Khách Trung Quốc dự kiến sẽ trở lại Nha Trang trong quý 1-2023 - Ảnh: MINH CHIẾN
Ngày 27-12, tại hội thảo "Hợp tác hàng không - du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu" ở TP Đà Nẵng, ông Khánh cho biết năm 2023 Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, với tổng thu từ du lịch đạt 650.000 tỉ đồng.
Nguồn khách chủ lực
Theo ông Bùi Minh Đăng (Cục Hàng không Việt Nam), lúc trước dịch mỗi tuần có 600 chuyến bay kết nối 48 điểm đến tại Trung Quốc và 5 điểm đến tại Việt Nam. Với lượng khách hằng năm đạt 7,5 triệu lượt, Trung Quốc là thị trường rất quan trọng của ngành du lịch và hàng không Việt Nam.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Vũ Thế Bình, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nói rất vui trước thông tin nói trên và đây là tín hiệu giúp ổn định dòng khách quốc tế bởi Trung Quốc là thị trường khách lớn của Việt Nam và nhiều nước trong khu vực.
Bà Lê Thị Hồng Minh - tổng giám đốc Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh - cho biết du khách Trung Quốc sẽ trở lại Khánh Hòa vào đầu năm 2023. Dự kiến từ ngày 1-1-2023 số chuyến bay sẽ tăng lên trung bình từ 12 - 15 chuyến đi và đến mỗi ngày.
Riêng với thị trường Trung Quốc, hiện Vietjet Air đã có kế hoạch khai thác lại từ ngày 26-3-2023, Vietnam Airlines từ ngày 1-6-2023 và China Southern dự kiến từ ngày 26-3-2023. Nếu đúng như kế hoạch, số chuyến bay từ ngày 26-3-2023 trở đi sẽ đạt mức trung bình từ 60 - 70 chuyến đi và đến mỗi ngày.
"Việc khách Trung Quốc trở lại Khánh Hòa vào quý 1-2023 là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch Khánh Hòa vì trước dịch đây là thị trường lớn và quan trọng của địa phương", bà Minh nói.
Doanh nghiệp đã sẵn sàng
Lĩnh vực dịch vụ, du lịch được kỳ vọng nhiều nhất khi Trung Quốc nới lỏng chống dịch. "Chúng tôi kỳ vọng lượng khách du lịch nước ngoài sẽ đạt trên 50% so với mức trước COVID-19 vào năm 2023, dựa trên giả định lượng khách Trung Quốc sẽ trở lại bình thường vào nửa cuối năm sau.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển gần đây ở Trung Quốc cho thấy lượng khách Trung Quốc có thể phục hồi nhanh hơn. Do đó, khách Trung Quốc có thể đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm tới so với dự kiến hiện tại", báo cáo của Vinacapital nêu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Tấn Thanh Tùng, phó tổng giám đốc Công ty lữ hành Vitraco, cho biết hiện các doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng chào đón dòng khách Trung Quốc trở lại.
Nhìn lại năm 2022, lượng khách quốc tế Việt Nam đón được ở mức 3,5 triệu lượt, chỉ đạt 70% so với kế hoạch đón 5 triệu lượt khách đề ra từ đầu năm. Trong khi đó, Thái Lan ước tính đạt được kế hoạch đón 10 triệu khách quốc tế, Malaysia nỗ lực đạt mục tiêu đón 9,2 triệu khách.
Theo Tổng cục Du lịch, hiện đang cần những cơ chế chính sách đột phá hơn liên quan đến thủ tục nhập cảnh, thị thực, quảng bá xúc tiến du lịch, đồng thời cũng cần tháo gỡ khó khăn vướng mắc và tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp du lịch.
Vẫn thấp thỏm mừng
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán VNDirect, xuất khẩu cao su, gạo, rau quả, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ sang Trung Quốc có thể tích cực từ xu hướng chi phí vận chuyển giảm và nhu cầu tăng. Trong khi ngành dịch vụ, du lịch kỳ vọng sớm phục hồi, chuỗi cung ứng sản xuất hàng điện tử được nhận định cũng sẽ ổn định hơn.
Bà Đức Minh, đại diện Công ty Vạn Xuân Phát - một trong 25 doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc - cho biết đã thống nhất với đối tác Trung Quốc sẽ xem xét việc nối lại đơn hàng sau Tết. Vì thế, việc Trung Quốc nới lỏng kiểm soát dịch từ ngày 8-1 dù là tin vui nhưng không kịp cho thị trường Tết này. "Chúng tôi làm việc với các đối tác Trung Quốc và họ nói cũng cần chờ chính sách sau ngày 8-1 xem mở cửa đến đâu mới kết nối lại đơn hàng. Dù vui nhưng cũng rất hồi hộp", bà Minh nói.
Dù trái cây xuất sang Trung Quốc có dấu hiệu "đứng im" nhưng các gia vị như gừng, sả thì được thu mua rất nhiều. Theo một số thương lái, đây là những mặt hàng có chức năng hỗ trợ hậu COVID-19.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), thời gian qua nhiều nhà cung ứng nguyên vật liệu cho ngành sản xuất gỗ Việt Nam không thể sang Trung Quốc hoặc nếu xuất hàng thì cũng rất chậm. Vì vậy, nếu việc đi lại dễ dàng hơn thì chuỗi cung ứng có thể được nối lại.
Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy cạnh tranh giữa ngành gỗ Trung Quốc và Việt Nam sẽ trở lại. Từ năm 2020, Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu hàng gỗ nội thất lớn nhất sang Mỹ và đang giữ vị thế này khá tốt.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng lưu ý việc Trung Quốc "mở" hơn sẽ khiến cho lạm phát toàn cầu sẽ có nguy cơ tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp khi xây dựng chiến lược cho năm 2023 cần tính kỹ tác động này.
Các hãng chờ Trung Quốc bỏ quota chuyến bay
Từ đầu tháng 12-2022, Vietnam Airlines đã nối lại ba đường bay đến Trung Quốc gồm TP.HCM - Quảng Châu, Hà Nội - Thượng Hải, TP.HCM - Thượng Hải với tần suất 1-2 chuyến/tuần. Tuy nhiên, tần suất bay trở lại giữa hai nước mới là 16 chuyến bay/tuần mỗi bên, quá ít ỏi so với 200 chuyến bay/tuần của năm 2019.
Điểm mới trong chính sách mở cửa của Trung Quốc lần này là khách nhập cảnh chỉ cần test nhanh trong 48 tiếng và không phải cách ly, bỏ quy định chỉ chở 75% số khách trên chuyến bay... Điều các hãng bay chờ đợi nhất lúc này là thông tin từ Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) phản hồi Cục Hàng không Việt Nam về việc có bỏ quota chuyến bay hay không.
Ông Vũ Đức Biên - tổng giám đốc Vietravel Airlines - cho rằng năm 2023 sẽ tốt hơn khi dịch bệnh được kiểm soát, các nước mở cửa nhiều hơn, đặc biệt là giá xăng dầu đang giảm. Nhưng ông thừa nhận Vietravel Airlines chưa thể lên kế hoạch cụ thể về lượng khách vì tình hình còn khá thất thường, như muốn bay mà không có slot hoặc dịch đã giảm nhưng cũng có thể tăng lại, chiến sự Nga - Ukraine vẫn nóng. Trong bối cảnh đó, các hãng chỉ có thể định hướng kế hoạch.
CÔNG TRUNG
Trung Quốc "dỡ rào" Zero COVID
Dữ liệu: BÌNH AN tổng hợp (Tân hoa xã, CnBC...) - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Đầu tuần này, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo sẽ hạ cấp quản lý dịch COVID-19 từ loại A xuống loại B từ ngày 8-1-2023. Theo đó sẽ không còn cách ly người nhập cảnh, bỏ kiểm soát dịch với hàng hóa nhập khẩu…
Không còn "Zero COVID"
Trung Quốc cũng không còn cách ly ca mắc COVID-19, không truy vết người tiếp xúc gần và không xếp loại khu vực nguy cơ cao. Họ sẽ dần nối lại hoạt động vận tải hành khách xuất nhập cảnh qua các cảng, đường bộ và việc đi lại ra nước ngoài một cách có trật tự. COVID-19 cũng sẽ được đổi tên là "bệnh nhiễm virus corona mới", thay vì "viêm phổi do virus corona mới" như trước nay.
Những thay đổi trên diễn ra sau khi Trung Quốc bất ngờ nới lỏng kiểm soát COVID-19 nội địa trong tháng 12, chấm dứt phần lớn các hạn chế nghiêm ngặt nhất đã áp dụng trong gần ba năm qua theo chính sách "Zero COVID" (tách F0 khỏi cộng đồng). Trước đây, kể từ tháng 3-2020, khách đến Trung Quốc phải cách ly, thường là tại khách sạn trong 14 ngày, có lúc tăng lên 21 ngày hoặc nhiều hơn, rồi rút xuống như hiện nay còn 5 ngày tập trung và 3 ngày tại nhà. Nhưng kể từ 8-1-2023 sẽ không cần cách ly nữa.
Vẫn cảnh giác
Trung Quốc quản lý COVID-19 như bệnh loại A từ năm 2020, ngang với dịch hạch và bệnh tả. Giờ đây việc quản lý được hạ xuống loại B nhưng không có nghĩa bỏ hoàn toàn kiểm soát dịch. Hạ xuống mức B có nghĩa việc quản lý COVID-19 thuộc về hệ thống y tế. Nhân viên y tế vẫn cần chẩn đoán, báo cáo và quản lý ca nhiễm, đồng thời cách ly bệnh nhân cũng như người tiếp xúc gần, khử trùng nơi có vi rút.
NHC giải thích Trung Quốc đã đáp ứng các điều kiện phù hợp để hạ cấp quản lý dịch khi độc lực của vi rút suy yếu và phần lớn dân số đã chích ngừa. Nhưng Trung Quốc vẫn sẽ cảnh giác trước COVID-19. Họ khuyên khách quốc tế nên làm xét nghiệm PCR 48 giờ trước khởi hành và vẫn cần đeo khẩu trang trên máy bay.
BẢO ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận