Sau khẩu trang và thiết bị y tế, Trung Quốc đang chuyển sang ngoại giao vắc xin - Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi điện tới cả 3 nước vừa kể, điều mà Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc gọi là "nỗ lực lôi kéo trong vô vọng".
Tờ báo của chính quyền Bắc Kinh cho rằng trong bối cảnh đại dịch như hiện tại, các nước chỉ quan tâm tới vắc xin và Trung Quốc có đủ tiềm lực cho việc đó.
Trong bài viết ngày 18-8, Wall Street Journal (WSJ) cảnh báo Trung Quốc đang biến vấn đề nhân đạo và y tế thành công cụ thúc đẩy chính sách đối ngoại, bao gồm cả việc tìm kiếm sự ủng hộ cho các yêu sách vô lý trên Biển Đông.
Theo tờ báo của Mỹ, hồi đầu tháng này Ngoại trưởng Malaysia đã nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về các cách tăng cường hợp tác vắc xin.
"Cả Bắc Kinh và Washington đều không hứa sẽ giúp Kuala Lumpur tiếp cận sớm với vắc xin, nhưng cả hai đều đang tìm cách tăng cường quan hệ với Malaysia trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông", WSJ nhận định.
Trước đó trong tháng 7, sau khi Mỹ ra tuyên bố lập trường mới về Biển Đông, ông Vương Nghị đã gọi tới Philippines ngay lập tức.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ ưu tiên cung cấp vắc xin cho Manila sau đó ít lâu. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sau đó tiết lộ ông đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bộ Quốc phòng Philippines thì thông báo thừa lệnh của ông Duterte, Philippines sẽ không tập trận với bất kỳ nước nào trên Biển Đông, ngoại trừ trong vùng biển của Philippines.
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép - Ảnh: GOOGLE EARTH
Theo WSJ, Trung Quốc cũng nhắm tới Indonesia, quốc gia không phải là một bên trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng bắt đầu góp nhiều tiếng nói hơn trong vấn đề này. Tập đoàn Sinovac của Trung Quốc đã ký một thỏa thuận cho phép Indonesia sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 ở nước này nhưng không hé lộ chi tiết.
Tờ báo của Mỹ kế đó đặt vấn đề những nước trông chờ vào vắc xin Trung Quốc cần lưu ý Trung Quốc có tới 1,4 tỉ dân cần được tiêm ngừa trước. Đó là chưa kể không gì đảm bảo các vắc xin này an toàn và được cấp phép sau thử nghiệm lâm sàng.
"Các nước sẽ còn phải mất thêm nhiều thời gian nữa mới được tiếp cận vắc xin Trung Quốc", WSJ nêu cảnh báo.
Chuyên gia Gregory B. Poling thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) nhận định khả năng Bắc Kinh dùng vắc xin để ép các nước đổi lấy sự ủng hộ trên Biển Đông là không thể.
"Trung Quốc sẽ không yêu cầu Philippines công nhận các yêu sách Bắc Kinh trên Biển Đông để đổi lấy quyền tiếp cận vắc xin. Có chăng cũng chỉ là một yêu cầu im lặng", ông Poling nêu quan điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận