21/02/2009 08:46 GMT+7

Trung Quốc "khai khẩn" châu Phi

THANH TUẤN - ĐỨC TÂM (Theo Reuters, AsiaNews, Kommersant)
THANH TUẤN - ĐỨC TÂM (Theo Reuters, AsiaNews, Kommersant)

TT - Những bất ổn về chính trị, khó khăn khi khai thác ở châu Phi đã khiến nhiều nhà đầu tư phương Tây rút đi trong gần 20 năm qua. Các nhà đầu tư Trung Quốc thì đang làm ngược lại.

uJ83jquw.jpgPhóng to
Kỹ sư Trung Quốc giám sát việc xây dựng một công trình tại thủ đô Khartoum (Sudan) - Ảnh: Reuters

Kể cả trong thời kỳ khủng hoảng đang tác động mạnh tới xuất khẩu Trung Quốc, cơn khát nguyên liệu về dài hạn vẫn không hề bớt đi. Trong khi các đối thủ đã cắt giảm nhân công hàng loạt và ngừng các dự án, tập đoàn khai thác kim loại màu của Trung Quốc lại đang chuẩn bị khai trương lò nấu đồng ở khu kinh tế Chambishi (Zambia) trong tháng này.

Rót tiền, lấy mỏ

Zambia trong tháng này sẽ mở một khu mậu dịch tự do thứ hai ở gần thủ đô Lusaka để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Ở Liberia, Liên đoàn Lao động Trung Quốc vừa ký một hợp đồng 2,6 tỉ USD để phát triển mỏ quặng sắt Bong ở đây.

Bắt đầu bị chỉ trích

Những hợp tác này rất có lợi cho Bắc Kinh do lấy được nguyên liệu thô từ lục địa đen và xuất khẩu lại các sản phẩm thành phẩm như dệt may, ôtô, đồ điện tử, thiết bị viễn thông. Theo AsiaNews, việc xuất khẩu này là rất thiệt hại cho các ngành công nghiệp non trẻ ở các nước châu Phi và đã có nhiều cuộc phản đối người Trung Quốc bởi các nhà công nghiệp và thương nhân ở Nam Phi.

Các tổ chức quốc tế cũng chỉ trích việc các tập đoàn Trung Quốc làm ăn với các chính phủ tham nhũng mà không thèm quan tâm đến việc khoản tiền đó có lợi thật sự cho dân cư ở đó, hay chỉ làm giàu cho giới quan chức và tầng lớp trên của xã hội. Ngoài ra, đã có một số nơi có tình trạng người biểu tình vì các doanh nghiệp Trung Quốc bắt công nhân làm việc trong điều kiện không chấp nhận được. Bắc Kinh cũng bị cáo buộc là khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên địa phương mà không hề quan tâm đến các vấn đề môi trường và sinh thái ở đây.

Chiến lược chung của Trung Quốc để đầu tư ở lục địa đen là rót tiền cho vay để đổi lại quyền được khai thác mỏ. Thương mại với Angola, nước cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc, đã đạt tới 25,3 tỉ USD. Đổi lại, Bắc Kinh cung cấp khoảng 5 tỉ USD trong các khoản vay cho Angola vay.

Bắc Kinh đã đầu tư hàng chục tỉ USD tới châu Phi để có quyền khai thác mỏ nguyên liệu ở đây: dầu mỏ từ Sudan (nước bị hầu hết các nước trên thế giới cấm vận do tình hình tại Darfur), Nigeria, và Angola; cobalt và đồng từ Zambia, CHDC Congo; sắt từ Liberia và bauxite từ Guinea. Tương tự Gabon cũng đang muốn sớm ký kết hợp đồng trị giá 3 tỉ USD với Trung Quốc để xây dựng mỏ quặng Belinga có trữ lượng 360 triệu tấn.

Một trong những quặng kim loại được Trung Quốc tập trung săn tìm nhất là bauxite. Bauxite được dùng để sản xuất nhôm và hiện Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ nhôm lớn nhất thế giới. Tuy vậy, nguồn dự trữ bauxite của nước này chỉ chiếm 2% trong trữ lượng toàn cầu và đến hơn 1/3 nguồn cung cấp bauxite hằng năm cho Trung Quốc là từ nhập khẩu.

Theo nhiều nhà môi trường, khai thác bauxite là công việc gây hại cho môi trường rất nhiều với việc sử dụng nhiều hóa chất độc hại, đặc biệt như sulfur dioxide (SO2) và tiêu thụ khối lượng nước lớn. Ngoài ra, việc khai thác bauxite cũng tiêu tốn lượng điện rất nhiều cho quá trình xử lý.

Trường chinh thời hiện đại

Cho đến giờ Trung Quốc vẫn khẳng định cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ không ảnh hưởng tới mong muốn đầu tư của nước này tại châu Phi. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì trong chuyến đi Nam Phi hồi giữa tháng 1 khẳng định chắc nịch: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chương trình viện trợ mạnh mẽ ở đây và các tập đoàn Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư càng nhiều càng tốt ở châu Phi”. Trong nhiều năm trở lại đây, năm nào cũng có các chuyến đi thăm châu Phi của các lãnh đạo cao nhất Trung Quốc.

Kể từ năm 2003 đến nay, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã bốn lần tới châu Phi. Ba lần thăm trước, ông đi một vòng các nước giàu tài nguyên. Nhờ đó trao đổi hàng hóa của Trung Quốc với lục địa đen trong năm ngoái đã lên tới 107 tỉ USD, chủ yếu do đầu tư của Trung Quốc vào các mỏ. Ngoài ra, châu Phi còn bảo đảm cho 1/3 nhu cầu dầu của Trung Quốc ở nước ngoài.

Nhưng trong chuyến đi gần đây nhất, mới kết thúc vào ngày 17-2, ông Hồ Cẩm Đào lại thăm bốn nước hầu như không có tài nguyên nào khác ngoài cá và bờ biển - Mali, Senegal, Tanzania và Mauritius. Với chuyến đi này, Trung Quốc đã phát đi thông điệp với lục địa đen: Trung Quốc quan hệ đối với tất cả các nước ở châu Phi như nhau và khẳng định cam kết tiếp tục mở rộng hợp tác và hỗ trợ kinh tế cho các nước này trong giai đoạn khủng hoảng. Kèm theo lời cam kết đó là những khoản tín dụng lớn. Riêng đảo quốc Mauritius nhỏ bé với 1,3 triệu dân cũng nhận được 260 triệu USD tín dụng ưu đãi để phát triển sân bay duy nhất, một khoản vay không lãi 6,5 triệu USD và 5 triệu USD viện trợ không hoàn lại.

Các báo Nga bình luận sự “hào phóng” nói trên của Trung Quốc cho thấy ngay cả trong điều kiện khủng hoảng, nước này cũng vẫn tích cực theo đuổi chiến lược “khai khẩn” châu Phi của mình, và nhắm đến một mục tiêu xa hơn, không chỉ là nhanh chóng phục hồi và phát triển nền kinh tế sau thời kỳ khủng hoảng, mà còn là tăng cường vị thế của mình trên khắp thế giới.

Bên cạnh việc đầu tư, Trung Quốc cũng triển khai đưa lượng lớn công nhân và kỹ sư sang lục địa đen. Một bài viết của BBC năm 2007 nói số người lao động nhập cư của Trung Quốc di cư sang châu Phi ít nhất đã lên tới 750.000 người. Không chỉ khai thác mỏ, nông dân Trung Quốc cũng sang châu Phi để canh tác và thậm chí Chính phủ Trung Quốc còn khuyến khích người dân sở hữu nhiều ruộng đất ở đây. BBC đã gọi chiến dịch đưa người sang châu Phi này của Bắc Kinh là một chiến dịch “trường chinh” mới trong giai đoạn hiện đại.

THANH TUẤN - ĐỨC TÂM (Theo Reuters, AsiaNews, Kommersant)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên