà sản xuất máy bay nước này đang hướng tới cạnh tranh với Boeing và Airbus.

Trung Quốc muốn các hãng bay dùng máy bay trong nước sản xuất - Ảnh 1.

Chiếc ARJ21 của Tập đoàn Comac trong một lần trưng bày tại triển lãm hàng không quốc tế ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Báo Nikkei (Nhật) ngày 16-9 cho biết Chính phủ Trung Quốc đang tăng áp lực buộc các hãng hàng không nội địa sử dụng thêm nhiều máy bay do chính nước này phát triển và sản xuất.

Bắc Kinh mong muốn sắp tới các hãng hàng không Trung Quốc ít phụ thuộc vào những nhà sản xuất máy bay nước ngoài, đồng thời tìm kiếm những khách hàng bên ngoài cho máy bay nội địa. Động thái này có thể đặt ra thách thức lớn với hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu.

Ba hãng hàng không lớn nhất của Trung Quốc là China Southern Airlines, China Eastern Airlines và Air China gần đây đã đặt các đơn hàng lớn mua máy bay được sản xuất trong nước. 

Hôm 30-8, mỗi hãng này cho hay sẽ mua 35 máy bay phản lực ARJ21 do Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) chế tạo. Giá niêm yết mỗi chiếc ARJ21 xấp xỉ 38 triệu USD.

Như vậy mỗi đơn hàng gồm 35 chiếc sẽ trị giá 1,33 tỉ USD. Tổng cộng 105 chiếc sẽ có giá khoảng 4 tỉ USD. Theo Hãng tin Reuters, số máy bay này dự kiến sẽ được bàn giao từ năm 2020 tới 2024.

Máy bay ARJ21 (viết tắt của cụm: Phản lực tân tiến cho thế kỷ 21), được phát triển dưới một dự án quốc gia khởi động vào năm 2002, đã có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2008. Mãi đến năm 2016, ARJ21 mới có chuyến bay thương mại đầu tiên và trở thành máy bay chở khách đầu tiên của Trung Quốc.

Với khoảng 78 - 90 ghế ngồi, máy bay này có kích thước tương tự máy bay Mitsubishi SpaceJet của Nhật Bản. Đến nay, Comac đã nhận số đơn hàng mua khoảng 600 chiếc ARJ21, nhưng chỉ khoảng 10 chiếc mới được giao, chủ yếu cho hãng Chengdu Airlines.

Tuy nhiên, Bắc Kinh muốn thêm nhiều máy bay nội địa xuất hiện trên bầu trời. Hồi tháng 2, một quan chức hàng không dân dụng cấp cao Trung Quốc đã tuyên bố triển khai kế hoạch có sự hỗ trợ của chính phủ để thúc đẩy sử dụng máy bay nội địa. Và các đơn hàng ARJ21 gần đây rõ ràng cho thấy kế hoạch này đã có hiệu quả.

Theo trang China Business News, Comac - với khả năng sản xuất 15 chiếc ARJ21 vào năm 2018 - định tăng con số này lên 25 trong năm nay và lên 30 trong năm 2020. Công ty Trung Quốc này cũng lên kế hoạch bàn giao hơn 100 máy bay ARJ21 trong 5 năm tới.

Comac hiện đang tạo mẫu chiếc C919 với 160 chỗ ngồi. Comac muốn có được giấy chứng nhận của Trung Quốc cho loại máy bay lớn này vào năm 2021 và xin cấp giấy chứng nhận từ Cơ quan an toàn hàng không Liên minh châu Âu (EASA). Điều này sẽ cho phép Comac xuất khẩu máy bay và cạnh tranh trực tiếp với Airbus A320 cũng như Boeing 737.

Một máy bay chở khách khác được phát triển và sản xuất tại Trung Quốc là Xian MA60, được sản xuất bởi Nhà sản xuất công nghiệp máy bay Tây An - một đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (Avic). Xian MA60, với chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2000, đã được xuất khẩu sang Lào và Zimbabwe.

Năm 2018, số hành khách đi máy bay ở Trung Quốc đã tăng 15,2%, đạt mức 670 triệu người và đánh dấu Trung Quốc là thị trường hàng không lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA).

Lại phát hiện người Trung Quốc trộm tiền trên máy bay Lại phát hiện người Trung Quốc trộm tiền trên máy bay

TTO - Trên chuyến bay từ Đà Nẵng vào TP.HCM, một người Trung Quốc đã trộm tiền trong hành lý của một hành khách. Ngay sau đó, đối tượng trên đã được bàn giao cho công an xử lý.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên