Tên lửa DF-41 của Trung Quốc được cho là có khả năng mang tới 10 đầu đạn hạt nhân, theo dự án Missile Threat của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) - Ảnh: AFP
"Nga và Mỹ phải giảm kho vũ khí hạt nhân của mình theo cách không thể đảo ngược và ràng buộc về mặt pháp lý", quan chức Trung Quốc nói trước báo giới ngày 4-1.
Theo ông Fu, việc Mỹ nói Trung Quốc đang gia tăng năng lực hạt nhân là không có cơ sở. "Trung Quốc luôn áp dụng chính sách không sử dụng hạt nhân phủ đầu và duy trì năng lực ở mức tối thiểu cần thiết cho an ninh quốc gia".
Trên cơ sở đó, vị này khẳng định Bắc Kinh sẽ "tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình" và bác bỏ khả năng sẽ triển khai các đầu đạn hạt nhân gần đảo Đài Loan, theo Hãng thông tấn AFP.
"Vũ khí hạt nhân là biện pháp răn đe tối thượng, chúng không dùng cho chiến tranh hay xung đột", quan chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trấn an.
Theo giới quan sát quân sự, việc Trung Quốc triển khai tên lửa mang đầu đạn hạt nhân sát bờ biển là không khả thi. Lý do là những tên lửa này có thể bị tàu chiến đối phương bắn hạ ngay từ giai đoạn lấy độ cao.
Các hình ảnh do vệ tinh thương mại Mỹ chụp cho thấy Bắc Kinh dường như đã xây nhiều hầm phóng tên lửa sâu trong lục địa. Điều này làm dấy lên lo ngại ở Lầu Năm Góc vì lực lượng hạt nhân của Trung Quốc có thể lớn hơn nhiều so với ước tính.
Các tuyên bố của ông Fu được đưa ra một ngày sau khi Trung Quốc cùng Mỹ, Anh, Pháp và Nga ra tuyên bố chung hiếm hoi về vũ khí hạt nhân hôm 3-1.
Trong tuyên bố, 5 nước này nhấn mạnh mục đích của vũ khí hạt nhân là để phòng thủ, ngăn chặn xâm lược và chiến tranh. "Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng cần phải ngăn chặn sự phổ biến rộng rãi hơn nữa của những loại vũ khí này", tuyên bố có đoạn viết.
Chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc bắt đầu trước khi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) được ký kết năm 1968. Vụ thử hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc diễn ra năm 1964 và dừng lại vào năm 1996.
Một báo cáo của Lầu Năm Góc công bố vào tháng 11-2021 ước tính Trung Quốc sẽ có ít nhất 1.000 đầu đạn hạt nhân trước năm 2030.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận