TTCT - Nhiều người cho rằng nước Mỹ sẽ chống chọi được mối đe dọa chênh lệch cán cân thương mại với Trung Quốc, như họ từng làm được với Nhật Bản hay Mexico. Và Donald Trump đã tận dụng tối đa nỗi sợ hãi đó. Ngay cả chiếc nón “Khiến nước Mỹ lại tuyệt vời” của ông Trump cũng "Made in China"-hostkansas.com “Made in China”Khi hàng nhập khẩu từ Nhật, Mexico và các nền kinh tế con hổ châu Á như Đài Loan tràn vào Mỹ, nhiều thành phố và thị trấn đã thích nghi được. Nhưng với Trung Quốc lại khác. Quốc gia 1,3 tỉ dân đã duy trì xuất siêu sang Mỹ một thời gian dài và giờ là thế lực thương mại lớn thứ hai thế giới, một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất với nền kinh tế Mỹ, vượt xa bất kỳ sự phỏng đoán của chuyên gia kinh tế hay nhà hoạch định chính sách Mỹ nào. Không như với các thách thức trước đó, lần này lực lượng lao động Mỹ đã thích nghi chậm hơn nhiều.Vấn đề đó đã len lỏi vào chính trường và tạo ra sự bất bình về chính trị sâu sắc trong kỳ bầu cử năm nay. Mộng toàn cầu hóa vỡ tan đã tạo ra một trong những mùa bầu cử phi truyền thống nhất trong lịch sử hiện đại, với ứng viên Bernie Sanders và đặc biệt là Donald Trump khai thác tối đa tâm lý chống thương mại tự do. Họ chỉ trích Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (Nafta) năm 1994 là nguồn gốc của cơn lốc hàng nhập khẩu từ Mexico tràn qua. Dù thời đó, như các nhà kinh tế hiện nay xác nhận, thủ phạm thật sự là Trung Quốc. Nhiều nhà máy Mỹ đã chuyển tới Mexico để cạnh tranh về giá với Trung Quốc. Một số nhà máy mới ở Mexico đã giúp Mỹ có thêm việc làm. Ví dụ, vải vóc từ Mỹ được làm thành quần áo ở Mexico và được các công ty Mỹ bán trên toàn cầu. David Autor, nhà kinh tế ở Viện Công nghệ Massachusetts, gọi nền kinh tế Trung Quốc là “500 tấn đá cuội xếp trên gờ tường”. Tới một thời điểm, đống đá đó sẽ đổ lên đầu nước Mỹ nhưng chỉ không biết là khi nào, ông nói.Các nhà kinh tế từ lâu lập luận rằng trong khi tự do thương mại tạo ra kẻ thắng người thua, kết quả vẫn là có lợi cho Mỹ khi người tiêu dùng Mỹ được mua hàng hóa giá rẻ và các công ty Mỹ có cơ hội thâm nhập các thị trường thế giới. Nhưng Trung Quốc đã làm đảo ngược rất nhiều suy nghĩ tưởng chừng là đúng này. Trên toàn thế giới, không nước nào sánh được với Trung Quốc về dân số trong độ tuổi lao động, mức lương thấp, đồng tiền rẻ, sự ủng hộ của chính phủ và lợi nhuận sản xuất lớn. Tỉ lệ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trên tổng sản lượng kinh tế Mỹ đã tăng gấp đôi trong bốn năm, kể từ khi Trung Quốc tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001. Mexico mất 12 năm để làm điều tương tự sau Nafta. Nhật Bản cũng mất lâu như thế sau khi trở thành nước cung cấp hàng hóa chính cho Mỹ năm 1974. Nhưng năm ngoái, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã tương đương 2,7% hàng sản xuất nội địa của Mỹ, lớn hơn so với kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ của Nhật và Mexico.Hàng nhập khẩu Nhật Bản sau năm 1974 từng thách thức một số ít ngành nghề sản xuất tiên tiến của Mỹ, chủ yếu là xe hơi, sắt thép và điện gia dụng. Còn hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc không chỉ là vài lĩnh vực. Gần như mọi ngành nghề và cơ sở sản xuất ở Mỹ đều trực tiếp hoặc gián tiếp đối mặt với “thách thức Trung Quốc”. “Nếu bạn khuyến khích Trung Quốc giao dịch thương mại thì cần các chính sách nội địa sẵn sàng để hạn chế tối đa ảnh hưởng sau đó” - Gordon Hanson, giáo sư kinh tế ĐH California (San Diego), nói. Ông cho rằng thiếu các chính sách đó là “sai lầm thảm họa”. Nhóm kinh tế gia gồm Hanson và Autor ước tính cạnh tranh từ Trung Quốc đã khiến nước Mỹ mất 2,4 triệu việc làm giai đoạn 1999-2011.Từ những năm 2000, các cơ quan dân biểu địa phương, nơi trực tiếp chứng kiến “thách thức Trung Quốc”, đã nhanh chóng trở nên chia rẽ. Các ứng viên có quan điểm đối chọi gay gắt thay thế trào lưu ôn hòa. Năm nay, trong cuộc chạy đua bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa, ông Trump giành chiến thắng tại 89/100 hạt bị ảnh hưởng nhiều nhất từ sự cạnh tranh Trung Quốc, theo một phân tích của The Wall Street Journal. Ông Sanders cũng chiến thắng trong cuộc bầu sơ bộ của phe Dân chủ tại 64/100 hạt bị ảnh hưởng nhiều nhất ở bắc và tây Trung Mỹ.Các chính sách Mỹ ứng phó với sự mở rộng thương mại có bàn tay nhà nước hỗ trợ của Trung Quốc đã thất bại.Nền kinh tế bị cắt động mạchTrong những đợt hàng nhập khẩu nước ngoài tràn vào Mỹ trước đây, các thành phố, giới chủ và cả người lao động Mỹ đã đối phó bằng cách thay đổi chính mình, cải thiện năng suất, áp dụng công nghệ và tìm kiếm những hướng ra mới. Detroit phục hồi sau cuộc chiến không khoan nhượng với các đối thủ sản xuất xe hơi Nhật Bản những năm 1980. Hãng xe hơi Chrysler và lãnh đạo Lee Iacocca nổi lên như biểu tượng của sự phục hồi nước Mỹ. Chrysler giờ là một phần của Fiat Chrysler Automobiles NV của Ý.Nhưng lúc này, các công nhân bị sa thải đang thích ứng chậm với “cú sốc Trung Quốc”. Khắp nước Mỹ, dữ liệu di cư cho thấy ít người đi tìm việc ở những nơi khác hơn, số lượng các gia đình có hai nguồn thu nhập tăng lên, dân số già đi và chi phí nhà ở tăng vọt đều đã cản trở sự đổi thay cần thiết với ngành sản xuất trước cơn bão hàng giá rẻ từ bên kia Thái Bình Dương.Các nỗ lực của chính phủ trong vấn đề này chưa đem lại nhiều kết quả. Chương trình chính thức của Washington nhằm đào tạo lại các công nhân bị ảnh hưởng có tên Trade Adjustment Assistance (TAA, Chương trình trợ cấp do thay đổi hoạt động mậu dịch), trả học phí cho hai năm đại học và mở rộng hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp. Bản đánh giá do Bộ Lao động đặt hàng cho thấy những người tham gia chương trình, đặc biệt trên 50 tuổi, thường kiếm được ít tiền hơn sau khi tham gia chương trình so với những người không tham gia! Alex Shuford - giám đốc Công ty đồ nội thất Century ở Hickory, North Carolina, một trong những ngành và vùng sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Mỹ - gọi TAA là “dùng bông băng thuốc đỏ cho một vết thương đứt động mạch với nền kinh tế”.Ở Hickory, công nhân mất việc đến học ở trường cộng đồng cũng không tìm được việc ở ngành khác. Bà Michelle Surratt, 58 tuổi, là một ví dụ. Bà chỉ học hết lớp 7 và mất việc công nhân nhà máy năm 2006, đã dùng TAA để học lại cấp III nhưng chưa bao giờ thi kiểm tra toán vì “thấy số liệu là sợ”, như bà cho biết. Bà Surratt hiện kiếm được 9,69 USD/giờ nhờ nghề sửa vật liệu nội thất. 15 năm trước, lương của bà là gần 11 USD/giờ khi còn làm vận hành máy!Nhiều công nhân nhận thấy họ không hợp với việc học hành đại học nên đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ an sinh xã hội do mất thu nhập (Social Security Disability) sau nhiều năm lăn lộn ở nhà máy. Anthony “Tony” Crawford, thợ nhồi nệm, bị đau ở đầu gối và lưng sau khi bị trượt vào khung tranh trên sàn nhà máy năm 2009. Thời kỳ đỉnh cao của ngành, anh kiếm 29 USD/giờ và làm tăng ca liên tục. Giờ 45 tuổi, Crawford sống dựa vào nguồn tiền tiết kiệm ít ỏi của mình. “Tôi quen lao động chân tay để kiếm tiền. Trở lại trường học không phải là một lựa chọn cho tôi”.Chiếc chìa khóa vào lâu đàiNỗi lo Trung Quốc càng khiến những hiệp định thương mại đa phương, như TPP, trở nên quan trọng trong mắt không ít người ra quyết định ở Mỹ. Thất bại trong phê chuẩn TPP, được Tổng thống Barack Obama dự kiến thông qua trong năm nay trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ thứ hai, sẽ là trao cho Trung Quốc “chiếc chìa khóa vào tòa lâu đài” toàn cầu hóa và không thể giải quyết được vấn đề cán cân thương mại cũng như nỗi lo việc làm biến mất trong ngành sản xuất tại Mỹ, đại diện thương mại Mỹ Michael Froman đã nói ngày 18-8.Froman nói ông vẫn lạc quan về khả năng quốc hội sẽ thông qua TPP, hiện có 12 thành viên, trong bối cảnh Trung Quốc đang tích cực xúc tiến một khối thương mại khác do họ chủ xướng là Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), 16 nước (Việt Nam có mặt trong cả hai khối). Giống như TPP, Trung Quốc hi vọng với RCEP, nước này sẽ tăng cường xuất khẩu hơn nữa ở các thị trường khác trong bối cảnh thị trường Mỹ và châu Âu đã bão hòa với họ, đồng thời thiết lập các tiêu chuẩn lao động và môi trường theo mong muốn của Bắc Kinh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.“Chúng ta chỉ còn cách việc gia cố sự lãnh đạo (của nước Mỹ) trong khu vực và hệ thống thương mại toàn cầu một cuộc bỏ phiếu nữa - ông Froman nói với Reuters - Bằng không, chúng ta sẽ để mất điều đó vào tay Trung Quốc. Tôi nghĩ rốt cuộc quốc hội sẽ không muốn là những người chịu trách nhiệm việc trao chiếc chìa khóa vào lâu đài cho Trung Quốc”.Ông Froman thấy phải lên tiếng khi trong cuộc tranh cử đang diễn ra, cả ông Trump và đối thủ, bà Hillary Clinton, đều đã lên tiếng phản đối TPP. Hiệp định này đã trở thành “vật tế thần” cho cuộc tranh cử, theo ông Froman.Trung Quốc nghĩ gì về ông Trump?Những chỉ trích nhắm vào Trung Quốc đã trở thành một phần quan trọng trong các bài diễn văn tranh cử của ông Trump. Ông đã cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công ăn việc làm của người Mỹ, rằng sự nóng lên toàn cầu là một vấn đề do Trung Quốc nghĩ ra nhằm làm tổn hại năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất Mỹ. Nhưng Trung Quốc, cả chính quyền lẫn người dân, nghĩ thế nào về ông Trump?Trước hết, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Năm 2015, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 366 tỉ USD (343 tỉ USD vào năm 2014). Ông Trump đã so sánh mức thâm hụt đó với việc Trung Quốc đang “cưỡng hiếp” Mỹ và nói sẽ đánh thuế hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu ở mức 45%, buộc nước này chấm dứt trò “thao túng đồng tiền”, cũng như tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông và Hoa Đông để “ngăn ngừa chủ nghĩa phiêu lưu Trung Quốc”.Vào tháng 4, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ đã mô tả ông Trump là “kiểu người phi lý” sau bình luận về chuyện thuế má. Tuy nhiên, nhìn chung thì các quan chức Trung Quốc tránh bình luận trực tiếp về ông Trump. Tháng trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói bầu cử Mỹ là vấn đề nội bộ của nước Mỹ và ông sẽ không bình luận về chuyện đó.Còn trên truyền thông, báo chí Trung Quốc đã cáo buộc ông Trump là kẻ phân biệt chủng tộc (Global Times) và Bắc Kinh “cần sẵn sàng cho khả năng quan hệ kinh tế, thương mại Trung - Mỹ xấu đi” nếu ông Trump đắc cử (Sohu Business). Ông Trump cũng bị cho là tấn công Trung Quốc để ghi điểm chính trị (China News).Điều thú vị là trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo đã xuất hiện khá nhiều nhóm hâm mộ ông Trump. “Ông ấy mang lại cảm giác tôi là người xấu và tôi muốn làm tổng thống, thế thì sao nào? - một sinh viên thuộc nhóm Trump Fans, viết - Ngôn ngữ đời thường và thẳng thắn khiến ông ấy có vẻ thành thật hơn những lời lẽ lúc nào cũng đúng đắn về chính trị của các ứng viên khác”. Một chủ nhà hàng tại Thành Đô so sánh ông Trump với tôm hùm: “To lớn, màu cam, đắt tiền, tự tin và luôn nói lời cuối cùng”. Tags: Trung QuốcDonald TrumpHậu thuẫn
Tình báo Ukraine: Triều Tiên gửi 100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho Nga UYÊN PHƯƠNG 26/11/2024 Cơ quan Tình báo quốc phòng Ukraine (DIU) cáo buộc Triều Tiên gửi 100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) cho Nga.
Khởi tố, bắt 4 bị can gồm 2 giám đốc trong vụ án nhận hối lộ ở Nha Trang PHAN SÔNG NGÂN 26/11/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vừa khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can liên quan việc đấu thầu thi công các dự án do Công ty TNHH Dũng Lợi thực hiện trên địa bàn TP Nha Trang.
Sửa thuế thu nhập cá nhân lạc hậu: Phải chờ đến... 2026! LÊ THANH 26/11/2024 Phải có quy định cho phép người nộp thuế thu nhập cá nhân được trừ lãi vay mua nhà, tiền học, khám chữa bệnh của người nộp thuế và của con cái họ.
Nhận hối lộ gần 6 tỉ, luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với cựu vụ phó Anh Tuấn TUYẾT MAI 26/11/2024 Sáng 26-11, phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan. Bào chữa cho ông Hoàng Anh Tuấn (cựu vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với ông Tuấn.