21/07/2020 15:54 GMT+7

Trung Quốc đang trải qua trận lũ 'một lần trong một thế kỷ'

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Trận lũ lụt nghiêm trọng nhất thế giới xảy ra ở sông Trường Giang và sông Hoài vào năm 1931. Giới chuyên gia cho rằng giai đoạn nguy hiểm nhất của đợt lũ tại Trung Quốc có thể diễn ra cuối tháng 7 và đầu tháng 8.

Trung Quốc đang trải qua trận lũ một lần trong một thế kỷ - Ảnh 1.

Cảnh sát sơ tán trẻ em trong dòng nước lũ ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy hôm 20-7 - Ảnh: China Daily

Đài Channel News Asia (Singapore) ngày 21-7 đăng một bài bình luận về tình hình lũ lụt tại Trung Quốc với tiêu đề: "Trung Quốc vật lộn với những trận lũ 'một lần trong một thế kỷ' mà có thể là điều bình thường mới".

Kể từ đầu tháng 6, mực nước trên 433 con sông ở Trung Quốc đã chạm ngưỡng nguy hiểm, trong đó có 33 con sông có mực nước cao lịch sử. 

Tính tới giữa tháng 7, gần 38 triệu dân ở 27 khu vực cấp tỉnh đã bị ảnh hưởng với 141 người thiệt mạng hoặc mất tích. Và những con số này được đánh giá chắc chắn sẽ tiếp tục tăng.

Bộ Quản lý khẩn cấp Trung Quốc hôm 9-7 cho biết ước tính 1,72 triệu người đã được sơ tán, 22.000 căn nhà đổ sập và thiệt hại kinh tế trực tiếp ước tính lên tới 8,81 tỉ USD. 

Đến 3 ngày sau, có 2,25 triệu người đã được sơ tán, 1,26 triệu người cần hỗ trợ khẩn cấp, 209.000ha hoa màu bị tàn phá và thiệt hại kinh tế trực tiếp tăng gần 30% lên 11,75 tỉ USD.

Lịch sử lũ lụt từ lâu ở Trung Quốc

Ở cạnh các con sông lớn, Trung Quốc từ lâu đã thường xuyên hứng chịu lũ lụt. Ở Trung Quốc thời cổ đại, cách đây khoảng 4.000 năm, Hạ Vũ - một vị vua huyền thoại ở Trung Quốc và là người lập ra nhà Hạ - nổi tiếng về trị thủy, chống lũ lụt trên sông Hoàng Hà và cứu mạng của bá tánh.

Hoàng Hà là con sông lớn thứ hai ở Trung Quốc sau Trường Giang (hay còn gọi là sông Dương Tử), và là con sông lớn thứ sáu trên thế giới. Kể từ tháng 6, lũ đã ảnh hưởng nặng đến lưu vực sông Trường Giang và mưa lớn đang chuyển về miền bắc, nơi có sông Hoàng Hà.

Trong số 10 trận lũ lớn nhất khắp thế giới trong suốt 100 năm qua, có 7 trận lũ xảy ra ở Trung Quốc. Trong đó có 5 trận lũ ở sông Trường Giang (vào các năm 1911, 1931, 1935, 1954, 1998) và 2 trận lũ ở sông Hoàng Hà (vào các năm 1887 và 1938). 

Trận lũ lụt nghiêm trọng nhất thế giới xảy ra ở sông Trường Giang và sông Hoài (một con sông lớn khác ở miền đông Trung Quốc với chiều dài khoảng 1.000km) vào năm 1931. Sau khoảng 2 năm hạn hán nghiêm trọng, mưa lớn ở lưu vực sông Trường Giang đã dẫn tới trận lũ này. 

Hơn 2 triệu người đã thiệt mạng do trận lũ này, kéo theo sau đó là dịch bệnh và tình trạng thiếu ăn. Ước tính khoảng 40% trong số người bị ảnh hưởng phải rời bỏ nhà cửa của họ.

Không thể phủ nhận lũ là một trong những thảm họa đáng sợ và có sức phá hủy lớn nhất của tự nhiên. Trong giai đoạn 1995-2015, có khoảng 3.000 trận lũ lụt khắp thế giới, ảnh hưởng tới gần 2,3 tỉ người. Từ năm 1980, lũ gây thiệt hại kinh tế toàn cầu hơn 1.000 tỉ USD.

Trung Quốc đang trải qua trận lũ một lần trong một thế kỷ - Ảnh 2.

Ảnh chụp hôm 19-7 cho thấy nước lũ được xả từ đập thủy điện Tam Hiệp chắn ngang sông Trường Giang. Lưu lượng nước đổ về hồ chứa Tam Hiệp vào lúc 8h sáng 18-7 đã lập đỉnh mới với 61.000m3/giây và kéo dài trong 18 giờ - Ảnh: Tân Hoa xã

Chuyên gia cảnh báo giai đoạn nguy hiểm nhất của đợt lũ tại Trung Quốc

Trong bài bình luận đăng trên Channel News Asia, giáo sư Asit K Biswas (Đại học Glasgow ở Anh) và tiến sĩ Cecilia Tortajada (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học quốc gia Singapore) cho rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết thất thường hơn, những quốc gia như Trung Quốc cần phải chuẩn bị nhiều hơn để ứng phó với lũ lụt như vậy.

Trận lũ mới nhất đã cho thấy hậu quả nghiêm trọng ra sao. Chỉ trong vòng một tuần qua, 4 thành phố gồm Hàm Ninh và Kinh Châu (tỉnh Hồ Bắc), Nam Xương và Thượng Nhiêu (tỉnh Giang Tây) phải ban bố mức cảnh báo cao nhất. Chỉ riêng tỉnh Giang Tây, có 5,5 triệu người đã bị ảnh hưởng. Gần 500.000 người phải sơ tán tính đến hôm 13-7.

Các chuyên gia cho rằng giai đoạn nguy hiểm nhất của đợt lũ lụt tại Trung Quốc năm nay có thể còn nằm ở phía trước. Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy các trận lũ lớn thường nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc trong khoảng cuối tháng 7 tới giữa tháng 8.

Trận lũ mới nhất gần như đã đạt đến quy mô của trận lũ lịch sử ở khu vực trung lưu và hạ lưu sông Trường Giang vào năm 1998. Lũ lụt vào năm đó đã ảnh hưởng đến hơn 180 triệu người và khiến 13 triệu ngôi nhà bị hư hại.

Giới chuyên gia cho rằng cùng với việc tăng cường hoạt động nhân đạo và cứu trợ thiên tai, Trung Quốc phải đẩy nhanh kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững để giảm thiểu ảnh hưởng của lũ lụt. Cùng với đó, phải kết hợp với các hệ thống cảnh báo sớm và hệ thống sơ tán hiệu quả khi thảm họa ập tới.

Một vấn đề lớn mà Trung Quốc cũng như phần còn lại của thế giới đối mặt hiện nay là làm thế nào để xác định cường độ và thời gian tình trạng lũ lụt cực đoan có thể xảy ra trong tương lai do biến đổi khí hậu. 

"Có một điều rõ ràng: Đã đến lúc các thành phố lớn ở Trung Quốc và trên toàn thế giới bắt đầu lên kế hoạch bảo vệ người dân khỏi những trận lũ lụt nghiêm trọng có thể xảy ra trong những thập niên tới, bằng cách kết hợp sáng suốt cơ sở hạ tầng và các chính sách xanh", bài bình luận kết lại.

Nước hồ chứa đập Tam Hiệp cao kỷ lục, 500 di tích văn hóa ở Trung Quốc bị hư hại Nước hồ chứa đập Tam Hiệp cao kỷ lục, 500 di tích văn hóa ở Trung Quốc bị hư hại

TTO - Mực nước tại hồ chứa đập Tam Hiệp đã đạt 164,18 mét, mức cao kỷ lục trong suốt mùa lũ kể từ lúc con đập này được xây dựng. Hơn 500 di tích văn hóa, từ cầu cho tới tường thành cổ, bị hư hại ở 11 khu vực cấp tỉnh.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên