14/12/2017 12:57 GMT+7

Trung Quốc 'điều tra dân số' ở Tân Cương gồm cả thu thập ADN

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Báo cáo của Tổ chức giám sát nhân quyền (HRW) về quy mô chiến dịch thu thập ADN của Trung Quốc tại vùng tự trị Tân Cương một lần nữa khiến người ta đặt ra câu hỏi nghi ngờ về mục đích thật sự.

Trung Quốc điều tra dân số ở Tân Cương gồm cả thu thập ADN  - Ảnh 1.

Một áp phích vẽ trên tường ở Tân Cương có dòng chữ "Ổn định là phước, bất ổn là tai ương" - Ảnh: REUTERS

Tân Cương, một trong hai khu vực nơi người Hán không chiếm đa số, có tiếng là vùng đất bất ổn và chịu sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ từ lâu. Phần lớn dân số tại đây theo đạo Hồi, trong đó tộc người Duy Ngô Nhĩ là nhóm lớn nhất, chiếm khoảng 40% dân số.

Hồi tháng 4, chính quyền Bắc Kinh đã cấm khoảng 10 triệu người theo Hồi giáo ở Tân Cương để râu dài và mạng che mặt nơi công cộng; xe cộ ở Tân Cương bắt buộc phải gắn thiết bị định vị GPS, theo đài CNN.

Một tháng sau đó, theo các tờ báo của Hong Kong, chính quyền trung ương Bắc Kinh bắt đầu triển khai chiến dịch thu thập ADN, dấu vấn tay, quét mống mắt quy mô lớn ở Tân Cương. 

Một quan chức cảnh sát Tân Cương khi đó xác nhận đang mua lô thiết bị trị giá hơn 8 triệu USD để phục vụ cho chiến dịch trên.

Nửa năm trôi qua, mục đích thật sự của chiến dịch trên một lần nữa được đặt câu hỏi trong báo cáo ngày 13-12 của HRW.

Điều tra dân số?

Một tài liệu chính thức của chính quyền Tân Cương xác nhận sự tồn tại của chương trình thu thập ADN các công dân từ 12 đến 65 tuổi ở vùng này, nhấn mạnh nhằm mục đích xác minh và thống kê chính xác dân số Tân Cương.

Những thông tin thu thập được sẽ được kết hợp với sổ hộ khẩu - một chương trình quản lý con người đang gây tranh cãi và ngày càng lộ ra nhiều bất cập tại Trung Quốc, để tạo thành một cơ sở dữ liệu toàn diện.

Cảnh sát sẽ chịu trách nhiệm chụp ảnh, thu thập dấu vân tay, quét mống mắt và các thông tin về địa chỉ cư trú, nhân khẩu. Các cơ quan y tế địa phương sẽ đảm nhiệm việc thu thập ADN và nhóm máu như là một phần trong chương trình "Y tế cho tất cả".

Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói việc tham gia chương trình là tự nguyện. Các quan chức phải "đảm bảo tuyệt đối các quyền lợi hợp pháp của người dân", tài liệu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong một đoạn khác, họ cũng được hướng dẫn "phải đảm bảo rằng các thông tin liên quan tới hộ khẩu của mỗi người phải được rà soát đến từng hộ gia đình, từng ngôi làng; không được bỏ sót bất kỳ ai".

Tính đến cuối tháng 11, theo Tân Hoa xã, tổng cộng 18,8 triệu người đã tham gia chương trình nói trên.

Hay chống khủng bố?

"Những thông tin về nhóm máu nên được gửi tới sở cảnh sát. Các mẫu ADN cũng vậy, nhưng để phục vụ cho việc điều tra", HRW khẳng định trong báo cáo.

Chiến dịch thu thập ADN của Trung Quốc bị tổ chức này chỉ trích là "vi phạm nguyên tắc nhân quyền", cáo buộc nó được thu thập lén lút dưới vỏ bọc "chương trình y tế miễn phí".

Trung Quốc điều tra dân số ở Tân Cương gồm cả thu thập ADN  - Ảnh 2.

Cảnh sát vũ trang Trung Quốc được triển khai tới Tân Cương - Ảnh: REUTERS

Một người dân giấu tên ở Tân Cương thú nhận không thể không tham gia chương trình thu thập bởi việc từ chối sẽ bị gắn mác là "không trung thành về chính trị". Người này khẳng định chẳng có kết quả nào được đưa cho anh ta, bao gồm cả thông tin về nhóm máu, sau khi tham gia.

Theo hãng tin Reuters, dữ liệu của "những cá nhân ưu tiên", thuật ngữ Bắc Kinh sử dụng để chỉ những người có nguy cơ đe dọa an ninh, sẽ được thu thập bất kể độ tuổi.

Sau các cuộc bạo động đẫm máu năm 2009 và 2013, an ninh tại Tân Cương đã được siết chặt ở mức chưa từng có. 

Những bất bình đẳng về xã hội, tôn giáo thường được đem ra lý giải cho các sự vụ trên. Chính quyền Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã có nhiều biện pháp nhằm giải quyết dứt điểm những bất ổn tại Tân Cương, từ cứng rắn đến mềm dẻo.

Ngoài việc tăng cường đầu tư, Bắc Kinh còn tuyên bố đang có kế hoạch biến Tân Cương trở thành một California - bang giàu nhất nước Mỹ, của Trung Quốc. Các quan chức và binh sĩ người Hán ở Tân Cương được dạy tiếng Duy Ngô Nhĩ và các bài hát của những dân tộc thiểu số như một biện pháp xây dựng lòng tin.

Mặc dù vậy, việc thu thập ADN vẫn bị chỉ trích là vi phạm quyền con người.

"Bắc Kinh nghĩ họ có thể đạt được sự ổn định xã hội bằng cách đặt con người ta dưới kính hiển vi, nhưng những chương trình như vậy chỉ càng khiến người Tân Cương có thái độ bất mãn với chính quyền", bà Sophie Richardson, giám đốc phụ trách Trung Quốc của HRW nhấn mạnh.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên