Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc gặp với 10 lãnh đạo ASEAN sáng 3-11 - Ảnh: ASEAN
"Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN, dựa trên những đồng thuận đã đạt được, để đảm bảo nền hòa bình lâu dài ở Biển Đông và đạt được những tiến bộ mới trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong khung thời gian 3 năm", Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu trong hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc sáng 3-11.
Ông Lý nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã cam kết tiếp tục duy trì "sự tin cậy lẫn nhau về chính trị" với 10 nước ASEAN, khẳng định cả Bắc Kinh và ASEAN đều đang góp phần giữ vững sự ổn định của khu vực, tờ South China Morning Post của Hong Kong đưa tin.
Giới chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo ASEAN cần phải tỉnh táo trước sức ép của Trung Quốc, tránh đi vào vết xe đổ thiếu ràng buộc pháp lý của Tuyên bố về ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC).
Hội nghị cấp cao ASEAN đang diễn ra tại Thái Lan đã cho thấy sự khác biệt về quan điểm của các nước đối với tiến trình đàm phán và kết quả cuối cùng của COC.
Trong cuộc họp riêng với 9 lãnh đạo các nước ASEAN ngày 2-11, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhấn mạnh việc "tự kiềm chế" là trách nhiệm mỗi bên để giải quyết các tranh chấp trên biển.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 ngày 2-11 - Ảnh: REUTERS
Ông Duterte tuyên bố chính phủ của ông sẽ nỗ lực tối đa để hoàn tất COC trong thời gian nước này giữ vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN-Trung Quốc giai đoạn 2018-2021.
"ASEAN phải thống nhất. Chúng ta phải dẫn đầu trong việc xây dựng niềm tin và sự tự tin giữa tất cả các bên liên quan. Chúng ta phải sử dụng tất cả ảnh hưởng mà chúng ta có, cá nhân và tập thể, để thuyết phục các bên thực hiện việc tự kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình huống", tổng thống Philippines lập luận.
Đáp lại bài phát biểu này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng việc sớm hoàn tất COC là một điều tốt nhưng điều quan trọng hơn phải là "một COC đúng đắn, một COC thực sự mang lại hiệu quả và thực chất", theo báo Straits Times.
Hồi tháng 7, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã cố tình gây áp lực lên các nước ASEAN để chấp nhận COC nhằm mục đích ngăn chặn các nước hợp tác với nước thứ ba để khai thác dầu khí trên Biển Đông, từ đó kiểm soát các nguồn tài nguyên trong khu vực.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tàu khảo sát Trung Quốc và nhóm tàu hộ tống xâm phạm vùng biển Việt Nam, cản trở các hoạt động khai thác dầu khí đã có từ lâu của Việt Nam.
Malaysia bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông
Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, tại phiên họp Hội đồng Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN lần thứ 20 ngày 2-11 ở Thái Lan, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah đã bày tỏ sự quan ngại của Kuala Lumpur về sự xuất hiện của nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc trong vùng biển của nước này.
Đề cập về vấn đề Biển Đông, ông Saifuddin đã bày tỏ quan ngại về việc các tàu hải cảnh Trung Quốc ngày càng xuất hiện thường xuyên ở những khu vực gần bờ biển Malaysia, trong lúc quá trình đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Bắc Kinh đang tiếp tục diễn ra.
Theo ông Saifuddin, Bộ Ngoại giao Malaysia sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu hàng hải và mời các quốc gia thành viên ASEAN cùng tham gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận