Cảnh sát chống bạo động Hong Kong chặn đường vì cuộc biểu tình ngày 30-11 - Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, phái đoàn Trung Quốc tới UN tại Geneva cho rằng bài viết của bà Bachelet đăng tải trên tờ South China Morning Post là "sai lầm" và "vi phạm mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc".
Thông cáo từ phía phái đoàn Trung Quốc nói bài viết của bà Bachelet chứa "các bình luận không phù hợp về tình hình đặc khu Hong Kong... cũng như can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc".
Phái đoàn Trung Quốc tại UN còn cho rằng bài viết của bà Bachelet "sẽ chỉ thúc đẩy những kẻ bạo loạn tiến hành bạo lực cực đoan nghiêm trọng hơn".
Bài viết được nhắc đến đăng tải đầu hôm 30-11. Trong đó, bà Bachelet yêu cầu chính quyền Hong Kong thực hiện "một cuộc điều tra độc lập và minh bạch do phía thẩm phán lãnh đạo, xem xét các báo cáo về việc sử dụng vũ lực quá mức của cảnh sát".
Theo Reuters, người biểu tình Hong Kong đã trở nên bất mãn vì cho rằng Bắc Kinh cố gắng mở rộng tầm kiểm soát đối với thành phố của mình.
Đáp lại, Bắc Kinh bác bỏ việc tước đi tự do ở Hong Kong, cũng như chỉ trích người biểu tình bị giật dây bởi các thế lực ngoại quốc nhằm gây bất ổn cho đại lục.
Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã nhấn chìm kinh tế Hong Kong vào suy thoái.
Giới chuyên gia từng nhận định điểm nóng Hong Kong là nguy cơ địa chính trị lớn nhất hiện nay đối với thị trường toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28-11 đã ký thông qua 2 dự luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong. Trưởng kinh tế gia ngân hàng đầu tư Berenberg, Holger Schmieding, ngày 29-11 nhận định động thái này có thể khơi lại căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
"Nếu tình hình Hong Kong leo thang xấu đi, và nếu chúng ta khiến Trung Quốc can thiệp mạnh tay bằng quân sự, thì cơ hội cho Mỹ chốt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc gần như là không thể, ngay cả khi chỉ là một thỏa thuận mang tính hình thức", ông Schmieding nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận