Cuộc gặp ba bên này tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc) từ ngày 26 tới 27-5, có sự góp mặt của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Đây là sự kiện thượng đỉnh đầu tiên của ba nước trong hơn bốn năm qua, gián đoạn một phần vì dịch COVID-19.
"Khởi đầu mới" cho Trung Quốc và Nhật, Hàn
Hôm 27-5, lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc nêu quan điểm kêu gọi sự hợp tác giữa ba nước, khẳng định đây là một "khởi đầu mới".
Tại hội nghị thượng đỉnh, ông Lý nhấn mạnh sự "khởi đầu mới" này, đồng thời mong muốn các nước tham gia thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
Kinh tế, thương mại là chủ đề có tiềm năng hợp tác lớn nhất giữa Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc, trong bối cảnh ba nước còn nhiều khác biệt về các lĩnh vực khác như chính trị và an ninh.
Theo ông Lý, việc các nền kinh tế hùng mạnh tại Đông Bắc Á nối lại cuộc họp ba bên không chỉ là việc khởi động lại, mà còn tạo ra khởi đầu mới cho hợp tác. Tuy nhiên Thủ tướng Trung Quốc lưu ý để đạt được điều này, kinh tế và thương mại nên tách bạch với chính trị.
"Với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, quan hệ chặt chẽ của chúng ta sẽ không thay đổi, tinh thần hợp tác đã đạt được thông qua phản ứng trước khủng hoảng sẽ không thay đổi, và sứ mệnh bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực cũng sẽ không thay đổi", ông nói.
"Chính trị" mà ông Lý nhắc tới không nằm ngoài thực tế Nhật Bản và Hàn Quốc đều là đồng minh của Mỹ - cường quốc đối trọng số một của Trung Quốc ngày nay.
Gắn kết về mặt chính trị cũng góp phần không nhỏ khiến Nhật và Hàn chia sẻ nhiều quan điểm với Mỹ trong vấn đề an ninh, cũng như thương mại toàn cầu. Cụ thể và quan trọng nhất trong số này có lẽ nằm ở "chuỗi cung ứng".
Mỹ được biết đã khuyến khích các nước thay đổi chuỗi cung ứng, rút bớt lệ thuộc vào Trung Quốc. Lời kêu gọi chống chủ nghĩa bảo hộ, bảo vệ chủ nghĩa đa phương của ông Lý nhắm vào điều này.
Báo chí quốc tế cho rằng trọng tâm của lần họp ở Seoul sẽ là việc nối lại đàm phán hiệp định thương mại tự do ba bên, vốn dừng lại từ năm 2019 khi sự kiện này bị ngắt quãng.
Theo lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 27-5, không khí của hội nghị thượng đỉnh Hàn - Nhật - Trung "rất mang tính xây dựng".
Tại Đông Bắc Á cũng như môi trường quốc tế nói chung, Trung Quốc vẫn là một đối tác kinh tế rất quan trọng với Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là cơ sở để ba nước này tìm kiếm lĩnh vực hợp tác, không chỉ về kinh tế.
Ngoài vấn đề Ukraine, hiện nay cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều cùng mong Trung Quốc có tiếng nói trong việc xử lý vấn đề hạt nhân Triều Tiên - lợi ích an ninh sát sườn của hai nước này.
Người Mỹ theo sát việc đồng minh hợp tác với Trung Quốc
Việc chứng kiến hai đồng minh sát lại Trung Quốc hẳn là điều Mỹ cần lưu tâm, kể cả khi Washington không lo lắng.
Báo chí Mỹ, ví như tờ Washington Post, cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực kéo Nhật Bản và Hàn Quốc lại gần, nhất là khi chứng kiến hai nước này thắt chặt hơn nữa quan hệ với Mỹ.
Đã có sự thay đổi lớn trong bức tranh địa chính trị giữa bốn nước này trong thời gian qua. Khi Trung Quốc vẫn là một đối trọng về an ninh của phần còn lại, Bắc Kinh đã chứng kiến Nhật Bản và Hàn Quốc tìm cách xóa bỏ áp lực thù hận lịch sử để tiến tới hình thành một khuôn khổ hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Hàn mạnh mẽ hơn.
Giới chuyên gia Mỹ dường như không đánh giá cao khả năng Trung Quốc thực sự sẽ "kéo" được Nhật Bản và Hàn Quốc về phía mình.
"Cơ hội hợp tác với Bắc Kinh, đặc biệt về các vấn đề kinh tế, là rất hấp dẫn với cả hai (Nhật và Hàn), nhưng sẽ không thay đổi bối cảnh lớn hơn về sự lo ngại sâu sắc về ý định và hành động của Trung Quốc, cũng như lợi ích chung trong việc gắn kết chặt chẽ với Mỹ và với nhau", ông Christ Johnstone, cựu giám đốc phụ trách khu vực Đông Á tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nói với Washington Post.
Mặc dù vậy, trong khi đồ rằng không có lý do gì để Mỹ lo lắng khi Trung Quốc nối lại cuộc họp thường xuyên với hai nước láng giềng, các nhà phân tích Mỹ như Daniel Sneider (phụ trách chính sách Đông Á ở ĐH Stanford) vẫn xem đây là một sự gợi nhắc cho Washington, rằng các đồng minh của họ cũng phải có lợi ích riêng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận