Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 13-7 - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, “lời ngỏ” trên được Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đưa ra khi tiếp một phái đoàn Philippines sang Trung Quốc ngày 13-9. Chuyến thăm này nằm trong số nhiều động thái ngoại giao của Manila với Bắc Kinh kể từ sau phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Biển Đông hồi tháng 7 vừa qua.
Cách đây một tháng, cựu tổng thống Philippines, ông Fidel Ramos đến Trung Quốc với vai trò đặc phái viên của Tổng thống Rodrigo Duterte nhằm nối lại các cuộc đàm phán về cải thiện quan hệ giữa hai nước vốn căng thẳng trong nhiều năm qua liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.
Phái đoàn Philippines 16 người đến Trung Quốc lần này bao gồm chủ yếu các nhà ngoại giao đã về hưu và dẫn đầu bởi Rafael Alunan, một người thân cận của ông Fidel Ramos.
Ông Duterte nhiều lần nhắc lại quan điểm ông muốn có hòa bình với Trung Quốc nhưng sẽ không nhượng bộ bất cứ phần nào trong phán quyết chung cuộc của Tòa trọng tài.
Tại cuộc gặp mới nhất, Thứ trưởng Lưu nhấn mạnh quan hệ hai nước “đã rơi xuống mức thấp vì những lý do ai cũng biết”.
“Hiện tại, quan hệ Trung Quốc - Philippines đang ở bước ngoặt mới. Trung Quốc hi vọng có thể cùng Philippines tìm tiếng nói chung, giải quyết các tranh chấp một cách hợp lý và đưa quan hệ trở lại con đường đối thoại và hợp tác hữu nghị” - vị quan chức ngoại giao Trung Quốc bày tỏ.
Động thái “thân thiện” của Bắc Kinh diễn ra đúng thời điểm quan hệ giữa Philippines và đồng minh chính là Mỹ đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định và căng thẳng. Cá nhân ông Duterte khẳng định muốn giữ quan hệ tốt với cả hai đối tác và không chịu lệ thuộc vào nước nào.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc tuần trước bình luận rằng dù quan hệ giữa ông Obama và Duterte có thể không được êm ả nhưng Trung Quốc “không nên có quá nhiều ảo tưởng” về việc quan hệ Philippines - Mỹ bị xấu đi.
Nói về ông Duterte, tờ báo chính thống của chính quyền Trung Quốc cho rằng về lâu dài “không nhất thiết dễ dàng mặc cả với Philippines khi ông này đang nắm quyền”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận