Phóng to |
Thiết kế này lần đầu được Công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc giới thiệu trong triển lãm an ninh quốc phòng 2012 tại Bangkok hồi đầu tháng 3.
Tàu có chiều dài 211m, chở được 8 trực thăng, có chỗ để 4 trực thăng hoặc tàu đệm khí khác, có chỗ sinh hoạt cho 1.068 binh sĩ, được trang bị rađa định pha, 4 dàn phóng tên lửa tầm ngắn và khả năng chống tàu ngầm.
Các nhà phân tích cho rằng loại tàu 081 này được lấy cảm hứng từ tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral của Pháp. Họ tin rằng Trung Quốc có thể đóng được tàu đổ bộ trực thăng do có kinh nghiệm đóng ba tàu đổ bộ lớp Yuzhao 20.000 tấn trước đó.
Có thể tàu 081 sẽ được hạ thủy đầu năm 2014, chở được nhiều loại trực thăng khác nhau như trực thăng chuyên chở Z8, Z9 hay trực thăng tấn công Z10.
Hiện Chính phủ Trung Quốc chưa xác nhận Công ty Công nghiệp đóng tàu đã bắt đầu chế tạo tàu sân bay 081 hay chưa.
Trung Quốc chế tạo chiến hạm cao tốc bằng công nghệ phương Tây?
Reuters ngày 1-6 tiết lộ đội tàu cao tốc lớp Houbei, hay còn gọi là kiểu 22, hiện lên tới 60 chiếc, được coi là một phần trong kế hoạch đổi mới lực lượng hải quân Trung Quốc nhằm hỗ trợ các hoạt động của họ ở vùng biển Đông - khu vực giàu tài nguyên, hải sản, dầu khí và có vị trí chiến lược trong giao thông quốc tế.
Nhỏ gọn, rẻ tiền và đặc biệt nhanh nhẹn nhờ thiết kế vỏ rẽ sóng tốt, đội tàu tên lửa mới do Trung Quốc sản xuất thực chất nhờ công nghệ tiên tiến của một công ty Úc.
Từ năm 1993, Công ty Kỹ thuật hàng hải Quảng Châu - một nhánh của Công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc, đã bắt tay với Công ty tư vấn thiết kế hàng hải AMD của Úc để thành lập liên doanh mang tên Seabus.
Ban đầu, Seabus đóng các loại tàu nhỏ tốc độ cao có vỏ bằng nhôm và tàu cứu hộ cho Trung Quốc. Sau đó, nhận thấy khả năng hoạt động của những chiếc tàu nhỏ gọn, ổn định và chi phí thấp này, quân đội Trung Quốc đã áp dụng công nghệ mới để thay thế đội tàu cồng kềnh từ thời Liên Xô cũ.
Năm 2004, hải quân Trung Quốc bắt đầu triển khai đội tàu chiến có vũ trang hạng nặng lớp Houbei. Loại tàu này chuyên tấn công chớp nhoáng bằng tên lửa và dùng thiết kế rẽ sóng đặc biệt của AMD, điển hình là thiết kế tàu tuần tra AMD 350.
Lầu Năm Góc nhận định đội tàu Houbei này giúp tăng cường khả năng chiến đấu ven biển của Trung Quốc do có tốc độ hơn 36 hải lý/giờ, chỉ nặng 225 tấn và được trang bị tên lửa chống tàu YJ-83 có thể tấn công mục tiêu từ cách xa hơn 200km.
“Việc Trung Quốc đưa Houbei vào sản xuất hàng loạt cho thấy hải quân nước này tin các chiến hạm nhỏ gọn có thể thực hiện chiến lược ngăn lực lượng nước ngoài tiếp cận với vùng biển xung quanh Đài Loan nếu có xung đột xảy ra” - Sam Roggeveen, một chuyên gia phân tích tại Viện Lowy ở Sydney, bình luận.
Các chuyên gia ước đoán mỗi tàu Houbei có giá 15 triệu USD và hải quân Trung Quốc có ý định nâng số tàu này lên 100. Chi tiêu quốc phòng tăng trung bình 12% mỗi năm trong hơn hai thập kỷ qua đã giúp Trung Quốc triển khai một lực lượng hùng hậu các chiến hạm, tàu ngầm, chiến đấu cơ tấn công tầm xa, tên lửa, đầu đạn hạt nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận