Tàu sân bay Sơn Đông (CV-17) là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc dựa trên nguyên mẫu là tàu sân bay Liêu Ninh (CV-16) nên có ngoại hình tương tự, chỉ khác số hiệu - Ảnh chụp màn hình
Thời báo Hoàn Cầu và Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc ngày 2-5 dẫn lời ông Gao Xiucheng, phát ngôn viên của hải quân Trung Quốc, xác nhận thông tin tàu Sơn Đông đang ở Biển Đông. Vị này cho biết tàu Sơn Đông đang ở cùng "một nhóm các tàu khác" nhưng không tiết lộ chi tiết.
Ông này kế đó nhấn mạnh tàu sân bay Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động tập trận tương tự trong tương lai, khẳng định đây là các hoạt động "chính đáng" để "bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc" trong khu vực.
"Chúng tôi hi vọng thế giới bên ngoài sẽ nhìn nhận cuộc tập trận của tàu Sơn Đông một cách khách quan và hợp lý", sĩ quan Gao nêu quan điểm của chính quyền Bắc Kinh.
Trung Quốc đã đưa ra các yêu sách hàng hải vô lý trên Biển Đông, bất chấp các phản đối của cộng đồng quốc tế. Phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông đã bác bỏ cơ sở pháp lý cho các yêu sách này. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phớt lờ và tiếp tục leo thang bằng các hoạt động bồi đắp, quân sự hóa những thực thể nhân tạo chiếm đóng phi pháp.
Việc tàu sân bay Sơn Đông xuống Biển Đông diễn ra không lâu sau khi nhóm tàu sân bay Liêu Ninh rời khu vực và trở về cảng nhà ở Thanh Đảo.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy trong thời gian nhóm tàu Liêu Ninh ở Biển Đông (từ ngày 10 đến 25-4), tàu sân bay Sơn Đông hầu như neo đậu tại căn cứ hải quân ở Tam Á thuộc đảo Hải Nam. Ngày 28-4, tàu Sơn Đông rời căn cứ để tiến ra Biển Đông.
Giới quan sát quân sự nhận định việc Trung Quốc liên tục cho tàu sân bay xuống Biển Đông là một hoạt động phô trương sức mạnh.
Động thái diễn ra sau khi đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Tam Á tham dự lễ biên chế 3 tàu chiến cho hạm đội Nam Hải trực chiến Biển Đông hôm 23-4.
Trong số những con tàu được biên chế có tàu khu trục Đại Liên thuộc lớp Type 055. Đây là loại tàu khu trục lớn nhất và mạnh nhất hải quân Trung Quốc, được ví như xương sống của nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc.
Việc phát ngôn viên hải quân Trung Quốc nhấn mạnh tàu Sơn Đông đang trong "một nhóm tàu chiến" rất đáng chú ý. Điều này có thể nhằm khẳng định tàu sân bay thứ hai của Bắc Kinh đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Tàu Sơn Đông được biên chế cho hạm đội Nam Hải trong buổi lễ có sự tham gia của ông Tập Cận Bình vào tháng 12-2019. Con tàu sau đó thường đi biển một mình để kiểm tra các tính năng kỹ chiến thuật trong suốt năm 2020.
Tài khoản Twitter của Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc nhầm lẫn khi lấy hình tàu sân bay Liêu Ninh để nói về hoạt động của tàu Sơn Đông - Ảnh chụp màn hình
Trước các câu hỏi về hoạt động của tàu sân bay Sơn Đông, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt đã nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam về Biển Đông. Theo đó, mọi hoạt động trên biển cần được tiến hành dựa trên cơ sở của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển, tại các vùng biển được xác lập theo công ước.
"Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp, thực hiện mục tiêu, nguyện vọng chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế về việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông", ông Đoàn Khắc Việt khẳng định trong cuộc họp báo ngày 29-4.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận