Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên - Ảnh: AFP
Đây là lần thứ hai trong vòng 2 ngày liên tiếp ông Triệu phản pháo Mỹ liên quan vấn đến này. Nguyên nhân khẩu chiến bắt nguồn từ một nghiên cứu được công bố ngày 29-6 của một nhà nghiên cứu người Đức.
Trong đó Trung Quốc bị cáo buộc đã tiến hành chiến dịch triệt sản quy mô và có hệ thống tại Tân Cương để kiểm soát dân số người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và các dân tộc thiểu số khác ở nước này. Chiến dịch này khiến dân số người Duy Ngô Nhĩ bị kiềm chế trong vài năm gần đây.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau đó lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh "chấm dứt ngay lập tức các hành vi khủng khiếp" và thúc giục các nước gây sức ép để Trung Quốc ngừng các hành động "phi nhân tính" ở Tân Cương.
Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 30-6, ông Triệu đã bác bỏ các cáo buộc trên và gọi ngoại trưởng Mỹ là "một tay nói láo trắng trợn".
Ông Triệu nhấn mạnh dân số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã tăng từ 5,55 triệu vào năm 1978 lên 11,68 triệu vào năm 2018, chiếm 46,8% dân số của khu tự trị và gấp hơn hai lần dân số của 4 thập kỷ trước đó.
"Mỹ nên nhìn lại họ trước đi. Các nhóm dân tộc thiểu số của họ bị ngược đãi và đứng ngoài xã hội, phải chịu đựng sự phân biệt đối xử lâu dài và có hệ thống trong mọi mặt của cuộc sống. Người Mỹ bản địa đã bị thảm sát, bị đồng hóa và kỳ thị trong thời kỳ nước Mỹ mở rộng về phía tây. Ngày nay, dân số họ trên toàn nước Mỹ vẫn tiếp tục sụt giảm tới 2%", đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả.
Không dừng lại đó, ông Triệu tiếp tục công kích Mỹ về đại dịch COVID-19. "Đại dịch đã phơi bày sự bất công chủng tộc ở Mỹ. Tỉ lệ lây nhiễm của người Mỹ gốc Phi gấp 5 lần người Mỹ da trắng.
Gần đây, cái chết của ông George Floyd đã gây ra những cuộc biểu tình lớn và nhiều nhóm thiểu số phải kêu lên 'tôi không thở được' do sự phân biệt đối xử", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí khuyên các chính trị gia Mỹ như ông Pompeo "đối mặt với vấn đề phân biệt chủng tộc ở trong nước, và dành thời gian, công sức cải thiện tình hình nhân quyền ngay ở nhà mình".
Những phát ngôn mạnh mẽ của ông Triệu là minh chứng tiêu biểu cho chính sách mới mà giới quan sát gọi là "chiến lang" trong ngành ngoại giao Trung Quốc. Thay vì cố gắng tỏ ra ôn hòa và né tránh bình luận, các gương mặt mới như Triệu Lập Kiên đã đáp trả trực diện các chỉ trích nhắm vào Bắc Kinh khiến nhiều người bất ngờ.
Ông Triệu hiện là vụ phó Vụ thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cấp dưới của bà Hoa Xuân Oánh.
Ông Triệu Lập Kiên cũng lưu ý đây không phải lần đầu phía Mỹ dẫn lại các thông tin từ nhà nghiên cứu Adrian Zenz mà Trung Quốc cho là có lập trường "chống Trung". Công trình gần đây của nhà nghiên cứu người Đức này là về vấn đề Tân Cương.
Trong báo cáo công bố ngày 29-6, ông Zenz cho biết phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác bị bắt ép phải phá thai nếu không muốn vào "trại tập trung".
Với những phụ nữ chưa mang thai, họ bị bắt phải làm phẫu thuật triệt sản và được kiểm tra có đang mang thai hay không mỗi 2 tháng. Một số người trong các "trại tập trung" được tiêm một loại thuốc mà họ cho là có tác dụng như thuốc triệt sản.
Nhà nghiên cứu người Đức khẳng định các phát hiện của ông đã đủ để gọi những gì Trung Quốc làm ở Tân Cương là một chiến dịch "diệt chủng nhân khẩu học" theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc.
Hãng thông tấn AP trong cùng ngày 29-6 cũng công bố một cuộc điều tra riêng nhưng dẫn đến cùng một kết luận với ông Zenz.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận