Vệ tinh quan sát điện từ Trương Hành-1 của Trung Quốc - Ảnh: SCMP
Thông tin được báo SCMP của Hong Kong dẫn lại từ các nhà khoa học Trung Quốc có liên quan đến dự án với Nga. Tổng cộng họ đã tiến hành 5 thí nghiệm trong năm nay.
Một lần diễn ra vào ngày 7-6, diện tích tầng điện ly chịu tác động vật lý rộng khoảng 126.000km2, tương một nửa diện tích nước Anh, trên bầu trời thị trấn Vasilsursk thuộc Nga nằm ở Đông Âu.
Kết quả thí nghiệm là số lượng hạt hạ nguyên tử mang điện âm trong khu vực chịu tác động tăng vọt gấp 10 lần xung quanh.
Trong một thí nghiệm khác vào ngày 12-6, nhiệt độ tầng điện ly tăng hơn 100 độ C do các hạt ion hóa bị kích thích chuyển động.
Các thí nghiệm trên được tiến hành từ một căn cứ tên Sura xây bởi quân đội Liên Xô nằm ở thị trấn Vasilsursk. Cơ sở này dùng một hệ thống ăngten bắn các luồng sóng radio tầng số cao lên bầu trời. Năng lượng của nó có thể đạt đến 260 megawatt, đủ để thắp sáng một thành phố nhỏ.
Từ không gian, vệ tinh quan sát điện từ Trương Hành-1 của Trung Quốc thu thập dữ liệu bằng các thiết bị cảm biến tối tân nhất. Sura phải canh đúng thời điểm vệ tinh Trung Quốc bay ngang qua khu vực thử nghiệm để do được thông số chính xác nhất.
Các kết quả thí nghiệm tầng điện ly được đánh giá là "thỏa mãn", theo báo cáo của các nhà khoa học Trung Quốc trên Tạp chí Vật lý Trái đất và hành tinh. "Việc phát hiện các nhiễu động của tầng điện ly cho thấy khả năng thành công của các thí nghiệm liên quan trong tương lai" - bài báo viết.
Giáo sư Guo Lixin thuộc Đại học Tây An (Trung Quốc), nhận xét hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này rất hiếm đối với Trung Quốc. "Công nghệ có liên quan quá nhạy cảm" - ông bình luận.
Hệ thống ăngten của căn cứ Sura tại Nga - Ảnh tư liệu
Chạy đua "thay trời" điều khiển thời tiết
Quân đội các nước trong nhiều thập kỷ đã chạy đua phát triển công nghệ điều khiển tầng điện ly. Đây là lớp mây ion tích điện dương do Mặt trời và tia vũ trụ tạo ra nằm ở độ cao từ 75-1.000km.
Tầng điện ly cho phép sóng radio bật đi một khoảng cách xa, và hiện tượng này được ứng dụng trong thông tin liên lạc. Chẳng hạn quân đội Liên Xô dùng căn cứ Sura để kết nối liên lạc với các tàu ngầm ở độ sâu hơn 100m dưới mặt nước.
Trên lý thuyết, thay đổi tầng điện ly trên không phận kẻ địch có thể làm gián đoạn liên lạc vệ tinh. Trong thập niên 1990, người Mỹ học từ Nga và cho xây một cơ sở thí nghiệm tương tự gọi là HAARP lớn hơn nhiều nằm ở bang Alaska.
Trung Quốc cũng không chịu kém cạnh và đang xây một cở sở hiện đại hơn ở thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam. Một báo cáo trước đó của tờ SCMP cho thấy căn cứ Tam Á đủ sức tác động lên tầng điện ly trên toàn bộ khu vực Biển Đông.
Nhiều ý kiến đã quan ngại rằng các cơ sở kiểu Tam Á có thể được dùng để thay đổi thời tiết, gây ra thảm họa tự nhiên như bão, lốc xoáy và động đất. Một số chuyên gia thậm chí lo sóng tầng số siêu thấp do công nghệ này tạo ra có thể ảnh hưởng đến hoạt động của não người.
Tiến sĩ Wang Yalu, nhà nghiên cứu Trung Quốc tham gia vào thí nghiệm hồi tháng 6, tỏ ra ngạc nhiên trước các giả thuyết trên.
"Chúng tôi chỉ nghiên cứu khoa học đơn thuần. Nếu có điều gì khác liên quan, tôi không không được biết đến" - bà Wang nói.
Giáo sư Gong Shuhong, chuyên gia công nghệ viễn thông quân sự thuộc Đại học Tây An, thì thừa nhận công nghệ đang phát triển có thể ảnh hưởng trên một khu vực nhỏ, nhưng chưa đạt đến cấp độ gây ra thảm họa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận