TTCT - Kinh tế tư nhân được dự báo sẽ có vai trò lớn hơn trong một nhiệm kỳ lãnh đạo mới ở Trung Quốc, nhưng như mọi thứ khác ở quốc gia này, phải trong khuôn khổ. Cuộc họp lưỡng hội năm 2023 của Trung Quốc vừa diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Trong bài phát biểu hôm chủ nhật 5-3, thủ tướng vừa mãn nhiệm Lý Khắc Cường công bố mục tiêu tăng trưởng GDP chỉ 5% cho năm 2023, được coi là mức thận trọng nhất trong hàng chục năm. Điều này cho thấy Chính phủ Trung Quốc nhận thức được nhiệm vụ khó khăn trong phục hồi kinh tế.Khu vực tư nhân có vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: ft.comHy vọng để đạt được mục tiêu đó hiện dồn trước hết vào khu vực kinh tế tư nhân. Phát biểu hôm 6-3 trước Quốc hội, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tìm cách trấn an khu vực kinh tế trọng yếu này, vốn gần đây chịu nhiều ảnh hưởng từ các chính sách can thiệp mạnh tay của chính quyền. Ông Tập nói ông muốn thấy doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng hơn trong thúc đẩy tăng trưởng, việc làm và đổi mới công nghệ. Đây là tín hiệu về sự nhượng bộ quan trọng từ chính quyền: Khi nền kinh tế có dấu hiệu chậm lại, chính quyền cần khu vực tư nhân để tạo động lực quay lại đà tăng trưởng.Ông Tập cũng nhắc lại hai khái niệm kim chỉ nam "hai kiên định" và "ba bất biến" trong bài phát biểu để tái khẳng định sự ủng hộ của chính quyền với khu vực tư nhân. Ngoài ra, ông Tập nhấn mạnh phải bảo vệ quyền tài sản của các công ty tư nhân và doanh nhân, đối xử bình đẳng giữa công ty nhà nước và tư nhân, để "thúc đẩy kỳ vọng và niềm tin của thị trường". Đây cũng là các động thái hiếm thấy và báo hiệu nhiều điều chỉnh chính sách trong tương lai, như sự kiểm soát với ngành công nghệ, thương mại điện tử, fintech sẽ giảm bớt.Đó không phải lần đầu tiên vai trò của kinh tế tư nhân được thể chế hóa trong đời sống chính trị kinh tế Trung Quốc.Vai trò của kinh tế tư nhânVai trò của khu vực ngoài quốc doanh với nền kinh tế Trung Quốc đã được thể chế hóa từ dưới thời tổng bí thư Giang Trạch Dân (1989-2002). Với thuyết "ba đại diện" của ông Giang, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được coi là đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện nền văn hóa tiên tiến và đại diện lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc - như thế đảng chính thức chào đón các doanh nhân, tức những nhà tư bản, gia nhập. Họ là những người đóng vai trò then chốt giúp kinh tế Trung Quốc thật sự cất cánh trong vòng 20 năm qua, vươn lên trở thành nền kinh tế số 2 thế giới.Kinh tế tư nhân dần vượt qua khu vực quốc doanh, vốn là một lực lượng khổng lồ trong nền kinh tế Trung Quốc, về đóng góp cho quốc gia. Theo Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC), khu vực tư nhân đóng góp hơn 50% tổng doanh thu thuế, 60% GDP, hơn 70% đổi mới công nghệ, hơn 80% việc làm ở thành thị, và 90% các doanh nghiệp mở mới ở Trung Quốc. Công thức "50/60/70/80/90" này thường được coi là tóm tắt hùng hồn nhất về tầm quan trọng cũng như tính trung tâm của kinh tế tư nhân trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.Sự phát triển quá nhanh của khu vực kinh tế tư nhân cũng dẫn đến sự xuất hiện của các tập đoàn kinh tế ngoài quốc doanh khổng lồ như Alibaba, Tencent, Baidu, Geely, JD.com, Bytedance, Meituan hay Didi. Quyền lực thị trường của họ dần lớn mạnh tới mức chính quyền thấy cần phải kiểm soát họ chặt chẽ hơn. Năm 2020, Trung Quốc ban hành các quy định mới về ngành fintech (công nghệ tài chính), khiến Tập đoàn dịch vụ tài chính Ant Group của tỉ phú Jack Ma phải tạm dừng đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên (IPO) trị giá 37 tỉ USD chỉ vài ngày trước lịch dự kiến.Tháng 4-2021, Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử và công ty mẹ của Ant Group, bị phạt 18,3 tỉ nhân dân tệ (2,8 tỉ USD) vì bị cho là đã có nhiều động thái lạm dụng quyền thống trị thị trường từ năm 2015, vi phạm luật chống độc quyền. Các tập đoàn công nghệ khác như Tencent cũng bị phạt vì phát tán video ngắn không phù hợp cho trẻ em. Đây là các biện pháp mà nhiều nhà quan sát cho là thể hiện định hướng "thịnh vượng chung" - mọi người cùng khá giả - của ông Tập, nhắm vào chấn chỉnh hoạt động kinh tế tư nhân, từ thương mại điện tử, trò chơi điện tử, giải trí cho đến giáo dục tư thục.Tuy nhiên, thế sự đã xoay vần khi dịch Covid, khủng hoảng trong lãnh vực bất động sản vốn chiếm 30% GDP của Trung Quốc, rồi căng thẳng Mỹ - Trung, xung đột Ukraine và sự lao dốc của nền kinh tế toàn cầu dồn dập xảy ra. Chính quyền Trung Quốc phải từ từ thay đổi chính sách với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh để vực dậy nền kinh tế.Diễn ngôn chính trị thống nhấtDiễn ngôn chính trị của giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thời gian qua cũng phát đi tín hiệu hòa hoãn hơn với khu vực tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài. Vào giữa tháng 1-2023 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Phó thủ tướng Lưu Hạc phát biểu rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ sự phát triển của khu vực tư nhân và mở cửa hơn nữa cho đầu tư nước ngoài.Tân Thủ tướng Lý Cường, trong buổi họp báo đầu tiên sau khi nhậm chức ngày 13-3, thừa nhận: "Trong một khoảng thời gian vào năm ngoái, đã có một số cuộc thảo luận và bình luận không chính xác trong xã hội, khiến một số doanh nhân tư nhân cảm thấy lo lắng". Ông trấn an họ: "Từ điểm xuất phát mới, chúng tôi sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh theo định hướng thị trường, tuân thủ luật pháp và quốc tế hóa, đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu, bảo vệ quyền tài sản của doanh nghiệp và quyền, lợi ích của doanh nhân".Ông Lý Cường, nổi tiếng là người thân thiện với doanh nghiệp và cởi mở với các thử nghiệm thị trường khi còn giữ các vai trò lãnh đạo ở địa phương như Chiết Giang và Thượng Hải, kêu gọi quan chức các cấp "kết bạn" với các doanh nhân, và "phát triển kinh tế là giải pháp căn cơ để giải quyết việc làm". Trước đó ở lưỡng hội, ông Tập cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi luôn coi doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân là những người đứng về phía mình".Tự do trong khuôn khổTuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân sẽ không thể nào quay trở lại thời "hoàng kim" như dưới thời ông Giang. Giáo sư Michael Pettis ở Đại học Thanh Hoa lưu ý rằng nếu chính quyền tiếp tục nhắm mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn tốc độ tăng trưởng "hữu cơ" của nền kinh tế thì "Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc mở rộng vai trò của chính phủ trong nền kinh tế và giảm vai trò của thị trường trong phân bổ nguồn lực". Nói cách khác, chính quyền vẫn đang quản lý việc mở cửa có tính toán trong các ngành cần nguồn lực của tư nhân và nước ngoài. Không có việc khu vực tư nhân sẽ là nơi duy nhất "cầm cương" nền kinh tế.Ông Tập ắt vẫn không quên chính sách thịnh vượng chung. Trước đó, bên lề lưỡng hội, ông nhấn mạnh hiện đại hóa Trung Quốc là hiện đại hóa sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người, mà cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đều là những lực lượng quan trọng thúc đẩy mục tiêu đó. Ông nhấn mạnh các doanh nghiệp tư nhân nên "yêu nước", "giàu tình yêu thương", và tích cực tham gia hoạt động phúc lợi xã hội và từ thiện. Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường kiểm soát chính trị và tư tưởng với khu vực tư nhân, nói rằng các doanh nhân nên được hướng dẫn để "hiểu đúng" các nguyên tắc và chính sách của nhà nước, bao gồm lời kêu gọi "thịnh vượng chung" của ông.Ngoài ra, khuyến khích kinh tế tư nhân không có nghĩa là chính quyền đang thay đổi thái độ với các tập đoàn, công ty công nghệ mà họ tin là ảnh hưởng có thể trở nên quá lớn. Thay vào đó, chính quyền đang quay trở lại cách tiếp cận "cổ phiếu vàng" với doanh nghiệp tư nhân. "Cổ phiếu vàng" ý chỉ những cổ phần có quyền biểu quyết ở một doanh nghiệp. Nhà nước Trung Quốc nhờ thế luôn có một lá phiếu trong hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân, để kiểm soát hoặc tiết chế ảnh hưởng của họ khi cần thiết.Một nghiên cứu của giáo sư Bạch Trọng Ân của Đại học Thanh Hoa và Chang-Tai Hsieh của Đại học Chicago chỉ ra rằng ở Trung Quốc, các công ty tư nhân có nhà đầu tư liên kết với nhà nước đã tăng từ 14,1% tổng số vốn đăng ký vào năm 2000 lên 33,5% vào năm 2019. Chẳng hạn, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc, thông qua quyền sở hữu đa số trong Quỹ đầu tư Internet Trung Quốc, nắm giữ 1% cổ phần trong một công ty con của ByteDance, công ty sở hữu TikTok. Dù tỉ lệ không đáng kể, đây là "cổ phiếu vàng" theo quy định của chính quyền, đi kèm với quyền bổ nhiệm một trong ba thành viên hội đồng quản trị.Vẫn còn phải chờ đợi xem liệu chính sách thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân của Chính phủ Trung Quốc nhiệm kỳ mới có thành công không, và liệu giới tư nhân có tin tưởng các cam kết mới không. ■ Khái niệm "hai kiên định" mà ông Tập nhắc tới là "kiên định củng cố và phát triển khu vực công", và "kiên định khuyến khích, và hỗ trợ sự phát triển của khu vực kinh tế ngoài công lập". Khái niệm này được đề cập chính thức lần đầu trong báo cáo của Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ năm 2012.Đến năm 2016, ĐCSTQ nhấn mạnh thêm "ba bất biến" với khu vực kinh tế tư nhân: (1) vị trí, vai trò của kinh tế ngoài quốc doanh với sự phát triển kinh tế, xã hội là không thay đổi; (2) chính sách khuyến khích, hỗ trợ, định hướng phát triển của khu vực này không thay đổi; (3) cam kết các nguyên tắc, chính sách tạo môi trường thuận lợi, tạo nhiều cơ hội hơn cho sự phát triển của khu vực kinh tế ngoài công lập không thay đổi. Tags: Chính phủ Trung QuốcKinh tế Trung QuốcPhát triển kinh tếPhục hồi kinh tếTăng trưởng GDPDoanh nghiệp tư nhânTrung QuốcKinh tế tư nhân
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.