Phóng to |
Mã Nặc (trái) xuất hiện trong chương trình “Nếu anh là người tình” của kênh truyền hình vệ tinh Giang Tô - Ảnh: Chinadaily |
Mã Nặc - cô người mẫu 22 tuổi ở Bắc Kinh - đã thẳng thừng từ chối lời tỏ tình của một thí sinh nam và thừa nhận: "Em thà ngồi khóc đằng sau chiếc xe BMW còn hơn cười sau xe đạp" khi anh chàng mời cô đi chơi trên chiếc xe đạp.
Lời nói gây sốc của Mã Nặc đã khiến chương trình truyền hình thực tế "Nếu anh là người tình", do Ðài truyền hình địa phương tỉnh Giang Tô thực hiện, trở thành chương trình truyền hình thực tế có nhiều người xem nhất Trung Quốc.
Mã Nặc bị dư luận đánh giá là cô gái thờ phụng đồng tiền, xốc nổi, nông cạn và được cộng đồng mạng đặt biệt danh "BMW Lady" (cô nàng BMW).
Ra đời tháng 1-2010, "Nếu anh là người tình" là chương trình có nhiều tập, 24 cô gái được giới thiệu gặp những chàng trai độc thân. Mỗi tập quay 30 phút được cắt xuống còn 10 phút phát trên màn hình. Các phần giới thiệu người chơi thường tập trung vào các vấn đề tài chính. Khoảng nửa màn hình TV sẽ ghi rõ thí sinh có "xe hơi riêng, nhà riêng" hay không.
Trong một tập phát sóng chưa cắt gọt, một nữ thí sinh nói với anh chàng 33 tuổi đang theo đuổi mình: "Anh nói anh làm gì cũng giỏi, thế thì sao giờ vẫn là anh chàng bán hàng (salesman)?". Blogger Tạ Dũng viết trên web Sohu.com: "Ðiều gây tranh cãi nhất của những chương trình này là việc tôn thờ tiền bạc và những người giàu có".
Thực hư chuyện này ra sao? Mã Nặc trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí không thừa nhận cô nghĩ quá nhiều về tiền như hình ảnh mà chương trình tạo ra cho cô. Cô cho rằng các nhà sản xuất đã cố tình cắt gọt lời nói của cô để gây sốc và gây chú ý của dư luận. "Tôi chỉ muốn từ chối anh ấy theo một cách sáng tạo", cô nói.
Khi thí sinh nam ngỏ lời cầu hôn Mã Nặc cùng với hình ảnh của họ trong chiếc BMW, cô không viết thư trả lời và cô chọn một nhiếp ảnh gia làm bạn trai của mình trong chương trình. Câu chuyện tình yêu trên TV và ngoài đời của họ nhanh chóng thu hút sự chú ý. Người ta cáo buộc các nhà sản xuất chương trình đã bịa chuyện và sử dụng diễn viên làm thí sinh.
Không thể phủ nhận xã hội đã bị ảnh hưởng lớn từ truyền thông, và ngược lại, truyền thông phản ánh phần nào thực trạng xã hội. Thực tế, các chương trình hẹn hò ở các đài Giang Tô, Hồ Nam và Chiết Giang đang chạy đua cạnh tranh nhau. Những người xem càng ghét và càng bất bình thì họ càng dán mắt vào màn hình để theo dõi diễn biến. Tỉ lệ người xem (rating) của chương trình tăng cao và những người chỉ trích họ cũng lớn tiếng hơn. Họ gọi chương trình là thế lực đe đọa bào mòn giá trị xã hội Trung Quốc.
Tháng 6-2010, cơ quan quản lý nhà nước về phát thanh, điện ảnh và truyền hình đã phải can thiệp, đưa ra hướng dẫn mới. Họ gọi các chương trình này là "thô tục" và có lỗi trong việc quảng bá lối sống thực dụng, "bịa đặt các câu chuyện và ảnh hưởng tới sự đáng tin cậy của truyền thông".
Từ ngày 1-10-2007, ở Trung Quốc các chương trình truyền hình thực tế đã không được phát trong giờ vàng ở các đài tỉnh. Ngoài ra còn hạn chế thời lượng phát sóng: mỗi chương trình truyền hình thực tế không được phát sóng quá một đợt trong năm, mỗi đợt phát sóng không kéo dài quá hai tháng và mỗi đài truyền hình không được phát sóng quá 10 chương trình/năm, mỗi chương trình chỉ trong vòng 90 phút.
Theo hướng dẫn mới của nhà chức trách, các chương trình đã bị cấm vì "thổi phồng những chuyện bên lề, cho thấy khía cạnh xấu xí, bi kịch, tối tăm và các chủ đề suy đồi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận