07/08/2012 06:22 GMT+7

Trung Quốc mạnh tay với nạn làm thuốc giả

ĐÔNG PHƯƠNG - TRẦN PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG - TRẦN PHƯƠNG

TT - Ngày 5-8, Bộ Công an TQ đã huy động 18.000 cảnh sát thuộc 31 thành phố đồng loạt truy quét các ổ sản xuất thuốc giả, bắt 1.900 nghi phạm, thu 205 triệu vỉ thuốc và phá hủy 1.100 ổ sản xuất thuốc giả.

Tổng giá trị lên đến 182 triệu USD.

XguL1K7X.jpgPhóng to
Nghi can bán thuốc giả bị bắt ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc ngày 5-8 - Ảnh: Tân Hoa xã

Theo Tân Hoa xã, các cơ sở này sản xuất nhiều loại thuốc thượng vàng hạ cám, có mạng lưới tiêu thụ rộng khắp 20 tỉnh tại Trung Quốc như Quảng Đông, Chiết Giang, Hà Nam... và mở rộng “xuất khẩu” sang hàng loạt nước trên thế giới.

"Năm 2011, nạn thuốc giả tăng đến 275% so với năm trước đó Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc (SFDA)"

Lần theo dấu vết các ổ sản xuất thuốc giả tại Chiết Giang, cảnh sát Trung Quốc đã phát hiện một loạt đường dây ngầm cung ứng nguyên liệu và sản xuất thuốc giả chồng chéo khắp toàn quốc. Các khâu nguyên liệu, bào chế, vận chuyển, tiêu thụ đến các công đoạn giả nhãn hiệu, bao bì được thực hiện theo một chu trình hợp tác chặt chẽ giữa các ổ chế biến. Theo lời ông Trình Thủy Minh - cục trưởng phân cục Công an Cù Châu Kha Sơn, tỉnh Chiết Giang, các ổ sản xuất thuốc giả dùng mọi công cụ máy móc để bào chế thuốc, từ các máy chế biến mì ăn liền đến máy móc gia công thức ăn gia súc. Các viên thuốc “made in USA” cứ từ từ chạy ra từ các máy chế biến thức ăn gia súc trị giá chưa đến 2.000 nhân dân tệ (khoảng 6,6 triệu đồng).

Các loại thuốc giả này được quảng cáo chữa nhiều chứng bệnh từ tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh về da đến những căn bệnh nan y như ung thư. Tuy nhiên, Bộ Công an Trung Quốc cảnh báo những loại thuốc này có thể gây tổn hại gan, thận của bệnh nhân, thậm chí gây ra những hậu quả nghiêm trọng như đau tim. Sau vụ việc, Bộ Công an treo thưởng 50.000 nhân dân tệ (hơn 7.800 USD) cho ai tố cáo các hoạt động làm giả thuốc.

Lời hơn cả ma túy

Ông Doãn Lực, lãnh đạo Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc (SFDA), giải thích nhiều đường dây thuốc giả vận hành theo công thức: sản xuất trong các cơ sở ngầm + quảng cáo trực tuyến + chuyển thuốc qua đường bưu điện. Chúng chủ yếu nhắm đến các tiệm thuốc, các cơ sở y tế nhỏ, nơi nhiều người lui tới mua thuốc. Các hoạt động cũng ngày càng tinh vi hơn với sự tiếp tay của các nhân viên y tế. Chẳng hạn tại Chiết Giang hồi đầu năm đã phát hiện nhân viên bệnh viện giữ lại các vỏ thuốc qua sử dụng để đóng gói thuốc giả.

Sức hút của ngành công nghiệp thuốc giả Trung Quốc mạnh đến nỗi người dân nông thôn dù nhận thức được mình đã bước một chân qua “vành móng ngựa” vẫn nhắm mắt làm liều. “Không làm nghề gì giàu nhanh bằng nghề sản xuất thuốc giả” - nghi phạm Trần Quán Anh tiết lộ. Tay “bào chế” họ Trần này tiết lộ các “sản phẩm” của bà ta còn được “xuất khẩu” sang các nước như châu Phi, Trung Đông và cả châu Âu.

Trần Quán Anh cho biết buôn bán thuốc giả là một ngành hái ra tiền. Khi mới “vào nghề”, Trần kinh doanh mặt hàng thuốc kích dục giả với giá mỗi vỉ 4 viên Viagra, Cialis chỉ vào khoảng 0,7 nhân dân tệ (khoảng 2.000 đồng). Cộng thêm chi phí 0,18 nhân dân tệ (591 đồng) tiền nhãn mác và bao bì, mỗi vỉ thuốc khi xuất ra thị trường có giá 90-100 nhân dân tệ (296.000-329.000 đồng), lợi nhuận gấp vài trăm lần.

Theo người cung ứng hàng sừng sỏ Can Hải Thu, Trần Quán Anh là một trong những khách hàng lớn nhất của y, có những ngày cao điểm đơn đặt hàng của Trần lên đến 20.000 vỉ thuốc giả, chủ yếu là các loại thuốc kích dục giả. Một cảnh sát Quảng Châu tiết lộ chỉ vài năm “vào nghề”, ba chị em nghi phạm họ Trần đã mua được nhiều căn hộ, sắm cả biệt thự và siêu xe.

Ngoài việc đầu tư sản xuất thuốc kích dục giả, các “dược sĩ dỏm” còn lấn sân sang cả lĩnh vực thuốc đặc trị bệnh huyết áp, tiểu đường, bệnh ngoài da và cả văcxin phòng bệnh dại. Nguy hiểm hơn, bọn tội phạm này còn thêm vào các loại chất độc gây hại như metformin HCl (metformin hydrochloride), glibenclamide nhằm đem lại cảm giác “giống thật” cho các loại thuốc giả.

Tốc độ tăng chóng mặt

Theo Mạng lưới Chính sách quốc tế tại London (Anh), Trung Quốc là một trong những nhà sản xuất thuốc giả lớn nhất thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, thuốc giả chiếm hơn 30% thị trường tại các nước đang phát triển.

Tân Hoa xã dẫn nguồn SFDA cho biết trong nửa đầu năm 2012, SFDA đã phát hiện 30.000 trường hợp sản xuất và bán thuốc giả với giá trị ước tính gần 44 triệu USD. Tòa án Trung Quốc cũng xét xử gần 700 trường hợp làm giả thuốc trong sáu tháng đầu năm, tăng 70% so với năm 2011. Trong khi đó, SFDA ghi nhận năm 2011 nạn thuốc giả tăng đến 275% so với năm trước đó.

Chính quyền Trung Quốc hứa sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát từ sau khi nổ ra hàng loạt vụ làm giả, như vụ sữa có melamine, vụ thuốc con nhộng được sản xuất từ gelatin công nghiệp nhiễm chromium, vụ phát hiện nhiều hóa chất độc hại như sibutramine, phenolphthalein và estazolam có nguy cơ gây tăng huyết áp, các ảnh hưởng về hô hấp, tim mạch trong thuốc giảm cân bán trên thị trường...

Hệ thống giám sát điện tử mà SFDA đưa ra từ năm 2007 dự kiến sẽ quản lý được toàn bộ dược phẩm cả nước vào năm 2015. Hệ thống này cho phép các cơ quan kiểm tra thông tin thuốc dễ dàng qua điện thoại, tin nhắn hay Internet.

ĐÔNG PHƯƠNG - TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên