B-2 Spirit là máy bay ném bom tàng hình chiến lược của quân đội Mỹ - Ảnh: Northrop Grumman
Sử dụng công nghệ cảm biến hình ảnh quang phổ lượng tử, loại vệ tinh do thám mới của Trung Quốc có thể trở thành kẻ thay đổi cuộc chơi "mèo vờn chuột" trong quân sự trong vòng 1 thập kỷ tới.
Theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, có hai cách ngụy trang phổ biến được áp dụng hiện nay trong quân sự, tránh con mắt của vệ tinh. Từ đơn giản như sử dụng bom khói để ẩn giấu xe tăng, binh sĩ trên mặt đất đến phức tạp như các vật liệu hấp thụ sóng radar (hay còn gọi là sơn tàng hình) được quét lên máy bay, tàu chiến.
Tuy nhiên, tất cả những biện pháp này sẽ phải chào thua và trở nên vô giá trị bởi công nghệ mới được gọi là "bóng ma lượng tử" do Trung Quốc phát triển.
Bằng cách kết hợp phát hiện những ánh sáng cực nhỏ đi lạc xung quanh một vật thể mờ ảo và tương tác với các ánh sáng khác trong môi trường để có nhiều thông tin hơn, công nghệ cảm biến bóng ma lượng tử sẽ đạt tới độ nhạy chưa từng có.
Một vệ tình do thám được trang bị công nghệ này sẽ dễ dàng "bắt giò" và theo dõi những thứ không thể quan sát được từ vệ tinh hiện nay, như một chiếc máy bay tàng hình bay vào bay đêm.
B-2 Spirit thường cất cánh vào ban đêm cho các nhiệm vụ bí mật, thời điểm nó có thể tránh được con mắt soi mói của các vệ tinh do thám nước ngoài - Ảnh: AFP
Ông Gong Wenlin - giám đốc nghiên cứu Phòng Thí nghiệm Quang học Lượng tử, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở Thượng Hải, không giấu diếm việc đang phát triển một nguyên mẫu thiết bị sử dụng công nghệ hình ảnh bóng ma lượng tử cho vệ tinh để phát hiện những "mục tiêu không nhìn thấy" như máy bay B-2 của Mỹ.
Dưới sự dẫn dắt bởi nhà vật lý quang phổ lượng tử Han Shensheng, ông Gong nhấn mạnh thiết bị nguyên mẫu sẽ được hoàn thành trong vòng 3 năm nữa, đưa lên vệ tinh thử nghiệm trước năm 2025 và ứng dụng rộng rãi vào năm 2030.
Thực tế, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất biết đến công nghệ này. Phòng thí nghiệm của Gong đang phải chạy đua với Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Quân đội Mỹ đưa vệ tinh có trang bị máy ảnh lượng tử đầu tiên của thế giới lên không gian.
Nhưng các chuyên gia Trung Quốc, chứ không phải người Mỹ, đang tỏ ra đầy tự tin bởi họ là người đầu tiên chứng minh tính khả thi về mặt kỹ thuật của công nghệ bóng ma lượng tử vào năm 2011. Ba năm sau (2014), Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Quân đội Mỹ mới công bố kết quả tương tự.
Chúng tôi đã đả bại họ (người Mỹ) trên mặt đất. Chúng tôi tự tin có thể làm lại điều đó lần nữa trên không gian
Gong Wenlin, giám đốc nghiên cứu Phòng Thí nghiệm Quang học Lượng tử
Các vệ tinh được trang bị cảm biến bóng ma lượng tử sẽ có hai máy ảnh. Một máy ảnh quan sát khu vực mục tiêu với cảm biến, máy ảnh thứ 2 sẽ đo sự biến đổi ánh sáng trong môi trường xung quanh.
Một mục tiêu thông thường sẽ được chiếu sáng bởi các nguồn sáng như mặt trời, mặt trăng hay thậm chí một bóng đèn trên đó. Trong trường hợp cần thiết, vệ tinh có thể bắn một tia laser để làm sáng vật thể và môi trường xung quanh.
Bằng cách phân tích, kết hợp các tín hiệu nhận được bởi hai máy ảnh với một tập hợp các thuật toán tinh vi trong vật lý lượng tử, các nhà khoa học có thể gợi lên hình ảnh của một đối tượng không thể phát hiện trước đây bằng cách thông thường.
Ông Gong nói bóng tối, mây, sương mù và các yếu tố tiêu cực làm giảm khả năng hiển thị sẽ không còn quan trọng.
"Một vệ tinh sử dụng cảm biến hình ảnh bóng ma sẽ tiết lộ nhiều chi tiết hơn vệ tinh radar tiên tiến nhất".
Ông này tự tin rằng loại vệ tình do Trung Quốc phát triển thậm chí có thể phân biệt được cả tính chất vật lý và thành phần hóa học của mục tiêu. Điều đó đồng nghĩa quân đội có thể xác định được những chiếc máy bay đậu trên đường băng có phải là mô hình bơm hơi hay không, hay phát hiện những bệ phóng tên lửa được ngụy trang khéo léo trên mặt đất.
Xiong Jun, giáo sư vật lý học nghiên cứu về quang học lượng tử tại Đại học Bắc Kinh, nói công nghệ cảm biến hình ảnh bóng ma lượng tử có thể trở thành kẻ thay đổi cuộc chơi trong quân sự.
Khoảng 200 nhà khoa học lượng tử đổ về Trung Quốc mỗi năm để chia sẻ những phát hiện của họ trong lĩnh vực này.
Xiong nói vệ tinh sử dụng công nghệ nói trên do Trung Quốc sản xuất sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi trước khi đi vào hoạt động. Nó sẽ cần một cảm biến cực nhạy để có thể phát hiện những thay đổi nhỏ trong một vài nano giây nếu sử dụng nguồn sáng tự nhiên như mặt trời, mặt trăng.
Nếu sử dụng nguồn sáng nhân tạo như laser, luồng sáng này phải cực mạnh để có thể vươn tới mục tiêu chính xác.
Những câu hỏi này có thể tìm được lời giải đáp từ vệ tinh lượng tử đầu tiên và duy nhất trên thế giới do Trung Quốc vận hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận