Trung Quốc: Bùng nổ đại học, bùng nổ thất nghiệp?

CHIÊU VĂN 22/08/2019 17:08 GMT+7

TTCT - Mùa hè này, các trường đại học ở Trung Quốc sẽ cho “ra lò” một lượng sinh viên tốt nghiệp kỷ lục: 8,3 triệu tân cử nhân sẽ gia nhập lực lượng lao động. Đây là mức tăng gần 50% so với 10 năm trước (5,7 triệu), một thách thức thật sự trong bối cảnh thương chiến Trung - Mỹ căng thẳng hơn bao giờ hết và bức tranh kinh tế - việc làm trong nước đang ảm đạm.

Ảnh: Sgsme.sg
Ảnh: Sgsme.sg

Các chính sách thị thực khó khăn hơn ở nhiều nước phương Tây với sinh viên du học cũng đồng nghĩa có thêm nửa triệu du học sinh Trung Quốc trở về nước tìm việc năm nay. Trong khi đó, nền kinh tế nước này hiện tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 30 năm qua.

Sự cạnh tranh của các tân cử nhân trong lực lượng lao động cũng gắt gao hơn: 2/3 những người tìm công việc đầu tiên trong đời năm 2019 này sẽ là sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, so với chỉ một nửa mới 3 năm trước.

Cho tới tận những năm 1990, chính quyền vẫn còn duy trì chính sách phân công công tác cho cử nhân đại học, nhưng thị trường lao động ngày nay đã gần như tự do hoàn toàn, và giới lãnh đạo chính trị đang rất lo lắng trước những số liệu mới.

Ngày 12-7, 5 cơ quan trung ương, bao gồm Bộ Công an, đã cảnh báo các chính quyền địa phương rằng công ăn việc làm đang trở thành “trọng trách nặng nề” và “việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp” giờ được gắn với “trật tự ổn định xã hội”.

Ngày 15-7, đến lượt Tân Hoa xã phát đi bản tin trấn an “Thị trường lao động Trung Quốc tiếp tục ổn định”, cho biết tỉ lệ thất nghiệp ở các vùng đô thị là 5,1%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước.

Dẫn lời Tổng cục Thống kê nhà nước, Tân Hoa xã viết rằng áp lực mang tính cấu trúc lên thị trường lao động vẫn lớn bởi chính quyền phải xử lý vấn đề cho lao động thôi việc do năng suất dôi dư và thực tế là 8,3 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp năm nay.

The Economist dẫn lời những người tuyển dụng ở một hội chợ việc làm tại Bắc Kinh công nhận rằng họ ném thẳng lý lịch của các sinh viên tốt nghiệp các đại học “vô danh tiểu tốt” thẳng vào sọt rác. Joshua Mok - giáo sư Đại học Lĩnh Nam, Hong Kong - nói trên The Economist rằng một phần vấn đề là thực trạng “chất lượng trung bình” của cử nhân đại học ở Trung Quốc đã suy giảm cho những năm gần đây.

Số lượng trường đại học tăng từ hơn 1.000 trường vào năm 2000 lên 2.700 trường hiện giờ. Người tuyển dụng, khi thấy những tên trường quá lạ, thường kết luận ngay rằng đó chỉ là một nơi bán bằng bát nháo, và không phải lúc nào họ cũng quy kết vội vã.

Năm 2009, giới học giả Trung Quốc đã nghĩ ra từ “nghĩ tộc”, nghĩa là “bộ tộc kiến” để chỉ những sinh viên tốt nghiệp đại học xuất thân từ các vùng quê chật vật tìm kiếm việc làm tại các siêu đô thị. Ước tính có 100.000 “chú kiến” như thế sống ở Bắc Kinh vào năm 2010, nhưng từ đó không còn được dùng nhiều nữa khi giá thuê nhà tăng lên, kèm theo các cuộc truy quét sinh viên ở trọ không đăng ký đã khiến nhiều người phải bỏ các thành phố lớn.

Nhiều tân cử nhân cũng kỳ vọng thái quá. Với khu vực tư nhân, một câu quen thuộc của họ là “BAT hoặc là tay trắng” (BAT là viết tắt cho 3 tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, cũng là những nơi làm việc đáng thèm muốn nhất:

Baidu, Alibaba và Tencent), và dễ hiểu là với giai đoạn mở rộng cấp kỳ của những tập đoàn này đã qua, kết quả với các sinh viên mới tốt nghiệp thường là tay trắng. Còn trong lĩnh vực nhà nước, năm 2018, 920.000 thí sinh đã đăng ký thi tuyển cho 14.500 vị trí công chức, tương đương tỉ lệ 1 chọi… 63. Năm nay, số vị trí việc làm cho lĩnh vực nhà nước cũng không đổi, và tiếp tục duy trì ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua.

Nhưng thực tế đó không thể ngăn cản những người trẻ tìm mọi cách vào đại học, một phần vì họ cũng không còn nhiều lựa chọn, điều góp phần giải thích cho sự bùng nổ của giáo dục tư nhân bậc cao ở Trung Quốc thời gian qua.

Hãng môi giới Frost & Sullivan ước tính vào năm 2012, Trung Quốc có 5,3 triệu sinh viên học ở các cơ sở giáo dục bậc cao tư nhân, nhưng con số này sẽ lên tới 8 triệu vào năm 2021 với thị trường này, giá trị dự kiến tăng từ 10 tỉ USD lên 20,2 tỉ USD trong cùng kỳ, sớm trở thành thị trường giáo dục bậc cao tư nhân lớn nhất thế giới.

Theo Hãng kế toán Deloitte, tổng số vụ thâu tóm sáp nhập trong ngành giáo dục tư nhân ở Trung Quốc đã tăng 165% giai đoạn 2014-2015 và một trong những tập đoàn lớn nhất, China Education Group, đã niêm yết ở sàn chứng khoán Hong Kong năm 2017, huy động được 420 triệu USD trong lần đầu chào bán ra công chúng, định giá tập đoàn này ở mức 2,8 tỉ USD.

Cùng giai đoạn tăng trưởng kinh tế vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã đầu tư mạnh tay cho giáo dục công lập ở mức độ cơ sở, nhưng trong dạy nghề và giáo dục bậc cao, khoảng trống cho tư nhân còn nhiều, với hơn 740 đại học tư và hàng nghìn trường dạy nghề, trong một thị trường phân mảnh sẽ sớm trở nên tập trung hơn trong tương lai rất gần.

Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều khả năng Trung Quốc sẽ lại càng tràn ngập các tân cử nhân hơn nữa trong một tương lai không xa, nhưng từ tấm bằng đại học chuyển thành một công việc như mong đợi lại là một chặng đường không thể đoán trước nữa.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận