Trung Quốc có thể sử dụng xuất khẩu đất hiếm để đáp trả Mỹ - Ảnh: REUTERS
Nhiều tín hiệu gần đây đang cho thấy Trung Quốc rất có khả năng đang cân nhắc sử dụng xuất khẩu đất hiếm làm đòn đáp trả Mỹ trong chiến tranh thương mại.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) nhấn mạnh trong phần hỏi đáp với báo chí ngày 28-5 về việc cắt giảm xuất khẩu đất hiếm.
"Liệu đất hiếm có trở thành vũ khí để Trung Quốc phản công, nhằm chống lại sự áp bức không chính đáng của Mỹ? Điều tôi có thể nói với các bạn là nếu ai đó muốn dùng các sản phẩm làm từ đất hiếm để ngăn sự phát triển của Trung Quốc, thì người dân ở đây (tỉnh Thiểm Tây nơi có mỏ đất hiếm) và toàn bộ nhân dân Trung Quốc sẽ không vui vẻ lắm đâu", một quan chức thuộc NDRC cho biết trong họp báo tại Thiểm Tây.
Câu chuyện về đất hiếm được bàn tán sôi nổi hơn sau khi Mỹ thực hiện các biện pháp ngăn chặn nhắm vào công ty viễn thông Huawei của Trung Quốc.
Đất hiếm dùng để sản xuất các linh kiện quan trọng của nhiều sản phẩm kỹ thuật từ công nghệ tới vũ khí. Trung Quốc được biết đang sản xuất hơn 95% lượng đất hiếm trên thế giới và đặc biệt, Mỹ đang phụ thuộc khi 80% lượng đất hiếm nước này nhập khẩu xuất phát từ Trung Quốc.
Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng đất hiếm để trả đũa ngành công nghệ và vũ khí Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: REUTERS
Dư luận bắt đầu tập trung nhiều hơn nữa vào câu chuyện đất hiếm sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đi thăm một cơ sở khai thác và tinh chế đất hiếm vào hồi tuần trước. Kể từ đó, phía Trung Quốc cũng bắt đầu nhấp nhả về vấn đề này, theo đài CNBC.
Ngày 28-5, tờ Thời báo Toàn cầu của chính quyền Bắc Kinh cũng đăng tin rằng Trung Quốc đang "nghiêm túc cân nhắc" giới hạn xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ.
Ngay cả Tổng biên tập tờ này, ông Hu Xijin (Hồ Tích Tiến) cũng chia sẻ công khai trên tài khoản Twitter: "Dựa trên những gì tôi biết, Trung Quốc đang nghiêm túc cân nhắc việc giới hạn xuất khẩu đất hiếm tới Mỹ. Trung Quốc cũng sẽ áp dụng những biện pháp đáp trả khác trong tương lai".
Dù vậy, phía Trung Quốc, mà cụ thể là ủy ban NDRC, vẫn chưa đưa ra tuyên bố về những chính sách sẽ được áp dụng.
Hơn thế, báo Financial Times ghi nhận số lượng đất hiếm xuất khẩu trực tiếp từ Trung Quốc sang Mỹ còn khá ít. Hầu hết những loại kim loại này được sử dụng trong khâu sản xuất các hàng hóa trung gian, thuộc một chuỗi sản xuất dài hoạt động chủ yếu tại Trung Quốc và Nhật Bản.
Financial Times cho rằng tuy vấn đề về đất hiếm nhận được nhiều sự chú ý từ các chiến lược gia an ninh, nhưng việc áp dụng công cụ này như một đòn trả đũa sẽ rất khó thực hiện.
Vấn đề của Trung Quốc hiện nay là bất cứ giới hạn xuất khẩu đất hiếm mới nào cũng sẽ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng công nghiệp của nước này.
Những chuỗi cung ứng này chỉ mới phát triển những năm gần đây, và phụ thuộc rất nhiều vào các khác hàng nước ngoài từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Mỹ hoãn gắn mác Trung Quốc thao túng tiền tệ
Theo hãng tin Bloomberg, chính quyền Washington đã hoãn việc gắn mác Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Quyết định ngày 28-5 (giờ Mỹ) này tuy không giúp Tổng thống Donald Trump thực hiện lời hứa tranh cử, nhưng ngược lại giúp chiến tranh thương mại không leo thang.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố danh sách giám sát các quốc gia có khả năng thao túng tiền tệ. Danh sách này được mở rộng từ 12 lên 21 quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận