Lối vào cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Xiaomi tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) - Ảnh: VCG
Theo Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), chi phí giao hàng ở các thị trường Đông Nam Á đã tăng lên do đại dịch COVID-19 và chi phí hậu cần cũng đã tăng trong những năm gần đây.
Để giải quyết những vấn đề này, hãng sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi đã hợp tác với các đối tác để thực hiện nội địa hóa sản xuất, một phát ngôn viên của Xiaomi cho biết.
Các thiết bị cầm tay Xiaomi được sản xuất tại Việt Nam sẽ được phân phối ở Trung Quốc cũng như xuất khẩu đến các quốc gia Đông Nam Á khác, bao gồm Malaysia và Thái Lan.
Động thái của Xiaomi diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Việt Nam đang tìm cách mở rộng hơn nữa hợp tác song phương.
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 7 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực trong cuộc họp lần thứ 14 sắp tới của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc - Việt Nam.
Ông Ma Jihua, một nhà phân tích công nghệ kỳ cựu, nói với Global Times rằng việc thiết lập dây chuyền sản xuất tại Việt Nam hoặc các thị trường Đông Nam Á khác có thể giúp các hãng sản xuất điện thoại của Trung Quốc cải thiện cả chi phí và hiệu quả phân phối.
Theo Global Times, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Hợp tác công nghiệp ngày càng chặt chẽ giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ là xu hướng dài hạn cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm cả điện thoại thông minh.
Cùng với việc nâng cấp công nghiệp của Trung Quốc, một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động đã bắt đầu chuyển đến Việt Nam và các nước khác. Các nhà sản xuất giày dép, quần áo và đồ nội thất cũng tiến hành di chuyển sản xuất sang các nước.
Một số nhà sản xuất sản phẩm điện tử cũng nhận thấy xu hướng này trong những năm gần đây, bao gồm nhà sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu Trung Quốc TCL và nhà sản xuất màn hình BOE.
Một trong những nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hàng đầu của Trung Quốc, Trina Solar, cũng đã thành lập dây chuyền sản xuất tại Việt Nam vào đầu năm 2017.
Theo ông Ma, các chuỗi công nghiệp của Trung Quốc đang chuyển công suất sản xuất của họ đến những nơi có chi phí thấp hơn, bao gồm một số quốc gia Đông Nam Á - điều này không chỉ phù hợp với việc nâng cấp công nghiệp của Trung Quốc, mà còn có thể giúp các công ty Trung Quốc phát triển thị trường toàn cầu.
Các chuyên gia lưu ý, việc chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sẽ gây tác động lan tỏa, dẫn đến sự phát triển đồng bộ của chuỗi giá trị hai nền kinh tế. Ở một mức độ nào đó, điều đó có nghĩa là mạng lưới chuỗi cung ứng tập trung ở Trung Quốc đã phát triển lớn hơn.
Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động, vị trí và các khía cạnh khác. Tuy nhiên, theo ông Ma, năng lực của Việt Nam đảm nhận sản xuất từ Trung Quốc cho đến nay còn hạn chế, do phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc cung cấp một số thiết bị và bộ phận cốt lõi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận