31/07/2018 10:59 GMT+7

Trung Quốc bỗng dưng 'hiền lành' trước Mỹ

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Sau khi ông Trump ngày 20-7 tuyên bố sẽ áp thuế tiếp với 500 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, không như trước đây, tới nay Bắc Kinh vẫn chưa có tuyên bố đáp trả chính thức nào.

Trung Quốc bỗng dưng hiền lành trước Mỹ - Ảnh 1.

Ông Raymond Schexnayder Jr., một nông dân trồng đậu nành, đứng trên cánh đồng của ông tại Erwinville, bang Louisiana (Mỹ) - Ảnh: REUTERS

Điều này được giới quan sát đánh giá là "sự im lặng bất thường" của Bắc Kinh. Hoàn toàn khác so với động thái phản ứng mạnh mẽ, nhanh chóng của Trung Quốc sau 2 tuyên bố đe áp thuế trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

"Không phản ứng" hay "không còn gì" phản ứng?

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài CNBC ngày 20-7, ông Trump nói đã sẵn sàng triển khai biện pháp cứng rắn hơn nữa với Trung Quốc khi chuẩn bị áp thuế với 500 tỉ USD hàng hóa nước này. Kể từ đó tới nay (23-7), cả Bộ Thương mại lẫn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều chưa phát đi bất cứ tuyên bố phản ứng nào.

Các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, từ Hãng thông tấn Tân Hoa xã cho tới tờ Thời báo Hoàn Cầu đều không đưa tin về tuyên bố đe áp thuế mới nhất của ông Trump. Một bài bình luận đăng trên tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày 21-7 cũng không đả động tới chuyện này.

Sự im lặng bất thường có thể có liên quan tới "chỉ đạo" của chính quyền Trung Quốc với truyền thông là không "đưa tin quá mức" về chiến tranh thương mại, tránh gây hoang mang dư luận.

Bà Iris Pang, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Công ty ING Bank, cho rằng việc Trung Quốc chưa có phản ứng chính thức lần này có thể họ cho rằng ông Trump chỉ đang nói "bốc" để đánh lạc hướng dư luận chứ thực sự ông ấy không có ý làm thật.

Theo bà Iris Pang, tuyên bố đe áp thuế với 500 tỉ USD hàng Trung Quốc không mới. Đây chỉ là thủ thuật của ông Trump nhằm kéo dư luận khỏi những chỉ trích gay gắt trong công luận cũng như chính giới Mỹ về cuộc hội đàm thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin của ông tại Helsinki vừa qua. 

"Nó sẽ không gây ra những quan ngại nào (cho phía Trung Quốc) trừ khi có một lộ trình thực thi rõ ràng được công bố" - bà nói.

Tuy nhiên, cũng có một nguyên nhân khả dĩ phía sau sự im lặng của Bắc Kinh là vì lúc này họ không còn gì để bổ sung cho những tuyên bố trước đây. Trên thực tế, Trung Quốc không thể đáp trả với quy mô tương đương mức 500 tỉ USD như đe dọa của ông Trump, cũng là mức tương đương với tổng giá trị hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ trong năm ngoái. 

Theo dữ liệu của Mỹ, Trung Quốc chỉ nhập khẩu khoảng 130 tỉ USD giá trị hàng từ Mỹ. Theo đó, nếu thực sự phải có động thái đáp trả, có lẽ rốt cuộc họ sẽ phải viện tới các biện pháp phi thuế quan.

Nhờ... hoạt hình lên tiếng

Không có tuyên bố chính thức song những ngày qua, Trung Quốc đã chuyển sang sử dụng một loại "vũ khí" khác để ứng phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Họ mượn lời một nhân vật hoạt hình là hạt đậu nành để tác động tới cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất ở Mỹ: những người nông dân trồng nông sản này.

"Xin chào mọi người, tôi là hạt đậu nành" - đó là lời chào của đậu nành trong đoạn phim hoạt hình phát trên trang web của mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) thuộc Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV). 

Đậu nành là nông sản xuất khẩu có giá trị lớn nhất của Mỹ vào Trung Quốc. Năm ngoái tổng lượng hàng này nhập vào Trung Quốc là 12 tỉ USD. Trong đoạn phim hoạt hình, sau khi chỉ ra các công dụng chính của đậu nành, hạt đậu bắt đầu nói về vai trò trung tâm của nó trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. 

Hạt đậu "chỉ ra" giá bán đậu nành của Mỹ đã giảm 18% trong thời gian từ tháng 5 đến đầu tháng 6, mức thấp nhất trong năm nay. Nó cho biết có tới 9/10 bang trồng đậu nành nhiều nhất của Mỹ đã bỏ phiếu cho ông Trump năm 2016 và đặt câu hỏi: "Liệu rằng các cử tri đi bầu sẽ còn ủng hộ ông Trump và Đảng Cộng hòa nữa không sau khi túi tiền của họ bị thâm hụt?".

Gửi thông điệp chính trị qua hoạt hình chỉ là một trong nhiều cách tác động của chính quyền Bắc Kinh tới Mỹ. Trung Quốc cũng đã viện tới các diễn viên nước ngoài, thậm chí cả nhạc rap để phát đi thông điệp này theo các cách thức bớt trang trọng hơn so với tuyên bố chính thức từ nhà chức trách.

2 lần phản ứng "ngay và luôn"

Khi Washington công bố áp thuế với 50 tỉ USD hàng Trung Quốc ngày 15-6, lúc 1h30 ngày 16-6 giờ Trung Quốc, Bộ Thương mại nước này lập tức phát tuyên bố đáp trả với danh sách hàng hóa chi tiết của Mỹ sẽ bị Bắc Kinh áp thuế.

Sau đó, khi ông Trump tuyên bố áp thuế bổ sung lên 200 tỉ USD hàng hóa khác của Trung Quốc, Bắc Kinh cũng lập tức phản hồi, nói sẽ áp dụng biện pháp trả đũa tương đương "về số lượng và chất lượng", mặc dù không cung cấp nội dung trả đũa cụ thể.

Trung - Mỹ đấu nhau trong cuộc chiến thương mại, ai dính đạn?

TTO - Những "phát súng" mở màn đã rời khỏi nòng khơi mào một cuộc chiến thương mại khả dĩ giữa Mỹ và Trung Quốc. Phần còn lại của thế giới không thể không bị vạ lây, trong đó Việt Nam cũng bị xem là "dễ bị ảnh hưởng".

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên