Gần đây, hình ảnh một cô gái "đi làm mà mặc đồ như ở nhà" đã khiến dân mạng Trung Quốc vô cùng xôn xao, bởi được đính kèm thêm một câu nói khá... sốc óc: "Chó quê ở thành thị".
Theo đó, cụm từ này được dùng để nhắc đến những người làm việc văn phòng thường ăn bận đơn giản, thậm chí đến mức xuề xòa. Với họ, "thoải mái" là tôn chỉ hướng đến khi không cần phải câu nệ về vẻ ngoài quá mức. Ngày thì áo len, quần bò, chân lững thững đi lại quanh văn phòng với đôi vớ cũ mèm. Lúc thì chỉ áo phông, quần bông là... đủ.
Cô gái trong hình trở thành hình ảnh được nhắc đến khi cụm từ "Chó quê ở thành thị" xuất hiện. Mái tóc dài được búi một cách ngẫu hứng bởi một chiếc kẹp. Cô mặc thêm chiếc áo len rộng, quần vải bông màu hồng, còn chân thì đi một đôi dép bông, như thể đang... làm việc tại nhà.
Nhiều người cho rằng, hàng ngày đi làm đã rất mệt mỏi thì ai còn đủ sức để khoác lên một bộ cánh chuyên nghiệp, lớp make-up kỹ càng, cùng đôi giày cao gót kênh kiệu?! Thế nhưng, ai nấy cũng sẽ đều bận rộn với công việc của mình khi đặt chân vào văn phòng, liệu còn có người chú ý đến vẻ ngoài của đồng nghiệp?
Tuy nhiên, biểu hiện về mặt hình ảnh như trên cũng là tình trạng của không ít thanh niên đi làm, nhất là chị em phụ nữ. Nhiều người cảm thấy không vui mà chỉ toàn là mệt mỏi. Các giá trị cuộc sống cũng chẳng thể nào xuất hiện khi tâm trạng uể oải, tinh thần trồi sụt. Sự kiệt quệ này thường được chia thành 3 cấp độ.
1. Mệt mỏi bề ngoài
Thể chất cảm thấy mệt mỏi, não bộ muốn nghỉ ngơi... là những điều xảy ra khi dân văn phòng phải lao vào các cuộc họp, công việc và cả đưa ra quyết định liên quan đến công việc. Điều này khiến trí óc phải hoạt động, "nhảy số" liên tục. Lâu dần, hiệu suất làm việc sẽ bị ảnh hưởng, có thể giảm mạnh.
2. Mệt mỏi tinh thần
Tất cả những loại cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như lo lắng về công việc không hoàn thành, sợ bị sếp sa thải và hay tức giận khi xung đột với đồng nghiệp... đều có thể khiến người ta cảm thấy kiệt quệ về thể chất và tinh thần.
Những lúc này, việc nghỉ ngơi để "hồi" sức khỏe là điều nên làm. Tuy nhiên, nếu mệt mỏi tinh thần có xu hướng kéo dài, sẽ gây ra những tác động xấu đến cơ thể.
3. Cảm thấy thiếu ý nghĩa và giá trị
Khi làm bất kỳ điều gì, nếu bản thân thấy không còn ý nghĩa nữa đó là lúc bạn có thể gục ngã ngay ra giường và cảm nhận sự yếu đuối từ trong ra ngoài. Lúc này, tâm trạng sẽ khó thoát khỏi những mâu thuẫn. Điều này kéo dài lâu sẽ rất khó để có thể thay đổi.
Vì vậy, làm sao để bản thân quản lý được nguồn năng lương trong mình để tăng hiệu suất làm việc và luôn trở nên tươi mới?
Năng lượng con người giống như pin điện thoại di động, rất cần sạc khi đã sắp... sập nguồn. Tuy nhiên, nhiều người đã không để ý đến, sắp hết pin thì lại sạc "cầm chừng", được 20 - 30 phút rồi lấy ra sử dụng tiếp. Tình trạng này sẽ khiến nhiều người nghỉ ngơi chưa đủ đã phải bước vào guồng quay công việc, khiến sự mệt mỏi thường trực càng trở nên trầm trọng hơn.
Hãy xem "năng lượng" như một thứ có nhịp điệu. Các chuyên gia công nghệ cũng luôn cho rằng "đừng nên sử dụng năng lượng cho đến khi hết sạch", nhưng hãy hiểu và hợp tác với những nhịp điệu này, để chủ động nghỉ ngơi và bổ sung, bằng cách áp dụng:
- Qui tắc 60 phút: Não bộ chỉ có thể duy trì tập trung trong 45 - 90 phút. Hãy nghỉ ngơi sau mỗi 1 tiếng để năng lượng được "sạc" trở lại. Điều này tốt hơn là làm việc liên tục trong 2 tiếng rồi nghỉ ngơi chỉ 20 phút. Tần suất nghỉ ngơi quan trọng hơn thời lượng. Bạn cần chuyển sang một công việc khác, như hoạt động thể chất, giao tiếp thay vì trí óc, để cơ thể thoải mái hơn.
- Qui tắc giai đoạn thời gian: Tùy vào đặc thù công việc và đặc điểm riêng của mỗi người mà một thời gian biểu sẽ phù hợp, đáp ứng được.
Buổi sáng: Thức dậy với tinh thần phấn chấn, thời gian này rất minh mẫn cho việc sắp xếp công việc và lên kế hoạch.
Buổi trưa: Phù hợp để thực hiện các công việc sáng tạo.
Buổi chiều: Nạp năng lượng sau giờ nghỉ trưa, sắp xếp lại công việc và nên giao tiếp thêm.
Buổi tối: Thư giãn sau bữa ăn, sắp xếp lại công việc hoặc học tập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận