Bên trong một trang trại heo công nghiệp lớn ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc - Ảnh: XINHUA
Zu Sheng, chủ một công ty nuôi heo, đang xây dựng 11 trang trại heo mới ở Bình Cốc, nơi chỉ cách trung tâm Bắc Kinh khoảng 70km. Một khi hoàn tất trong năm nay, các trang trại này có thể cung cấp cho thủ đô của Trung Quốc mỗi năm 60.000 con heo.
Ông Zu khẳng định đây là một phần trong các dự án quan trọng của chính quyền nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung thịt cho thủ đô sau dịch tả heo châu Phi.
New Hope Liuhe, một công ty sản xuất thịt heo hàng đầu Trung Quốc khác, cũng đã lên kế hoạch cho một trang trại nhiều tầng ở Bình Cốc và dự kiến có thể cung cấp 150.000 con heo/năm.
Ngoài các dự án trên, chính quyền Bắc Kinh xác nhận với Hãng tin Reuters sẽ tái lập và mở rộng thêm 6 trang trại khác.
Việc kéo các trang trại heo về gần thành phố lớn như Bắc Kinh trong bối cảnh hiện tại là rất đáng chú ý, Reuters nhận định. Lo ngại các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm nguồn nước và đất, chính phủ Trung Quốc đã dùng nhiều tiền bạc lẫn công sức để di dời chúng ra xa các thành phố lớn trong những năm 2015-2017.
Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi năm 2018 dường như đã khiến điều này thay đổi. Việc bị mất hàng trăm triệu con heo (do bệnh hoặc tiêu hủy để phòng ngừa) đã đẩy giá thịt heo tại Trung Quốc lên cao ngất ngưởng vào năm 2019 khiến nhiều người không mua nổi.
Một số chuyên gia Trung Quốc vào thời điểm đó lo ngại nếu tình trạng kéo dài có thể dẫn tới tâm lý bất mãn chính quyền trong nhân dân, bởi thịt heo là món không thể thiếu trong các bữa ăn của người Trung Quốc.
Điều này có lẽ đã khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải suy nghĩ. Theo quy định mới sau dịch, mỗi tỉnh và đô thị lớn ở Trung Quốc phải tự đảm bảo được nguồn cung thịt nhất định.
Ngoài Bắc Kinh, các địa phương khác cũng đã bắt tay vào thực hiện. Thành phố 8 triệu dân Nam Kinh đang xây thêm 12 trang trại trong khi tỉnh Chiết Giang đặt mục tiêu sẽ tăng 50% đàn heo so với năm 2018.
Công trường xây dựng trang trại heo cỡ lớn ở quận Bình Cốc của Bắc Kinh - Ảnh: REUTERS
Xử lý mùi và chất thải ra sao?
Bắc Kinh sẽ phải sản xuất được 890.000 con heo mỗi năm vào năm 2022 nếu muốn tự đáp ứng được 1/10 nhu cầu thịt heo của 20 triệu dân. Để kêu gọi doanh nghiệp trở lại, chính quyền đã đích thân chọn các khu đất thích hợp nuôi heo rồi kêu gọi đấu thầu và đơn giản hóa các thủ tục rườm rà bình thường.
Khoảng 200.000 trang trại nhỏ gần nguồn nước và khu đông dân cư đã bị đóng cửa trong chiến dịch làm sạch môi trường quốc gia. Chính phủ khuyến khích xây dựng các trang trại lớn ở những tỉnh đất rộng người thưa như Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh và Nội Mông.
Để đảm bảo nhu cầu thịt heo tươi của người tiêu dùng, heo của các trang trại xa xôi này sẽ được chở tới các lò giết mổ trong thành phố. Tuy nhiên, khi dịch tả heo châu Phi bùng phát, lệnh cấm chở heo hơi xuyên tỉnh đã phá vỡ mô hình kinh doanh và góp phần đẩy giá heo lên cao chót vót.
Theo tính toán, để đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường của chính phủ, các trang trại heo sẽ phải đầu tư một khu xử lý chất thải với giá trung bình khoảng 70,5 USD cho mỗi con heo nái, nghĩa là càng có nhiều heo nái trong đàn thì chi phí cho khu xử lý càng lớn.
Mùi của các trang trại heo cũng là một vấn đề lớn. Sử dụng các chất khử mùi có thể giảm được khoảng 70% hôi thúi nhưng sẽ khiến các nhà sản xuất tốn thêm tiền và chi phí đó chắc chắn sẽ được tính vào giá bán.
Nhìn ở mặt tích cực, ngoài đảm bảo nguồn thịt ổn định, các trang trại heo có thể đem về cho chính quyền địa phương nguồn lợi khác. Một quan chức của quận Bình Cốc cho biết chính quyền đã lập một dự án thu gom chất thải từ các trang trại heo rồi phân phối lại dưới dạng phân bón có thể sử dụng cho các loại cây trồng địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận