Nhà đầu tư nước ngoài đã bán tháo cổ phiếu và trái phiếu của Trung Quốc - Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST
Theo báo South China Morning Post ngày 27-4, các nhà đầu tư đang rút dần khỏi Trung Quốc trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, xung đột tại Ukraine và dự báo về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất.
Dòng vốn rút khỏi Trung Quốc
Vào tháng 3 vừa qua, luồng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc thông qua chương trình Kết nối chứng khoán (Stock Connect) đạt 45 tỉ NDT (6,9 tỉ USD). Kết nối chứng khoán là chương trình cho phép nhà đầu tư nước ngoài giao dịch cổ phiếu niêm yết trên các sàn chứng khoán của Trung Quốc đại lục.
Theo South China Morning Post, các nhà đầu tư nước ngoài cũng cắt giảm lượng nắm giữ trái phiếu Trung Quốc của họ xuống 112,5 tỉ NDT trong tháng 3, sau khi bán ra lượng trái phiếu khoảng 80,3 tỉ NDT một tháng trước đó.
Bên cạnh việc bán tháo trái phiếu chính phủ, các nhà đầu tư nước ngoài còn bán phá giá cổ phiếu của Trung Quốc. Thị trường chứng khoán Trung Quốc lập tức bị xáo trộn, buộc chính quyền phải lên tiếng cam kết hỗ trợ thị trường và nền kinh tế.
Một số chuyên gia cảnh báo bất cứ phát sinh nào trong chu kỳ lãi suất hiện tại của FED cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Trung Quốc.
Thị trường kỳ vọng FED sẽ nâng lãi suất từ nay tới cuối năm để kiềm chế lạm phát. Lãi suất Mỹ được dự báo sẽ tăng lên trên 2% so với mức 0,25-0,5% hiện tại.
Lãi suất của Trung Quốc cũng vì vậy sẽ mất khả năng cạnh tranh với Mỹ. Cộng thêm xu hướng kinh tế ảm đạm do xung đột tại Ukraine và chiến lược "Zero COVID" cứng rắn, đồng NDT đang gặp sức ép lớn.
Trong tuần qua, tỉ giá hối đoái của NDT đã giảm gần 2% so với USD tại thị trường trong nước. Ngày 25-4, tỉ giá giữa hai đồng tiền này đã vượt mức 6,6 NDT đổi 1 USD tại thị trường nước ngoài, trước khi có sự can thiệp của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC).
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc từ 4,8% xuống 4,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu hằng năm của Bắc Kinh là “khoảng 5,5%”.
Nỗ lực ổn định thị trường
Để hạn chế tác động, PBOC đã làm chậm đà trượt giá của NDT bằng cách cắt giảm mức dự trữ ngoại hối bắt buộc của các ngân hàng. PBOC kỳ vọng có thể giải phóng khoảng 10 tỉ USD vào thị trường, giúp nâng giá NDT so với USD.
Tuần trước, phó giám đốc Wang Chunying của Cục Quản lý ngoại hối Trung Quốc (SAFE) khẳng định nước này có thể thích ứng với những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ.
Theo bà Wang, Trung Quốc đủ khả năng bù đắp tình trạng mất vốn nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này, tài sản ròng ở nước ngoài và thặng dư thương mại của Trung Quốc có tổng trị giá là 2.000 tỉ USD. Ngoài ra, quốc gia này còn có khoản tiền gửi ngoại hối kỷ lục 700 tỉ USD.
Dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc cho thấy tỉ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc hiện là 15,5%, thấp hơn so với mức 16,3% vào năm 2020 và 17% vào năm 2014.
Cơ cấu nợ của nước này cũng đã được tối ưu hóa. Nợ ngắn hạn tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 144,6 tỉ USD vào cuối năm 2021, chiếm 52,7% tổng nợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận