Đó là nội dung phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương ngày 8-5. Ông Tần đã có cuộc họp với Đại sứ Mỹ Nicholas Burns tại Bắc Kinh.
Trung Quốc nhắc nhở Mỹ về Đài Loan
Tại cuộc họp trên, ông Tần đề cập các căng thẳng xung quanh vấn đề Đài Loan. Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định Mỹ phải điều chỉnh cách tiếp cận với vấn đề này cũng như nguyên tắc "Một Trung Quốc".
Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh và muốn các nước phải tôn trọng điều này. Trong khi đó, Mỹ đã có những cuộc tiếp xúc, trao đổi cấp cao với Đài Loan. Đây là chuyện khiến Bắc Kinh phản đối, đẩy căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung leo thang.
Giữa năm ngoái, chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã tới thăm Đài Loan. Trung Quốc phản ứng bằng cách cắt các kênh liên lạc với phía Mỹ.
Tháng trước Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận bao vây đảo Đài Loan. Diễn biến này trùng thời gian lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ghé thăm Mỹ.
Dù phía Đài Loan mô tả đây là chuyến "quá cảnh" của bà Thái ở Los Angeles, song Trung Quốc đặc biệt chú ý việc bà Thái gặp gỡ Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy.
Quốc hội Mỹ cũng đã phê chuẩn gói vũ khí 1 tỉ USD cho Đài Loan trong ngân sách năm 2023.
Cành ô liu của Trung Quốc?
Thực tế căng thẳng Mỹ - Trung có tín hiệu giảm nhiệt hồi tháng 11-2022. Đó là thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Indonesia. Bên lề Thượng đỉnh G20, hai lãnh đạo cam kết tăng cường các cuộc đối thoại thường xuyên hơn.
Theo ông Tần, những hành động sau cuộc gặp ấy đã khiến quan hệ Mỹ - Trung "mất đà".
"Nội dung đối thoại và hợp tác được hai bên nhất trí đã bị gián đoạn, và quan hệ hai nước một lần nữa trở nên lạnh nhạt", ông Tần nhận xét.
"Ưu tiên hàng đầu là ổn định quan hệ Mỹ - Trung, tránh chiều hướng đi xuống, ngăn bất kỳ biến cố nào giữa Trung Quốc và Mỹ", nhà ngoại giao Trung Quốc nói thêm.
Trong khi đó phía Mỹ cũng có động thái muốn nối lại đối thoại. Trả lời báo Washington Post tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định việc tái xây dựng các đường dây liên lạc thường xuyên giữa hai bên là điều quan trọng.
Phát biểu này được hiểu như động thái đề nghị thăm Trung Quốc của ông Blinken, theo Reuters. Trước đó, trong tháng 2, vụ khinh khí cầu do thám đã khiến ông Blinken hủy chuyến thăm Bắc Kinh.
Cũng trong tuần trước, đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Mỹ John Kerry cũng cho hay Trung Quốc đã mời ông thăm và thảo luận về vấn đề khí hậu toàn cầu trong thời gian tới. Biến đổi khí hậu luôn được xem là một trong những chủ đề có thể hợp tác giữa hai bên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận