Trung Quốc: Khi giới tài chính "phải yêu nước"

NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/06/2024 10:17 GMT+7

TTCT - Trong nỗ lực xây dựng một nền tài chính "đặc sắc Trung Quốc", chính quyền nước này đang yêu cầu giới lãnh đạo ngành vốn gắn chặt với tiền bạc và lối sống xa hoa không chỉ "phải yêu nước" mà còn phải tiết giảm những cuộc vui quá độ.

Giới lãnh đạo tài chính Trung Quốc nay được yêu cầu phải

Giới lãnh đạo tài chính Trung Quốc nay được yêu cầu phải "ái quốc". Ảnh: Bloomberg

Gracie, nhân viên một ngân hàng đầu tư ở Thâm Quyến, cho tờ Bloomberg biết tiền thưởng hằng năm của cô đã giảm 60% và lương thì bị đóng băng trong năm 2023. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt của gia đình ngày càng tăng với hai đứa con đang đi học. 

"Tôi cảm thấy lạc lõng và không có lối thoát", cô yêu cầu chỉ được nêu tên (không bao gồm họ) do nói chuyện nhạy cảm. Gracie nói nỗi lo lớn nhất của cô là mất việc khi các công ty trên khắp Trung Quốc thu hẹp quy mô.

Trường hợp của Gracie không cá biệt khi các ngân hàng đầu tư khắp Trung Quốc bắt đầu cắt giảm lương và tiền thưởng nhân viên. 

Các thách thức thị trường như cuộc khủng hoảng bất động sản và tác động lan tỏa tiềm tàng với hệ thống tài chính được nhà nước kiểm soát chặt chẽ chỉ là phần nổi của tảng băng. 

Phần chìm lớn hơn rất nhiều là việc giới quản lý ngân hàng và tài chính Trung Quốc phải đối mặt với mệnh lệnh mới: phát triển "văn hóa tài chính đặc sắc Trung Quốc".

Chấn chỉnh lối sống

Chủ tịch Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo quyền lực nhất nước này kể từ thời Mao Trạch Đông, đã nhấn mạnh "sự lãnh đạo tập trung và thống nhất" của đảng với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đồng thời cam kết xây dựng "hệ thống tài chính hiện đại mang đặc sắc Trung Quốc" hoàn toàn khác phương Tây. 

Ông Tập đã đưa ra khái niệm mới cho ngành tài chính tên là "Con đường phát triển tài chính đặc sắc Trung Quốc", nhằm theo đuổi "phát triển chất lượng cao", xây dựng quốc gia có nền tài chính vững mạnh và tránh tăng trưởng không bền vững do nợ nần.

Về mặt thể chế, một cơ quan mới - Ủy ban Tài chính trung ương - đã được thành lập vào tháng 3-2023 trong kế hoạch cải tổ thể chế sâu rộng, trao cho Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều quyền kiểm soát hơn trong lĩnh vực này. Ủy ban sẽ đóng vai trò lập kế hoạch chính cho hệ thống tài chính của đất nước. 

Tại một buổi học tập thường niên dành cho cán bộ cấp tỉnh và cấp bộ ở Trường Đảng gần đây, ông Tập cho biết con đường này phù hợp hơn với điều kiện quốc gia của Trung Quốc và về cơ bản khác với mô hình tài chính phương Tây.

Ngoài ra, giới lãnh đạo các ngân hàng ở Trung Quốc đang được yêu cầu tự chấn chỉnh tư duy, từ bỏ "lối sống hưởng thụ" và chấm dứt "học đòi lối sống phương Tây". 

Các chỉ thị này thực ra đã xuất hiện trong bài viết dài 3.500 từ đăng tháng 2-2023 của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI), cơ quan giám sát chống tham nhũng của Trung Quốc. 

Trong bài viết, CCDI tuyên bố sẽ tăng cường chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào hành vi sai trái, bao gồm cả trấn áp lãnh đạo các tập đoàn tài chính tư nhân, những người tự coi mình là "giới tinh hoa" và có lối sống "ngông cuồng". 

Đây là dấu hiệu cho thấy chiến dịch thắt chặt kiểm soát với hệ thống tài chính của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không chỉ dừng lại ở các vấn đề chuyên môn.

Ảnh: The Japan Times

Ảnh: The Japan Times

Tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì đăng bài kêu gọi giới tài chính "theo đuổi lợi nhuận chính đáng, không chỉ đơn thuần chạy theo lợi nhuận", phải biết hài lòng với "lợi nhuận hợp lý" và góp phần phục vụ sự nghiệp "phát triển chất lượng cao" của đất nước. 

Giới lãnh đạo tài chính do đó sẽ phải cố gắng tìm hiểu xem Bắc Kinh đang muốn gì ở họ khi yêu cầu họ yêu nước và sống cần kiệm.

Giữa làm và hưởng thụ

Những tuyên bố và hoạt động đó là một phần của chiến dịch "thịnh vượng chung", cũng do ông Tập đề xuất, nhằm phân phối lại của cải xã hội khi chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc đang bị đào sâu chưa từng thấy sau nhiều năm kinh tế phát triển bùng nổ. 

Chủ tịch Tập lần đầu tiên đưa ra khái niệm "thịnh vượng chung" tại cuộc họp lần thứ 10 của Ủy ban Kinh tế và tài chính trung ương tháng 8-2021. 

Bấy giờ ông Tập liên hệ thịnh vượng chung với nâng cao thu nhập của các nhóm thu nhập thấp, thúc đẩy công bằng, tạo điều kiện cho phát triển vùng cân bằng hơn và nhấn mạnh tăng trưởng lấy con người làm trung tâm.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hơn, lĩnh vực tài chính vẫn là một trong số ít ngành sinh lợi tốt ở trung Quốc. Dẫu vậy, thu nhập nói chung của giới lãnh đạo vẫn giảm trong năm 2022, có thể là để đối phó với chính sách "thịnh vượng chung". 

Báo Anh Financial Times hồi giữa năm 2022 từng đưa tin Hiệp hội Quản lý tài sản Trung Quốc (AMAC) đã chỉ thị các quỹ đầu tư "nâng cao trách nhiệm xã hội và khả năng phục vụ nền kinh tế cũng như chiến lược của đất nước".

Theo thông báo nội bộ của Tập đoàn Vốn quốc tế Trung Quốc (CICC), một ngân hàng đầu tư nhà nước, được Bloomberg News dẫn lại, các chuyên gia phân tích tài chính của họ bị cấm chia sẻ bình luận tiêu cực về nền kinh tế hoặc thị trường Trung Quốc trong các thảo luận công khai lẫn riêng tư. 

Thông báo cũng khuyến nghị nhân viên nên tránh mặc đồ hiệu xa xỉ, tiết lộ mức lương cho bên thứ ba, hay khoe khoang giàu có.

Nói chung, kiếm thật nhiều tiền và tận hưởng lối sống xa xỉ là đặc điểm chung của giới ngân hàng đầu tư toàn cầu, nước nào cũng vậy. 

Nhân viên CICC từng có mức lương không hề thua kém các ngân hàng đầu tư toàn cầu của phương Tây như Goldman Sachs hay UBS (dù mức sống ở Trung Quốc thấp hơn Mỹ hay Thụy Sĩ nhiều). Tuy nhiên ba năm qua họ đã giảm tiền thưởng cho nhân viên.

Với đội ngũ lao động 15.000 người (gồm hơn 2.000 người ở mảng đầu tư), CICC có trụ sở chính tại Bắc Kinh, với hơn 200 chi nhánh ở Trung Quốc đại lục và văn phòng tại Hong Kong, New York, Singapore, London, San Francisco, Frankfurt và Tokyo. 

Giới đại gia tài chính Trung Quốc được yêu cầu phải tiết giảm lối sống. Ảnh: jingdaily.com

Giới đại gia tài chính Trung Quốc được yêu cầu phải tiết giảm lối sống. Ảnh: jingdaily.com

Nhưng tập đoàn đang có kế hoạch giáng chức và cắt lương một số lãnh đạo cấp cao, sau khi nhận nhiều chỉ trích vì lối sống "hưởng thụ" của những người này. 

Trước đó, CICC đã thu hẹp ưu đãi du lịch cho nhân viên cấp cao, thậm chí yêu cầu các lãnh đạo phải đặt chỗ ngồi rẻ nhất khi đi máy bay hay tàu, đồng thời cắt giảm ngân sách lưu trú khách sạn của họ.

Thông báo nội bộ cũng giới thiệu hệ thống đánh giá thành tích mới kèm các hình phạt sa thải hoặc giáng chức. CICC hiện có khoảng 300 lãnh đạo cấp cao thuộc nhiều mảng hoạt động kinh doanh, gồm khoảng 100 giám đốc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư. 

Thành tích của họ sẽ được xếp thành năm loại: chỉ 5% thuộc nhóm trên cùng, 45% tiếp theo rơi vào nhóm thứ hai, 20% nhóm thứ ba, 20% nhóm thứ tư và 10% nhóm cuối cùng. Chỉ hai hạng mục thành tích cao nhất mới có thể được hoàn lại khoản tiền cắt giảm dưới hình thức thưởng cuối năm.

Người đẹp vì lụa...

Người Trung Quốc có câu "Tiên kính la y, hậu kính nhân", trong đó "la y" là loại quần áo làm bằng lụa mỏng, đắt tiền. Đây là châm ngôn đơn giản cho những ai muốn gây ấn tượng với người khác: nên bắt đầu từ vẻ bề ngoài, như quần áo và hàng tiêu dùng xa xỉ. 

Tuy nhiên, có vẻ đã qua rồi thời của những logo nhãn hiệu quần áo, phụ kiện xa xỉ hào nhoáng có thể nhận ra từ cách xa một dặm với giới nhân viên ngân hàng đầu tư Trung Quốc.

Một ví dụ khác về tác động của chính sách thịnh vượng chung là nhân viên của Citic Securities, công ty chứng khoán lớn nhất Trung Quốc. 

Theo Bloomberg, họ đang bị cắt lương tới 15%. Lý do không phải là do kinh tế khó khăn, mà là do họ có trụ sở tại Bắc Kinh, nơi chính quyền trung ương để ý nhất tới giới nhân viên ngân hàng được trả lương cao và có lối sống xa xỉ.

Một giám đốc điều hành cấp cao của CICC cho biết một số nhân viên ở Bắc Kinh thậm chí đã phàn nàn rằng mức lương của họ thường thấp hơn nhiều so với các đồng nghiệp Hong Kong. 

Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, bình luận: 

"Vấn đề là các ngân hàng và quỹ đầu tư hoạt động quốc tế rất khó chuyển đổi sang cách trả lương ở Trung Quốc nếu việc trả lương không được chuyển đổi giống nhau ở mọi nơi. Điều này sẽ chỉ làm tăng thêm sự chia rẽ giữa hệ thống tài chính Trung Quốc và toàn cầu". ■

Tôi thấy một nền kinh tế mới của Trung Quốc sắp hình thành, trong đó lĩnh vực tài chính sẽ chỉ có hai loại người chơi: ngân hàng do chính phủ điều hành và các công ty bảo hiểm do chính phủ điều hành.

Trần Chí Vũ, giáo sư tài chính Đại học Hong Kong

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận