02/07/2017 12:01 GMT+7

Trung Quốc moi tin tình báo - Kỳ 1: Cựu đặc vụ CIA bán tin

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Năm ngoái, Ủy ban Thẩm định kinh tế và an ninh Mỹ - Trung (thuộc Quốc hội Mỹ) đã cảnh báo hai nguy cơ lớn từ Trung Quốc: xâm nhập mạng và cài người vào các cơ quan an ninh Mỹ để moi tin tình báo.

Kevin Mallory bị truy tố vì bán thông tin mật cho 
Trung Quốc - Ảnh: Twitter
Kevin Mallory bị truy tố vì bán thông tin mật cho Trung Quốc - Ảnh: Twitter
Mục đích của anh là có thông tin còn mục đích của tôi là được trả tiền

Cựu nhân viên CIA Kevin Mallory là ví dụ gần đây nhất.

Ngày 21-4-2017, hành khách Kevin Patrick Mallory, 60 tuổi, trở về Mỹ sau một tuần sang Thượng Hải (Trung Quốc). Vừa đặt chân xuống sân bay quốc tế O'Hare tại Chicago, ông đã bị các nhân viên Cục Hải quan và bảo vệ biên giới giữ lại.

Cuộc tiếp xúc ở Thượng Hải

Kevin Mallory cho biết ông đến Trung Quốc với lý do kinh doanh và nghỉ hè. Ông khai tại Trung Quốc đã tiếp xúc với một người quen để được tư vấn về vấn đề chống quấy rối trong gia đình.

Trả lời câu hỏi có mang theo hơn 10.000 USD hay không, ông trả lời không. Thế nhưng trong hai túi xách tay của ông lại có đến 16.500 USD tiền mặt.

Mallory cư trú tại Leesburg (bang Virginia), nói thạo tiếng Quan Thoại, làm việc cho nhiều cơ quan chính phủ trước khi hành nghề tư vấn độc lập tại Công ty GblobalEx do ông thành lập năm 2010.

Sau khi tốt nghiệp khoa chính trị học tại Đại học Brigham Young năm 1981, ông làm việc 5 năm trong quân đội rồi tiếp tục phục vụ cho quân đội với vai trò quân nhân dự bị và làm đặc vụ cho Cục An ninh ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ trong ba năm (từ năm 1987-1990).

Sau đó, ông đã giữ nhiều vị trí trong các cơ quan chính phủ với vai trò là doanh nghiệp quốc phòng và đã được quân đội Mỹ điều động đến nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Iraq, lãnh thổ Đài Loan và Washington, D.C.

Hồ sơ của tòa án liên bang không nêu rõ ông đã từng làm cho cơ quan chính phủ nào, tuy nhiên báo Washington Post khẳng định Mallory làm việc cho CIA. Ông đã được cấp phép tham khảo thông tin tuyệt mật cho đến khi không còn làm việc cho các cơ quan chính phủ nữa vào tháng 10-2012.

Theo thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ, trong tháng 3 và tháng 4-2017, Mallory đã đến Thượng Hải để tiếp xúc với một nhân viên tình báo Trung Quốc tự xưng là người của Viện Khoa học xã hội Thượng Hải (SASS).

SASS được thành lập vào năm 1958, là cơ quan trực thuộc chính quyền Thượng Hải nên hoạt động chủ yếu bằng ngân sách chính phủ. Tối thiểu từ năm 2014, FBI cho rằng nhiều nhân viên tình báo Trung Quốc đã khoác vỏ bọc SASS để thu thập thông tin tình báo.

Tiếp cận từ mạng xã hội

Theo tài liệu của Bộ Tư pháp Mỹ, ngay sau khi được phép thay đổi lời khai nhập cảnh, Kevin Mallory đã tìm cách gặp CIA để báo cáo về các cuộc tiếp xúc ở Trung Quốc.

Tại cuộc gặp hôm 12-5, ông trao đổi nội dung thông tin qua điện thoại. Đến cuộc gặp thứ hai ngày 24-5, thay vì CIA chào đón ông lại là các nhân viên FBI tại Ashburn (bang Virginia).

Mallory giải thích ông tự nguyện gặp CIA để nhờ giúp đỡ vì ông đoan chắc những người ông tiếp xúc ở Trung Quốc là nhân viên tình báo Trung Quốc.

Ông kể với FBI rằng hồi tháng 2-2017, một người tự xưng là “nhà tuyển dụng” của SASS ở Trung Quốc đã tiếp xúc với ông qua mạng xã hội. Sau đó, ông nói chuyện qua điện thoại với “nhà tuyển dụng” này và được giới thiệu gặp một khách hàng tiềm năng, bởi thế ông mới đến Thượng Hải hai lần trong tháng 3 và tháng 4-2017.

Tại Thượng Hải ông đã gặp hai người. Họ đề nghị ông tiếp tục làm việc cho các cơ quan chính phủ Mỹ và cố giữ vị trí nào đó trong guồng máy chính phủ. Ngoài ra, họ cũng yêu cầu ông gửi cho họ thông tin về các chính sách của Mỹ.

Mallory khai ông đã trao cho hai người trên hai tài liệu không đóng dấu mật và đã hai lần nhận tiền mặt 10.000 USD và 15.000 USD trong tháng 3 và 4-2017. Ông dự tính tháng 6-2017 sẽ sang Thượng Hải lần nữa để nhận thêm một lần tiền nữa.

FBI khám xét nhà của Mallory tại Leesburg ngày 22-6 - 
Ảnh: ABC7
FBI khám xét nhà của Mallory tại Leesburg ngày 22-6 - Ảnh: ABC7

Khai điều này, giấu chuyện kia

Trả lời thẩm vấn của FBI, Kevin Mallory cho biết các nhân viên tình báo Trung Quốc đã đưa cho ông một “thiết bị điện tử” với lý do để tiện liên lạc với họ và họ nói chiếc máy này sẽ tự động xóa lịch sử các tin nhắn.

Để chứng tỏ mình chân thật, ông đã thao tác “thiết bị điện tử” nọ cho FBI xem, nào dè ông ngạc nhiên nhìn thấy trong máy vẫn còn lưu tin nhắn của ông đã gửi đi: “Tôi có thể đến vào giữa tháng 6. Tôi có thể mang theo phần còn lại của tài liệu mà tôi có đến giờ này”. Ông biện bạch tin nhắn đó nói đến hai tài liệu không đóng dấu mật mà ông đã khai báo.

Thế nhưng khác với lời Mallory khai báo, khi phân tích “thiết bị điện tử” nêu trên, FBI đã tìm thấy danh mục liệt kê tám tài liệu, trong đó có bốn tài liệu đã được chuyển đi. Trong số đó có ba tài liệu của cùng một cơ quan chính phủ Mỹ gồm một tài liệu tuyệt mật và hai tài liệu mật.

Nhiều tin nhắn khác thể hiện Mallory đã có ý định cung cấp nhiều tài liệu mật khác để được trả thêm tiền. Ví dụ tin nhắn của ông đề nghị hỗ trợ về kỹ thuật: “Có thể ta phải giải quyết từng chặng để làm sao tài liệu trở thành một phần hình ảnh rồi gửi nó đi”.

Đầu mối Trung Quốc đã gửi tin nhắn hướng dẫn cách viết và gửi tài liệu cũng như cách thức chuyển tiền tốt nhất, đồng thời nhắn nhủ vì lý do an ninh nên không thể gửi tiền một lần hay gửi trong thời gian ngắn.

Mallory tiếp tục nhắn tin bày cách chuyển tài liệu và tiền an toàn: “Tôi đã sắp xếp một tài khoản gửi USD với một tên khác, anh có thể chia làm bốn lần thanh toán bằng nhau trong bốn ngày liên tiếp...”.

Một tin nhắn khác của Mallory ghi: “Khi các anh OK bổ sung thêm tiền ứng trước, tôi sẽ gửi thêm nhiều tài liệu nữa. Tôi đang ghi chép lại”. Chú ý: Sắp tới tôi sẽ hủy hết mọi ghi âm điện tử sau khi các anh xác nhận đã nhận... Tôi đã hủy tài liệu bằng giấy. Tôi không thể giữ chúng vì quá nguy hiểm”.

Hành vi bán tin của Mallory thể hiện rõ qua tin nhắn: “Mục đích của anh là có thông tin còn mục đích của tôi là được trả tiền”. Đầu mối Trung Quốc trả lời: “Mục đích của tôi hiện thời là bảo đảm an toàn cho bạn và cố gắng thanh toán tiền cho bạn”.

Ngày 22-6 vừa qua, Kevin Mallory đã bị bắt và bị truy tố vì bán tài liệu mật quốc phòng cho Trung Quốc để nhận 25.000 USD và không thành thật khai báo với FBI. Mức độ nhạy cảm của thông tin chuyển cho Trung Quốc chưa được công bố. Bộ Tư pháp Mỹ đánh giá sai phạm của Mallory là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Sau phiên tòa ngày 29-6 của tòa án liên bang ở Alexandria (bang Virginia), Kevin Mallory đã được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 10.000 USD. Trong thời gian tại ngoại, ông sẽ bị giám sát bằng hệ thống định vị GPS, bị hạn chế sử dụng Internet và không thể rời khỏi khu vực quy định nếu không được phép.

________

Kỳ tới: Nhân viên ngoại giao Mỹ sa bẫy

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên