17/03/2020 12:20 GMT+7

Trung Quốc khống chế dịch, doanh nghiệp Việt thở phào

TRẦN MẠNH - TRẦN VŨ NGHI
TRẦN MẠNH - TRẦN VŨ NGHI

TTO - Dịch COVID-19 được khống chế tại Trung Quốc đang tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp của Việt Nam, vì đây là thị trường nhập khẩu nông sản và cung ứng nguyên liệu giá rẻ cho Việt Nam.

Trung Quốc khống chế dịch, doanh nghiệp Việt thở phào - Ảnh 1.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cafatex ở Hậu Giang - Ảnh: CHÍ QUỐC

Theo các doanh nghiệp, mặt hàng lúa gạo, rau củ sẽ hưởng lợi đầu tiên khi Trung Quốc mở cửa thị trường rộng rãi trở lại. Các mặt hàng khác như thủy sản, hạt điều, hạt tiêu, cà phê... sẽ chậm hơn một vài tháng. Nhiều doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị khi dịch bệnh tại châu Âu và Mỹ đang hết sức phức tạp.

Tín hiệu vui

"Dù chưa thể tăng cường xuất khẩu ngay trong tháng 4 này, nhưng việc Trung Quốc bắt đầu khống chế được dịch covid-19 là một tín hiệu vui cho ngành điều trong bối cảnh các thị trường lớn khác như Mỹ và châu Âu vào khủng hoảng vì dịch bệnh" - ông Phạm Văn Công, chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas), nói.

Ông Phạm Văn Công cho biết sau năm 2019 thành công, ngành điều VN đặt mục tiêu xuất khẩu 2020 đạt 4 tỉ USD. Tuy nhiên, dịch bệnh covid-19 đã làm đảo lộn kế hoạch của các doanh nghiệp. Khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, các doanh nghiệp tập trung bán hàng cho châu Mỹ và châu Âu, nhưng đến nay hai khu vực này đều bị dịch bệnh nặng nề. "Do đó, Trung Quốc lại là hi vọng cho xuất khẩu điều của VN trong những tháng sắp tới" - ông Công cho hay.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm của VN cũng đang kỳ vọng thị trường Trung Quốc sớm quay trở lại như trước khi dịch bệnh để giải phóng lượng hàng tồn kho. Các mặt hàng có thể tăng tốc xuất khẩu ngay là mặt hàng thiết yếu như lúa gạo, trái cây, thủy sản...

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo tại Tiền Giang cho biết không chỉ việc dịch bệnh covid-19 được khống chế ở Trung Quốc sẽ là cơ sở để nước này tăng nhập khẩu gạo trở lại, mà dịch hại do châu chấu gây ra cũng sẽ tác động tới sản xuất lương thực của nước này và làm tăng nhu cầu gạo từ bên ngoài.

Ông Nguyễn Văn Kịch, tổng giám đốc Công ty Cafatex, cho biết còn mấy container hàng đông lạnh đi Trung Quốc nằm trong kho chưa xuất khẩu được vì covid-19. Nếu Trung Quốc tăng nhập khẩu trở lại thì đó là tin vui cho các doanh nghiệp thủy sản đang gặp nhiều khó khăn. Trước đó, các doanh nghiệp hi vọng châu Âu và Mỹ sẽ "giải cứu" hàng xuất đi Trung Quốc nhưng nay cả hai thị trường này đều gặp khó.

Vẫn chờ nguyên liệu từ Trung Quốc

Dù đã chủ động tìm kiếm nguồn cung khác nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết họ vẫn sẵn sàng quay lại nhập khẩu từ Trung Quốc khi dịch bệnh được khống chế.

Giám đốc một công ty sản xuất thuốc thú y tại Đồng Nai cho hay từ khi nguồn hàng từ Trung Quốc không còn kể từ sau tết, doanh nghiệp phải chuyển qua sử dụng nguyên liệu từ các nguồn thay thế. Một số mặt hàng phải nhập từ châu Âu hay Mỹ có giá cao gấp 2-5 lần. 

"Không dễ gì thay thế được nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc với nền sản xuất của VN. Chuyển đổi sang các nguồn cung cấp khác không chỉ khó về giá cả mà còn cả về chủng loại hàng hóa và phương thức thanh toán. Vì vậy, khi Trung Quốc khống chế được dịch bệnh và sản xuất xuất khẩu trở lại, không chỉ có doanh nghiệp nước họ phát triển mà nhiều ngành hàng sản xuất của VN cũng được hưởng lợi" - vị giám đốc này cho biết.

Theo ông Đỗ Tuấn Minh - giám đốc Công ty TNHH Lộc Minh (Bình Chánh), hiện công ty tạm thời chuyển sang nhập khẩu một số chất phụ gia từ Ấn Độ thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông thừa nhận vẫn liên lạc với đối tác Trung Quốc và được báo khoảng cuối tháng 4-2020 mọi chuyện có thể trở lại bình thường, nếu Trung Quốc kiểm soát tốt dịch bệnh. Ông Minh chia sẻ nguồn cung Ấn Độ giá cao hơn Trung Quốc khoảng 5%.

"Với mức cao hơn này, chúng tôi vẫn chấp nhận được và cũng chỉ nhập cầm chừng, duy trì sản xuất là chính. Còn nói chuyển hẳn sang nhập của Ấn Độ thì phải tính toán lại giá bán sản phẩm. Mà bây giờ đâu có nói chuyện tăng giá bán được trước sức mua quá thấp hiện nay" - ông Minh thông tin thêm.

Bà Huỳnh Thị Mỹ, tổng thư ký Hiệp hội Nhựa VN (VPA), cho biết khảo sát nhanh trong VPA, các doanh nghiệp cho hay việc chuyển hướng tìm nguồn cung nguyên liệu mới đã được các doanh nghiệp tích cực triển khai từ hơn một tháng qua. 

Theo bà Mỹ, nguồn hàng từ Trung Quốc dồi dào trở lại là một tín hiệu tích cực nhưng mới chỉ là một phần của vấn đề. Bởi vì các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và châu Âu đang rất khó khăn, thị trường nội địa cũng gặp khó vì dịch bệnh.

"Cái chính bây giờ là làm sao vực dậy sức mua trong nước. Sức mua quá yếu, doanh nghiệp không bán được hàng mà còn phải mua nguyên liệu với giá cao hơn trước thì phải chịu áp lực rất lớn về đầu ra. Sức mua có khởi sắc thì doanh nghiệp mới mạnh dạn hơn trong việc tính toán nhập khẩu nguồn cung với chi phí mới" - bà Mỹ nói.

Xuất khẩu sang Nhật, Hàn, EU đã giảm

Theo Bộ NN&PTNT, tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 2 tháng đầu năm 2020 ước đạt 5,34 tỉ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Bốn thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của VN gồm Trung Quốc (chiếm thị phần 38,8%, giá trị giảm 15,3%), Mỹ (chiếm thị phần 23,8%, giá trị tăng 15,8%), EU (chiếm thị phần 12,2%, giá trị giảm 11,7%), ASEAN (chiếm thị phần 9,7%, giá trị giảm 0,3%), Nhật Bản (chiếm thị phần 8,2%, giá trị giảm 7,1%) và Hàn Quốc (chiếm thị phần 5,8%, giá trị giảm 10,1%).

Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng đau đầu vì thiếu nguyên liệu Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng đau đầu vì thiếu nguyên liệu

TTO - Hơn một nửa trong 209 doanh nghiệp Nhật có sản xuất chế tạo ở Việt Nam cho biết bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên so với doanh nghiệp Nhật Bản ở Thái Lan, mức độ ảnh hưởng của các doanh nghiệp tại Việt Nam có phần nhẹ hơn.

TRẦN MẠNH - TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên