Phóng to |
Hu Yi (quê ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc) gặp cô bạn gái Fang Qian ở trường trung học. Họ yêu nhau từ năm 2002 khi đang học đại học và đã tìm được việc làm ở Vũ Hán sau khi tốt nghiệp.
Hu Yi cho biết lý do anh làm một giấy đăng ký kết hôn giả thay vì cưới thật là hiện tại anh chưa có tiền làm đám cưới. Hu Yi tâm sự với phóng viên Nhật báo Chutian là bố mẹ Fang Qian đặt ra điều kiện kết hôn là anh phải mua được nhà. Đồng thời, Hu Yi cũng chưa sẵn sàng bước vào cuộc sống gia đình. Anh dự định bỏ việc ở Vũ Hán và tới Bắc Kinh để tìm kiếm cơ hội khác.
Hiện nay, làm giấy đăng ký kết hôn giả không phải là một hiện tượng hiếm có ở những cặp tình nhân trẻ tuổi, đặc biệt là những người vừa tốt nghiệp đại học. Giấy đăng ký kết hôn giả trông rất giống thật, ngoại trừ là nó không có con dấu của chính quyền và số đăng ký.
Hành vi làm giấy đăng ký kết hôn giả rõ ràng là trái luật, đồng thời những mối quan hệ được “chứng thực” bởi giấy đăng ký kết hôn giả không được pháp luật bảo vệ.
Hong Weilei, giáo sư khoa Khoa học Xã hội trường Đại học Hồ Bắc, phân tích rằng một số người trẻ Trung Quốc thích sử dụng giấy đăng ký giả là vì họ xem đó như là một cách nhắc nhở về tình yêu của mình cũng như giúp họ đỡ phải nghĩ ngợi.
Nguyên nhân là những cặp tình nhân trẻ tuổi thường thiếu niềm tin vào tương lai và cuộc hôn nhân của mình. Nhưng họ vẫn chịu ảnh hưởng của những giá trị truyền thống là phải kết hôn ở một độ tuổi nhất định. Do đó, giấy kết hôn giả đã được chọn làm một giải pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận