Sáng 5-3, kỳ họp thứ 2 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc khóa 14 khai mạc tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các lãnh đạo khác đã dự phiên khai mạc, theo Tân Hoa xã.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đọc báo cáo công tác tại phiên họp này. Ông Lý cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% cho năm 2024, khi nước này nỗ lực chuyển đổi mô hình phát triển, giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực bất động sản, cắt giảm các khoản chi tiêu hoang phí của chính quyền địa phương...
Ông Lý giải thích khi đặt mục tiêu tăng trưởng trên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc "đã tính đến nhu cầu tăng việc làm và thu nhập cũng như ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro". Ông cho biết thêm Bắc Kinh dự kiến có lập trường tài chính "chủ động" và chính sách tiền tệ "thận trọng".
Theo Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), các nhà phân tích chỉ ra mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% đồng nghĩa nền kinh tế Trung Quốc sẽ là một trong những nền kinh tế lớn có mức tăng trưởng nhanh nhất và đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng toàn cầu.
Họ nhận định mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng Trung Quốc vẫn có nhiều công cụ chính sách để đảm bảo đạt được mục tiêu này vào cuối năm 2024.
Trong khi đó, Hãng tin Reuters (Anh) nhận định mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay tương tự mục tiêu đặt ra năm ngoái, nhưng đòi hỏi Chính phủ Trung Quốc phải "kích thích mạnh mẽ hơn" để đạt được.
Năm 2023, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt mức tăng trưởng GDP 5,2% cho cả năm, đáp ứng mục tiêu đặt ra trước đó của Chính phủ là khoảng 5%.
Theo báo Financial Times (Anh), các nhà phân tích cũng cảnh báo việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay sẽ khó hơn so với năm 2023.
Trung Quốc cần có nhiều biện pháp kích thích hơn để thúc đẩy tăng trưởng.
Quá trình phục hồi chậm chạp hậu đại dịch COVID-19 trong năm qua đã bộc lộ sự mất cân bằng cơ cấu sâu sắc của Trung Quốc, từ mức tiêu dùng yếu của các hộ gia đình cho đến lợi tức đầu tư ngày càng thấp. Điều này làm dấy lên những lời kêu gọi về việc cần có một mô hình phát triển mới.
Cuộc khủng hoảng bất động sản, tình trạng giảm phát, thị trường chứng khoán sụt giảm, cùng các khoản nợ ngày càng tăng của chính quyền địa phương đã làm tăng áp lực lên giới lãnh đạo Trung Quốc.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nói: "Chúng ta không nên mất tập trung với những tình huống xấu nhất và cần chuẩn bị tốt cho mọi rủi ro và thách thức.
Đặc biệt, chúng ta phải thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, điều chỉnh cơ cấu, cải thiện chất lượng và nâng cao hiệu quả".
Hiện không có thông tin chi tiết về những thay đổi mà Trung Quốc dự định thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận