Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 052D của Trung Quốc được chế tạo hàng loạt. 6 tàu loại này đã được phiên vào biên chế - Ảnh chụp màn hình |
“Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Không thể phủ nhận sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh đang giúp nước này đạt được nhiều ưu thế trong những năm gần đây.
Hai trụ cột chính
Bất kỳ chiến lược nào, nếu muốn đi lâu dài, cần phải có sự đầu tư và nguồn tài chính đảm bảo. Chiến lược Hải dương xanh và tham vọng cường quốc biển của Trung Quốc cũng không ngoại lệ với hai trụ cột chính đang là kinh tế và quân sự.
Tuy nhiên, xét về bề nổi, người ta chỉ thấy được yếu tố kinh tế trong khi quân sự và các ảnh hưởng chiến lược mới là trọng tâm trong tham vọng trở thành cường quốc biển của Trung Quốc.
Tháng 5-2017, hội nghị thượng đỉnh “Sáng kiến Vành đai, con đường” (BRI) khép lại sau 3 ngày diễn ra tại Bắc Kinh với sự hiện diện của gần 30 nguyên thủ các nước. Sự kiện được đánh giá là một thành công lớn, là một trong những nhiệm vụ đối ngoại quan trọng nhất năm của Trung Quốc.
Đúng một tháng sau đó, ngày 20-6, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc và Cục Hải sự Trung Quốc đã công bố "Tầm nhìn hợp tác trên biển trong khuôn khổ BRI”. Bản tuyên bố được xem như phát súng lệnh cho những cam kết của Trung Quốc trong BRI.
Đề xuất 3 tuyến đường kinh tế trên biển, Trung Quốc lấy Biển Đông là xuất phát điểm của 2 tuyến trong số này.
Một thông tin đáng chú ý gần đây cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu đưa binh sĩ tới căn cứ tại Djibouti - quốc gia nhỏ bé án ngữ con đường tiến vào kênh đào Suez.
Bắc Kinh tuyên bố đây chỉ là một căn cứ hậu cần cho các tàu chiến Trung Quốc làm nhiệm vụ quốc tế ở vịnh Eden. Nhưng như báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ, công bố hồi tháng trước, đã cảnh báo Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục xây dựng cái gọi là “căn cứ hậu cần” tại Pakistan hay những nước có quan hệ lợi ích thiết thân với Trung Quốc.
Trong khi những tranh chấp trong khu vực Biển Đông vẫn chưa thật sự được giải quyết, sự hiện diện ngày càng tăng của các tàu chiến Trung Quốc dưới danh nghĩa “bảo vệ tuyến hàng hải huyết mạch” trong tương lai đã là điều được các chuyên gia cảnh báo.
Hãy nhìn vào cảng nước sâu Gwadar của Pakistan được Trung Quốc đầu tư. Hai tàu chiến của Trung Quốc đã được gửi tới khu vực này với danh nghĩa bảo vệ tài sản Trung Quốc. Sắp tới có thể sẽ còn là Sri Lanka, Myanmar và thậm chí là Campuchia - những quốc gia đã mở cửa đón đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.
Tàu khu trục mạnh nhất châu Á Type 055 sẽ sớm gia nhập Hải quân Trung Quốc trong năm tới - Ảnh: Reuters |
Tàu tối tân hơn tàu Mỹ
Trong khi dòng tiền Trung Quốc chảy vào các nước có vị trí chiến lược, Hải quân Trung Quốc đang ngày càng được hiện đại hóa và tăng cường năng lực. Các lớp tàu mới liên tục được phát triển chế tạo và đưa vào biên chế, với tuổi đời trung bình chưa tới 10 năm.
Bốn năm sau khi tàu sân bay đầu tiên tên Liêu Ninh được biên chế, Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay nội địa tự đóng đầu tiên hồi tháng 4 vừa qua.
Vào tháng 6-2017, Type 055 - tàu khu trục được mệnh danh là lớn nhất châu Á, đã được hạ thủy. Con tàu dài 180m, lượng choán nước hơn 10.000 tấn, được lắp radar mảng pha quét điện tử tương tự loại AN/SPY-1D trên các tàu sử dụng hệ thống phòng Aegis của Mỹ.
Type 055 sở hữu năng lực tấn công và phòng thủ mạnh mẽ với 128 ống phóng thẳng đứng (VLS) có thể bắn đi nhiều loại tên lửa khác nhau. Số lượng ống phóng VLS của Type 055 thậm chí còn nhiều hơn tàu tuần dương mạnh nhất hiện nay của Mỹ là lớp Ticonderoga (122 ống phóng)
Sự xuất hiện của Type 055 có thể lấp vào khoảng trống phòng không nhóm tác chiến tàu sân bay theo mô hình của Mỹ. Nhiệm vụ này trước đó được giao cho các tàu khu trục Type 052D.
Lấy tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của Mỹ làm ví dụ so sánh. Hải quân Mỹ cho đến bây giờ vẫn tin dùng lớp tàu được phát triển năm 1991 trong nhiệm vụ hộ tống tàu sân bay, tức gần 26 năm. Trong khi đó, Type 052D - tàu khu trục hiện đại nhất của Trung Quốc, đã bị Type 055 “soán ngôi” chỉ sau 5 năm được phát triển và đưa vào sản xuất hàng loạt.
Trung Quốc hiện đang vận hành ít nhất 6 tàu khu trục Type 052D, trong đó 4 chiếc được biên chế cho Hạm đội Nam Hải hướng ra Biển Đông. Theo kế hoạch, sẽ còn 6 chiếc nữa tiếp tục gia nhập Hải quân Trung Quốc trong năm 2018.
Tính từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên cầm quyền (năm 2013) đến nay, Trung Quốc đã đóng mới và đưa vào biên chế 77 tàu chiến các loại, từ tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đến khinh hạm, tàu hậu cần.
Con số đó chưa bao gồm các tàu đang được thử nghiệm trên biển và sẽ sớm gia nhập hải quân Trung Quốc trong 1, 2 năm tới. Một tốc độ đóng tàu và biến chế nhanh khủng khiếp!
Điều này sẽ không có gì khó hiểu khi nhìn vào quyết tâm của ông Tập muốn biến Trung Quốc trở thành cường quốc biển. Nhưng “quyền lực càng lớn, trách nhiệm càng cao”.
Trong khi cái mộng cường quốc biển của Trung Quốc ngày càng thành hình, người ta vẫn còn đang hoài nghi về cái gọi là “trách nhiệm quốc tế” của Trung Quốc.
Tàu sân bay nội địa tự đóng đầu tiên của Trung Quốc đã được hạ thủy chỉ hơn 2 năm sau khi được xác nhận đang được chế tạo - Ảnh: Reuters |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận