Hội thảo “Biển Đông: hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” tại Vũng Tàu, ngày 23-11 - Ảnh: Đông Hà |
Hôm qua 23-11, Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần VII tại Vũng Tàu kết thúc ngày làm việc đầu tiên với nhiều nội dung quan trọng. Đặc biệt, phần nêu quan điểm của đại biểu đến từ Trung Quốc khiến nhiều đại biểu phản bác.
Ông Đặng Đình Quý, giám đốc Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam đã mở màn hội nghị trước hàng trăm học giả và quan khách bằng lời nhận định ẩn dụ đầy thẳng thắn: “Năm 2015, Biển Đông không có những cơn bão lớn nhưng sóng ngầm vẫn cuồn cuộn”!
Nguy cơ này, theo ông Quý, đe dọa không chỉ một trong những huyết mạch giao thông trên biển quan trọng hàng đầu của thế giới mà còn đến tính mạng và công cuộc mưu sinh của hàng triệu ngư dân đánh bắt trên Biển Đông.
Trung Quốc dùng toàn những mỹ từ khi nói về vấn đề Biển Đông như “lưỡng lợi”, “hòa bình”, tuy nhiên Bắc Kinh đồng thời cũng tuyên bố rằng chủ quyền của nước này tại khu vực này là không thể tranh cãi |
GS NGUYỄN MẠNH HÙNG |
Trung Quốc: gốc rễ của các căng thẳng trên biển Đông
Tại hội nghị, GS Brahma Chellaney, Trung tâm Nghiên cứu chính sách New Delhi (Ấn Độ), quan ngại rằng vùng nước Biển Đông với nhiều tuyến hàng hải đông đúc đang đứng trước rủi ro xảy ra những va chạm nghiêm trọng.
Theo ông, gốc rễ của những căng thẳng gần đây xuất phát từ sự thay đổi đơn phương thực trạng hàng hải và lãnh thổ.
“Trung Quốc đang thách thức các trật tự trên Biển Đông” - ông Chellaney nhấn mạnh. Ông cho rằng cần có cái nhìn hệ thống và chiến lược cho Biển Đông, nhấn mạnh rằng tự do hàng hải chỉ có thể được bảo đảm bằng luật pháp.
Hầu hết các học giả tại hội nghị đều đồng tình cho rằng hành động của Bắc Kinh đang dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng nguyên trạng trên Biển Đông.
Trong khi đó, đại tá Sukjoon Yoon, nghiên cứu viên cao cấp Viện Chiến lược biển Hàn Quốc, nhận định Biển Đông đang chìm trong định kiến và thiếu niềm tin.
Theo ông, điều may mắn là cho đến nay khu vực chưa có dấu hiệu đối đầu quân sự và các nước vẫn sẵn sàng thương thảo.
Nhưng giáo sư Liselotte Odgaard, thuộc Học viện Quốc phòng hoàng gia Đan Mạch, cho rằng dù các nước vẫn tránh đối đầu nhưng chiến lược răn đe của Trung Quốc vẫn đáng lo ngại.
Trả lời Tuổi Trẻ, GS Odgaard cho rằng vẫn còn quá sớm để có thể nói về kết quả vụ kiện Trung Quốc mà Philippines đang theo đuổi trước Tòa trọng tài thường trực.
Bà cũng lưu ý rằng ngay từ đầu Bắc Kinh đã “phủi” cách tiếp cận vấn đề này, cho rằng nó vô giá trị, tất nhiên mọi việc còn tùy thuộc vào việc Philippines muốn đạt được điều gì thông qua vụ kiện.
Việc Mỹ đang can dự sâu hơn vào Biển Đông, theo GS Odgaard, chỉ chứng tỏ một điều là Washington có một mối quan tâm riêng.
Chia sẻ quan điểm với bà Odgaard, ông Anton Tsvetov - trưởng ban quan hệ truyền thông và chính phủ thuộc Ủy ban các vấn đề quốc tế Nga - khuyên các quốc gia trong khu vực nên thận trọng trước phản ứng của Trung Quốc gây ra do sự có mặt của Mỹ.
TS Đặng Đình Quý, giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam (trái), trao đổi với TS Thẩm Đinh Lập (Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế, Đại học Phúc Đán, Trung Quốc) bên lề hội thảo - Ảnh: Đông Hà |
Quan điểm lạc lõng của học giả Trung Quốc
Bên cạnh những ý kiến khách quan của các học giả quốc tế, hội nghị đặc biệt quan tâm đến phần trình bày quan điểm của các học giả Trung Quốc, những người có tiếng nói nhất định góp phần định hình chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
TS Thẩm Đinh Lập, phó giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế (Đại học Phúc Đán, Trung Quốc), tuyên bố rằng Trung Quốc đang trở thành một cường quốc với sức ảnh hưởng của Bắc Kinh trên thế giới tăng gấp nhiều lần.
Ông Thẩm nói rằng thế giới lên án Trung Quốc tôn tạo đảo trên Biển Đông là phạm luật nhưng tự ngụy biện cho rằng “những người bạn của chúng tôi cũng đang phạm luật” và chỉ ra Việt Nam, Philippines... cũng có nhiều tiền đồn trên Biển Đông.
“Trung Quốc làm muộn hơn nhưng chỉ là làm nhanh hơn” - ông Thẩm lập luận.
Ông Thẩm thừa nhận Trung Quốc và Việt Nam có những đụng độ trong thời gian qua nhưng các đụng độ mang tính chất khác nhau. Ông cho rằng đàm phán song phương là điều quan trọng để hiểu nhau trước khi bắt đầu đàm phán đa phương.
“Đặng Tiểu Bình từng tuyên bố Trung Quốc không bao giờ theo đuổi bá quyền và Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi bá quyền ngoại trừ nhu cầu hạn chế về quốc phòng” - ông Thẩm khẳng định, đồng thời cáo buộc Mỹ mới chính là quốc gia theo đuổi bá quyền trên biển lẫn trên không tại Biển Đông.
Tuy nhiên, lập luận của ông Thẩm bị nhiều chuyên gia tham dự hội nghị coi là chiêu tung hỏa mù. “Lập luận đúng kiểu Trung Quốc, tôi chẳng lấy làm lạ” - GS Brahma Chellaney ngao ngán nói.
Trả lời Tuổi Trẻ, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nghiên cứu viên ISEAS - Viện Yusof Ishak (Singapore), cho rằng các lập luận của ông Thẩm bảo vệ các lập trường cố hữu của Trung Quốc, Bắc Kinh đề nghị các bên nên nhân nhượng khi đàm phán, tuy nhiên Bắc Kinh vẫn giữ quan điểm cũ rằng phải đàm phán song phương trước rồi mới đa phương.
“Khi mọi người yêu cầu Trung Quốc giải thích thì Bắc Kinh cố tình không giải thích. Trung Quốc chỉ tuyên bố rằng các đảo trên Biển Đông là của Trung Quốc nhưng vấn đề là các đảo đó rồi sẽ mở rộng đến đâu, rồi những đường đặc quyền kinh tế EEZ sẽ đi đến đâu” - GS Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.
Một chuyên gia Việt Nam tham dự hội nghị cũng nhận định lập luận “các nước làm được thì Trung Quốc làm được” mà ông Thẩm đưa ra là lấp liếm bởi điều quan trọng là quy mô xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông lớn và nhanh hơn rất nhiều các nước khác.
* Tiến sĩ Jay Batongbacal (giám đốc Viện các vấn đề về biển và luật biển, Đại học Philippines): Philippines đang tự tin trong vụ kiện Trung Quốc Nói về vụ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, TS Jay Batongbacal tỏ ra lạc quan về kết quả vụ kiện. Ông khẳng định vụ kiện của Manila nhận được sự ủng hộ của nhân dân và các cơ quan lập pháp. Ông cho biết Philippines sẽ không trình bày bằng chứng mới tại phiên điều trần tiếp theo mà sẽ tập trung làm rõ các luận điểm đã trình bày. Nói về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Philippines mới được ký kết gần đây, ông nói Philippines và Việt Nam có mối quan hệ hữu hảo từ lâu. “Nội dung của thỏa thuận vẫn chưa được công bố nhưng một số báo cáo cho biết một phần lớn của thỏa thuận sẽ bao gồm những điều hai nước có thể làm cho nhau trên Biển Đông” - ông tiết lộ. * Ông Anton Tsvetov (trưởng ban quan hệ truyền thông và chính phủ thuộc Ủy ban các vấn đề quốc tế Nga): Nga chưa sẵn sàng tham gia vào Biển Đông Tôi cho rằng Nga trước mắt vẫn chưa có vai trò gì đáng kể tại Biển Đông, điều này có liên quan đến những rào cản khách quan lẫn chủ quan. Về khách quan, hiện nay Nga đang tốn rất nhiều nguồn lực cho khu vực Trung Đông nên không thể tham gia tích cực tại Đông Nam Á. Mặt khác, Nga ngoài việc kêu gọi các bên không leo thang xung đột vẫn giữ lập trường trung lập trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Matxcơva chưa có chính sách cụ thể để phản ứng trước những thay đổi về chính sách của các nước, trong đó bao gồm hoạt động xây dựng và bồi đắp các đảo, bãi cạn trên Biển Đông. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận