TTCT - Muốn áp thuế 60%, cấm xuất khẩu công nghệ cao, bổ nhiệm những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc vào các vị trí lãnh đạo đối ngoại, ông Trump đang tỏ rõ những dấu hiệu nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông sẽ không dễ dàng cho Bắc Kinh. Ảnh: Reuters Nghĩa Ô, một thành phố ở tỉnh Chiết Giang, đối với nhiều người bình thường không nổi tiếng như Quảng Châu, Thượng Hải hay Thành Đô, nhưng được mệnh danh là "siêu thị của thế giới". Nơi đây là địa điểm nhập hàng ưa thích của giới bán hàng online Việt Nam. Thành phố này nổi tiếng có chợ Nghĩa Ô, nơi được Ngân hàng Thế giới công nhận là khu chợ lớn nhất thế giới với diện tích lên tới 5,5 triệu m2, dài 7km và xuất khẩu đi hơn 200 quốc gia.Nghĩa Ô cũng là nơi mà hãng tin ABC của Úc lấy đặt tên cho một chỉ số (Yiwu Index), khi số lượng đơn đặt hàng có thể phản ánh xu hướng chính trị ở... Mỹ. Chẳng hạn, vài tháng trước bầu cử năm nay có một xu hướng rõ rệt: đơn đặt hàng số lượng lớn hàng hóa, vật phẩm như quần áo, nón, khăn của Đảng Cộng hòa tăng vọt, trong khi hầu như không có dấu hiệu thay đổi về nhu cầu với vật phẩm của Đảng Dân chủ. Từ đó suy ra phe Cộng hòa chắc đang có ưu thế.Sô Donald Trump?Nhưng dấu hiệu đó vừa là niềm vui, vừa là nỗi buồn với giới bán buôn xuất khẩu Trung Quốc. Họ bán được nhiều hàng cho những người ủng hộ ông Donald Trump, nhưng lời đe dọa của ông đòi áp thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ nếu đắc cử (và giờ ông đã đắc cử) lại đe dọa sinh kế của họ."Với tôi, từ đẹp nhất trong từ điển là thuế quan. Đó là từ yêu thích nhất của tôi" là phát biểu của ông Trump, được hãng Reuters trích lại trong cuộc phỏng vấn vào tháng trước ở Câu lạc bộ Kinh tế Chicago. Người vừa đắc cử tổng thống Mỹ ở Trung Quốc được gọi là "quan thuế nhân" do ông cam kết "chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc" bằng cách áp một loạt rào cản thương mại, trong đó cực đoan nhất là thu hồi quy chế tối huệ quốc (MFN) của Trung Quốc. Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan lưỡng đảng như ủy ban chuyên trách của Hạ viện Mỹ về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).Bởi vậy là dễ hiểu khi chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử là chủ đề nóng trên mạng xã hội Trung Quốc tuần vừa rồi. Người dùng mạng Weibo thảo luận về ý nghĩa của chiến thắng đó với mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc và suy đoán về vai trò của Elon Musk trong chính quyền Trump 2.0. Còn trên ứng dụng Xiaohongshu, có gần 950 triệu lượt xem nội dung liên quan đến bầu cử Mỹ, vượt xa số lượng người dùng hằng tháng của Xiaohongshu vốn trung bình khoảng 300 triệu.Khi ông Trump chiến thắng, mạng xã hội Trung Quốc bùng nổ, một cư dân mạng gọi diễn biến này là "mùa 2" như trong các serie phim truyền hình nhiều tập. "Trump tuyên bố chiến thắng" là xu hướng hàng đầu trên Weibo 6-11 - với 510 triệu lượt xem. "Tin chính thức, ông ấy đã trở lại", một người dùng mạng xã hội viết trong bình luận thu hút hơn 15.000 lượt thích. Nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc coi nhiệm kỳ của ông Trump như một sô diễn với nhiều kịch tính bất ngờ."Chỉ cần Trump tham gia, sẽ có kịch tính. Liệu ông ấy có phải là nhà lãnh đạo đủ tư cách hay không thì còn phải tranh cãi, nhưng ông ấy chắc chắn là một nghệ sĩ trình diễn không bao giờ để khán giả nhàm chán", một người dùng mạng xã hội Weibo viết về "mùa thứ hai" của "Trump show".Ảnh: ReutersThái độ chính thứcTừ phía chính quyền Trung Quốc, ngày 6-11, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước này Mao Ninh tuyên bố Trung Quốc tôn trọng lựa chọn của người dân Mỹ trong cuộc bầu cử. Trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo thường kỳ, bà Mao nhấn mạnh chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ là nhất quán và từ chối bình luận về khả năng Washington áp dụng thuế quan bổ sung với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tiếp đó ngày 7-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi điện chúc mừng ông Trump đắc cử. Ông Tập kỳ vọng: "Lịch sử dạy chúng ta rằng hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ mang lại lợi ích cho cả hai bên, trong khi xung đột có hại cho cả hai. Một mối quan hệ Trung - Mỹ ổn định, lành mạnh và bền vững phù hợp với lợi ích chung của hai nước và mong đợi của cộng đồng quốc tế".Chính phủ Trung Quốc hiểu rằng thương hiệu chủ nghĩa dân tộc kinh tế của ông Trump đã vượt qua ranh giới đảng phái ở Mỹ, khi quan điểm chống Trung Quốc nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Cả hai phe nhóm chính trị lớn ở Mỹ đều nhất trí về tầm quan trọng của việc giảm thâm hụt thương mại và giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu Trung Quốc. Sự đồng thuận này đã dẫn đến việc áp rào cản thương mại trong cả chính quyền Trump đầu tiên và chính quyền Biden sắp mãn nhiệm.Ảnh: Reuters"Trung Hoa mộng" và "Nước Mỹ trên hết"Trung Quốc đã từ lâu là công xưởng của thế giới. Họ hiện đang cố gắng định hướng lại nền kinh tế nhắm vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ cao. Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về tấm pin mặt trời, xe điện và pin lithium ion, mà Bắc Kinh gọi là "bộ ba tư liệu sản xuất chất lượng cao mới".Còn chính quyền Trump không giấu giếm ý muốn ngăn chặn các chính sách công nghiệp của Bắc Kinh, vốn đe dọa sự thống trị của Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chip, đồng thời ngăn chặn việc bán một số công ty công nghệ Mỹ cho Trung Quốc. Nhiệm kỳ sắp tới, các chính sách kiểu này của ông được dự báo sẽ còn mạnh tay hơn.Vừa tỏ ra thân thiện vừa thận trọng, bài xã luận mà tờ China Daily của Nhà nước Trung Quốc đăng hôm 6-11 mô tả nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump là "khởi đầu mới" tiềm năng cho "mối quan hệ song phương quan trọng nhất" thế giới. Tuy nhiên, bài báo cũng lưu ý các chính sách và "quan niệm sai lầm" của Mỹ với Trung Quốc vẫn đặt ra những thách thức đáng kể với mối quan hệ song phương.Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã tìm cách đối đầu với Trung Quốc về những gì mà ông gọi là một loạt hành vi lạm dụng kinh tế: trộm cắp sở hữu trí tuệ, thao túng tiền tệ, trợ cấp xuất khẩu và các khoản trợ cấp khác, cũng như gián điệp kinh tế. Ông nói hành động áp thuế là cần thiết để bảo vệ người lao động Mỹ và giảm thâm hụt thương mại song phương. Chính sách hạn chế thương mại rộng lớn hơn trong nhiệm kỳ hai của ông có thể châm ngòi cho một cuộc thương chiến nữa.Bà Bonnie Glaser, giám đốc điều hành Chương trình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Quỹ German Marshall của Mỹ, nói với tờ Newsweek rằng dù bà kỳ vọng tổng thống đắc cử sẽ thực hiện lời hứa khi tranh cử, nhưng "vẫn còn phải xem liệu chúng có thuộc về chiến lược rộng lớn hơn nhằm giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc hay không". Với nhiều người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc, chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu, điều mà họ coi là có lợi cho tham vọng ngoại giao và kinh tế của Trung Quốc.Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Trump có nghiêm túc với quyết định sẽ gây rất nhiều tranh cãi là áp thuế 60% lên hàng nhập khẩu Trung Quốc và từ 10-20% lên các quốc gia khác không. Một động thái như vậy có thể gây tổn hại đáng kể cho chính nền kinh tế Mỹ lẫn vị thế của nước này trong thương mại và ngoại giao toàn cầu, và làm mất lòng một số nhóm lợi ích kinh doanh không hề nhỏ.Truyền thông Trung Quốc vẫn chưa nói gì về đe dọa này và không rõ giới lãnh đạo nước này đang coi mối đe dọa thực sự hay chỉ là chiến thuật đàm phán. Việc loại bỏ quy chế MFN của Trung Quốc sẽ cho phép Mỹ buộc Trung Quốc phải chịu mọi hình thức thuế quan thương mại đơn phương và mang tính phân biệt đối xử và chắc chắn làm xấu đi nghiêm trọng quan hệ Mỹ - Trung cũng như có nguy cơ bị kiện tụng, vì cả Mỹ và Trung Quốc đều là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).■ Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa trước các động thái đó và thời gian qua họ đã thể hiện sự sẵn sàng triển khai các biện pháp đối phó. Gần đây, Trung Quốc đã mở điều tra chống bán phá giá với hóa chất nhập khẩu từ Mỹ, EU, Nhật Bản và Đài Loan, hạn chế xuất khẩu công nghệ cao cấp và áp đặt hạn chế xuất khẩu với các kim loại chính để sản xuất chip.Mục đích đằng sau những hành động này rất rõ ràng: Trung Quốc muốn bảo vệ lợi ích quốc gia, thể hiện mình là "kẻ không dễ bị bắt nạt" và chống lại mọi nỗ lực của Mỹ nhằm gây áp lực qua các biện pháp đơn phương. Tuy nhiên, leo thang căng thẳng thương mại và cạnh tranh công nghệ giữa hai nước sẽ làm xấu đi mối quan hệ Mỹ - Trung vốn đã mong manh.Mỹ cũng dần trở thành điểm đến xuất khẩu ít quan trọng hơn với Trung Quốc kể từ cuộc chiến thương mại đầu tiên, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm từ 18,2% xuống 14,3% tổng xuất khẩu vào năm 2024 tính đến thời điểm hiện tại. Trung Quốc từ bạn hàng lớn nhất của Mỹ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, giờ xuống thành bạn hàng lớn thứ ba, sau Canada và Mexico. Tags: Ông Trump Trung QuốcBắc KinhTổng thống MỹXuất khẩu
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Đổ xăng phóng hỏa làm 11 người chết, nghi can là ai? HỒNG QUANG 19/12/2024 Chính quyền xã Đại Mạch (Đông Anh, Hà Nội) cho biết Cao Văn Hùng không phải người địa phương mà có thời gian qua lại nơi này. Công an cho hay sau khi làm ngọn lửa bùng lên ở quán cà phê, Hùng đã bỏ đi.
Vụ cháy quán cà phê làm 11 người chết ở Hà Nội: Khởi tố nghi phạm đổ xăng phóng hỏa HỒNG QUANG 19/12/2024 Công an Hà Nội đã khởi tố C.V.H. về tội giết người. H. bị tình nghi đốt quán cà phê làm 11 người tử vong tại quận Bắc Từ Liêm vào đêm 18-12.
Tôi từ chối lời tri ân sau khi xem phim Công tử Bạc Liêu PHAN TRUNG NGHĨA 19/12/2024 Lời tòa soạn: Nhà văn Phan Trung Nghĩa, tác giả tập khảo cứu Công tử Bạc Liêu sự thật và giai thoại, gửi cho Tuổi Trẻ những cảm xúc của ông sau khi xem phim Công tử Bạc Liêu.
Vì sao phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam bị kỷ luật vẫn được bổ nhiệm lại? THÂN HOÀNG 19/12/2024 Ông Đặng Xuân Thanh từng bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng và chính quyền, nên việc xem xét, bổ nhiệm lại chức vụ phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đối với ông Đặng Xuân Thanh cũng có các quan điểm, ý kiến khác nhau.