19/09/2016 16:44 GMT+7

TQ đẩy mạnh du lịch Biển Đông để giành "ưu thế chủ quyền"

TRƯỜNG SƠN
TRƯỜNG SƠN

TTO - Nhiều công ty du lịch nhà nước của Trung Quốc cố tình đẩy mạnh du lịch ra các đảo đá Bắc Kinh chiếm đóng bất hợp pháp để vừa tạo ưu thế chủ quyền vừa kích động tinh thần dân tộc.

Du khách Trung Quốc tại sân bay Côn Minh - Ảnh: Reuters

Cô Xue Gong, nhà phân tích chuyên về Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) khẳng định ngành du lịch Trung Quốc, mà cụ thể là các lữ hành nhà nước, đang khai thác căng thẳng trên Biển Đông để làm ăn và phục vụ cho lợi ích của Bắc Kinh.

Viết trên tờ South China Morning Post‎ (Hong Kong) sáng nay 19-9, cô Xue cho rằng các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc phải đóng cả hai vai trong hoạt động kinh doanh của mình: vừa lo làm ăn kiếm doanh thu, vừa phải giúp nhà nước đạt các mục tiêu về chính trị xã hội.

Để hoàn thành nhiệm vụ kép này, các công ty lữ hành của nhà nước sẽ tổ chức các tour du lịch “yêu nước” đến Biển Đông để tăng sự hiện diện của thành phần dân sự trên vùng biển có tranh chấp, theo nữ chuyên gia.

“Việc hoạt động dân sự tại các vùng có tranh chấp gần như đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc - tác giả Xue viết - Các nhà hoạt định chính sách Bắc Kinh tin rằng sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước ở Biển Đông sẽ củng cố các tuyên bố chủ quyền hàng hải của nước này ở đó”.

Nhà phân tích này cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục khuyến khích các hãng lữ hành quốc doanh tổ chức tour đến Biển Đông, ngay cả sau khi Tòa Trọng tài thường trực thông báo phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngày 13-7, chỉ một ngày sau phán quyết của Tòa Trọng tài, hai máy bay thuê chuyến của China Southern Airlines và Hainan Airlines (đều là hãng hàng không nhà nước) lần lượt hạ cánh xuống Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hai chuyến bay đều khởi hành từ Hải Khẩu, thủ phủ của tỉnh Hải Nam (Trung Quốc).

Cô Xue dẫn lời các chuyên gia tại Trung Quốc cho rằng từ hai chuyến bay trên, Bắc Kinh có lẽ sẽ sớm công bố kế hoạch khai thác các tài nguyên du lịch từ các đảo nhân tạo mà nước này đã bồi đắp ở Biển Đông.

Du lịch ở vùng biển tranh chấp là “yêu nước”

Thực tế, Trung Quốc đã bắt đầu khai thác du lịch ở quần đảo Hoàng Sa trong gần 5 năm qua, bởi theo lời các chuyên gia, “(Bắc Kinh) tin rằng thúc đẩy hoạt động du lịch sẽ củng cố chủ quyền và quyền lợi của Trung Quốc trên Biển Đông”.

Hiện đã có hơn 10.000 du khách Trung Quốc từng đến Hoàng Sa, và họ được xem là “những người yêu nước”. Các hãng lữ hành Trung Quốc đã tranh thủ cài cắm tinh thần dân tộc vào chương trình du lịch đến Biển Đông thông qua các hoạt động nhưng cắm cờ hoặc tổ chức tuyên thệ trên các đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Những “tour du lịch yêu nước” như vậy vẫn luôn được công chúng Trung Quốc đón nhận, và mức độ ủng hộ thậm chí còn tăng cao sau khi có phán quyết của tòa ở The Hague. Lý do có thể đoán được: Trung Quốc không thừa nhận phán quyết của tòa Trọng tài ở Biển Đông, thì việc người dân nước này đến du lịch ở các vùng biển tranh chấp cũng xem như một cách bày tỏ lòng yêu nước, ủng hộ chính sách và quan điểm của Bắc Kinh vậy.

Theo đà đó, ngày càng có nhiều công ty du lịch nhà nước Trung Quốc tỏ ra quan tâm đến tài nguyên du lịch ở Biển Đông. Tháng 4 năm nay, công ty China Cosco Shipping Corporation thành lập hãng tàu du lịch mới với hai đối tác là doanh nghiệp nhà nước, China Travel Service Group và China Communications and Constructions Corp. Hãng tàu mới thành lập này dự kiến sẽ tìm kiếm cơ hội đưa du khách đến các đảo trải dài từ Hoàng Sa đến đảo Đài Loan và thậm chí các đảo khác thuộc các quốc gia trong khu vực.

Các điểm đến này sẽ được quảng bá như một phần của tour du lịch văn hóa “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc. Chủ tịch Cosco, ông Xu Lirong, từng nói trong một buổi triển lãm du lịch hàng hải ở Trung Quốc rằng “vận hành việc kinh doanh dọc theo sáng kiến “Một vành đai, một con đường” là trách nhiệm của mọi doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc”.

Ông Xu cũng tuyên bố rõ tổ chức đưa du khách đến Biển Đông là một phần trong chiến lược phát triển của Cosco.

Có thể thấy, cung cách lấn tới bằng mọi phương tiện, phương cách của Trung Quốc nhằm chiếm đoạt Biển Đông đã thể hiện kiểu hành xử bất chấp lý lẽ, luật pháp mà cả cộng đồng quốc tế lên án trong thời gian qua.

TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên